Thách thức về môi trường trong chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2012 | 9:43:50 AM
YBĐT - Thách thức về vệ sinh môi trường trong phát triển chăn nuôi hiện vẫn là khó khăn chung đối với nhiều địa phương, cơ sở.
Chăn nuôi gia súc cần làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.
|
Ai cũng biết, việc tìm ra lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi là con đường ngắn nhất hướng tới thúc đẩy ngành chăn nuôi “xanh”, phát triển bền vững. Thế nhưng trên thực tế, để làm được điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất vẫn là tư duy, cách làm và đồng vốn của người tham gia làm kinh tế bằng hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Yên Bái hiện có khoảng 5% tổng số hộ gia đình làm chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, cùng hàng trăm trang trại lớn, nhỏ chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đánh giá mới đây nhất, hiện mới chỉ có khoảng 70% hộ chăn nuôi có chuồng trại, trong đó khoảng 10% chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Hộ có công trình khí sinh học (hầm biogas) chỉ đạt dưới 10%, khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải vật nuôi.
Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, mặc dù phần lớn đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng hiệu quả xử lý chưa triệt để. Tình trạng trên đã gây ra ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí ở nông thôn. Ước tính, hiện có tới 80% các bệnh nhiễm trùng ở nông thôn có liên quan tới nguồn nước bị nhiễm vi sinh vật như: giun, sán, tả, bệnh ngoài da, bệnh về mắt…
Nhiều năm qua, chất thải vật nuôi được xử lý bằng 3 biện pháp chủ yếu là: thải trực tiếp ra kênh mương, ao, hồ, được ủ làm phân bón cho cây trồng và được xử lý bằng công nghệ khí sinh học (biogas). Ngoài ra, còn có một số phương pháp khác như xử lý chất thải bằng sinh vật thủy sinh (bèo tây, bèo lục bình...), xử lý bằng hồ sinh học nhưng chưa được nhân rộng.
Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi còn thiếu và sự phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu hợp lý, thiếu số lượng và hạn chế về năng lực. Nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội nói chung về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa đầy đủ và đúng mức...
Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời cần gấp rút hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý môi trường.
Cần có quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường trong trường hợp các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường. Tranh thủ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển khí sinh học kèm theo các chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi xây dựng công xử lý chất thải chăn nuôi có nhiều ưu điểm, nhân rộng sử dụng công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM...
Tô Anh
Các tin khác
YBĐT - Chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo của thành phố Yên Bái đã trở thành phong trào rộng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, góp phần nhân lên niềm tin cho những người nghèo khó khăn về nhà ở.
YBĐT - Đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 của thành phố Yên Bái quan tâm đến tất cả các đối tượng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, không kể là xã hay phường, đã mở ra cơ hội lớn dành cho người nghèo...
YBĐT - Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 699 hộ, 2.659 nhân khẩu, trong đó có trên 500 cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Trong những năm gần đây, số người sinh con thứ 3 của xã đã giảm đáng kể, nhờ vậy mà chất lượng dân số cũng đang từng bước được nâng cao.
YBĐT – Tối 24/10, Tình đoàn Yên Bái tổ chức đêm giao lưu truyền thông phòng chống ma túy và tội phạm mua bán người năm 2012.