Mãi nhớ về 20 năm ấy...…

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2012 | 3:24:12 PM

YBĐT - Trong cuộc đời gần 40 năm công tác giáo dục, tôi đã có hơn 20 năm công tác ở Trường THPT Nguyễn Huệ (tháng 9-1971 đến tháng 1-1992). Thời gian ở Trường THPT Nguyễn Huệ - 3A trước đây đã để lại trong tôi những dấu ấn không bao giờ quên.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ.

Đó là thời kỳ mà đất nước có những biến động đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó có giáo dục nhất là những trường lớn như Trường cấp 3A – Nguyễn Huệ. Chắc chắn rằng thế hệ thầy, trò nhà trường trong khoảng 20 năm ấy (1971-1992) không ai quên những tháng năm gian khổ nhưng đầy tự hào…

NGƯT Nguyễn Đình Lưu

Nhớ lại, sau hơn 6 năm Trường cấp 3A Yên Bái sơ tán di chuyển trường qua nhiều địa danh: Bình Lục, Văn Tiến, Thanh Hùng (thuộc hạ huyện Trấn Yên) rồi lại trở về đồi cao Km7 đường đi Yên Bình – Hà Nội lại phải cấp tốc chia làm 2 phân hiệu sơ tán vào rừng xã Tân Thịnh (phân hiệu 1 ở khu gần Đình Trắng, phân hiệu 2 vào Thanh Hùng) để phòng tránh B52 đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ (tháng 7-1972).

Thống nhất đất nước không lâu thì chiến tranh biên giới xảy ra (tháng 2-1979). Trường cấp 3A lại một phen chia sẻ và vất vả, vừa tiếp nhận số giáo viên và học sinh từ Lào Cai sơ tán về Yên Bái vừa phải phân chia làm 2 khu vực: Phân hiệu 1 ở Km7, phân hiệu 2 vào Km11 đường đi Yên Bình – Hà Nội. Khi được tập trung về Km7 không lâu thì trường lại phải chia 2 phân hiệu năm học 1983-1984: Phân hiệu 1 ở Km7, phân hiệu 2 ở Km5, nơi trường tọa lạc bây giờ. Khu Km5 mới xây dựng với bao bộn bề lo toan về nơi ăn ở sinh hoạt của giáo viên, nhiều giáo viên vẫn phải đi dạy 2 nơi, phương tiện chủ yếu bấy giờ là xe đạp và… đi bộ.

Tiếp đó là thời kỳ chuyển đổi cơ chế, từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng XHCN. Lại một thời kỳ chao đảo, nền kinh tế xã hội ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề trong đó có giáo dục. Đây là giai đoạn giáo dục bị khủng hoảng lớn chưa từng có, giáo dục bị coi là “xuống cấp” nghiêm trọng. Tất nhiên Trường Nguyễn Huệ cũng như nhiều trường khác bị biến động. Nhưng với một trường lớn như Trường Nguyễn Huệ thì chịu sự biến động lớn hơn và khó khăn hơn các trường khác trong tỉnh, khi đó nhiều giáo viên bỏ nghề hoặc phải làm thêm “nghề phụ” để kiếm sống, một số học sinh bỏ học. Giáo viên của trường tuy không ai bỏ nghề nhưng phải làm thêm “nghề phụ” bất đắc dĩ như làm chổi chít, lạc rang húng lừu, làm nước ngọt để bán. Có giáo viên sau giờ dạy phải vào rừng lấy củi, lấy lá dong, ống giang về bán ở chợ Km6…

Một giai đoạn gay go quyết liệt đối với thầy trò nhà trường. Tuy khó khăn do chiến tranh, do cơ chế thời cuộc nhưng cấp 3A Yên Bái – Nguyễn Huệ vẫn đứng vững và không ngừng phát triển. Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đoàn kết, gắn bó, thông cảm chia sẻ những khó khăn cho nhau, gánh vác công việc chuyên môn giáo dục và giảng dạy, không ai bỏ trường, bỏ lớp, bỏ nghề để cùng nhau làm việc, hoàn thành nhiệm vụ từng năm học. Số lượng học sinh được duy trì và chất lượng ngày càng được củng cố. Tập thể nhà trường không ngừng nghỉ trong phong trào thi đua “hai tốt”, theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt”.

Ngoài những nhiệm vụ chung, Trường 3A - Nguyễn Huệ còn có những “đột phá” mà các trường khác trong tỉnh chưa làm. Đó là vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, trường đã lập được một hệ thống lớp chọn có chất lượng cao hơn các lớp bình thường, có sự đầu tư trong chỉ đạo giáo dục và giảng dạy. Vì thế hàng năm Trường Nguyễn Huệ có nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Thời kỳ ấy học sinh Yên Bái nói chung thi đỗ vào các trường đại học không nhiều, đó cũng là thời kỳ Yên Bái chưa lập trường Chuyên.

Bước sang thời kỳ đầu của đổi mới, chuyển cơ chế, Trường Nguyễn Huệ là trường duy nhất trong tỉnh Hoàng Liên Sơn bấy giờ tổ chức thí điểm thành công một lứa học sinh ở lớp dân lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục – gọi là lớp hệ B khi đó. Trường kết hợp với Nhà máy Sứ Hoàng Liên Sơn lập một lớp gồm con em cán bộ, công nhân ở khu vực Nhà máy Sứ do nhà máy và nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất và trả lương cho giáo viên.

Lớp học này được hướng nghiệp nghề sứ, hàng tháng có tham gia lao động ở nhà máy. Những giáo viên của trường ngoài việc tham gia giảng dạy ở trường ra còn đảm nhiệm giờ dạy ở lớp này, tất nhiên là hưởng chế độ khác ở trường công lập. Lớp này kết thúc với gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT thi ở Hội đồng thi Nguyễn Huệ, coi lớp này cũng là một lớp hệ B đầu tiên của nhà trường thành công.

Trải qua nhiều thời kỳ khó khăn gian khổ, Trường 3A Nguyễn Huệ vẫn đứng vững và không ngừng phát triển. Ngay từ giữa những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước (từ 1985-1986) Trường THPT Nguyễn Huệ luôn đứng ở tốp đầu trong phong trào thi đua “Hai tốt” của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hiện nay trường THPT Nguyễn Huệ đã có “thương hiệu”, trở thành một địa chỉ tin cậy về chất lượng giáo dục của tỉnh. Tôi nghĩ rằng trường đã tích lũy được hành trang từ nhiều năm trước đó để tạo nên thương hiệu hôm nay. Những năm tháng gian khó của 20 năm (1971-1991) này chắc chắn là một thời kỳ được tôi luyện thử thách góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng của những năm 90 của thế kỷ trước và thập kỷ đầu của thế kỷ 21 này.

Với tôi cũng như các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh đã được công tác và học tập tại trường rất tự hào về nhà trường, nhớ mãi những năm tháng gian khổ mà trường đã vượt qua và trưởng thành. Kính chúc Trường THPT Nguyễn Huệ phát triển không ngừng để xứng đáng với tên gọi của nhà trường mang tên người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Lưu
Nguyên Hiệu trưởng Trường Cấp 3A Yên Bái
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái

Các tin khác
NGƯT Hoàng Văn Trường.

YBĐT - Sau 30 năm (1979-2009) công tác giảng dạy và quản lý tại Trường THPT Nguyễn Huệ, bản thân tôi có nhiều kỷ niệm buồn, vui khác nhau. Nhưng một điều đáng để ghi nhận, đó sự gắn bó, cống hiến, lao động miệt mài của nhiều thế hệ các thầy giáo, cô giáo, nhân viên và học sinh để cùng xây dựng, vun đắp cho sự phát triển, trưởng thành của nhà trường.

YBĐT - Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái - tiền thân là Trường cấp 3 thị xã Yên Bái - Trường cấp 3A thị xã Yên Bái và là trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh Yên Bái.

Ảnh minh họa: Internet.

Lần đầu tiên các vấn đề về quấy rối tình dục ở nơi làm việc đã được Việt Nam quy định tại Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 5-2013).

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết và Chủ tịch UBTW MTTQVN Huỳnh Đảm trao Huân chương Lao động cho cán bộ Mặt trận các thời kỳ.

Sáng 15/11 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2012).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục