Không rải tiền, mã trong lễ tang cán bộ công chức
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/12/2012 | 8:12:55 AM
Ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định nêu rõ, việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần, thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cơ quan, đơn vị đối với công lao, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc, hoạt động cách mạng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, của từng vùng. Hạn chế, từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí. Khuyến khích tổ chức an táng theo các hình thức hỏa táng, điện táng tại quê hương.
Nghị định quy định: Lễ viếng tổ chức tại nhà tang lễ, Lễ đưa tang và Lễ an táng thực hiện trong cùng một ngày (trừ Lễ Quốc tang). Trường hợp tổ chức lễ viếng tại gia đình thì tùy theo phong tục địa phương và gia đình, thi hài người từ trần phải được khâm liệm vào linh cữu và bảo đảm vệ sinh, nhất là đối với người có bệnh lây nhiễm.
Linh cữu được để không quá 48 giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức Lễ an táng. Không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng.
Nghị định quy định rõ, với 4 hình thức lễ tang nêu trên, các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, có kích thước 1,2m x 0,2m, ghi dòng chữ trắng: "Kính viếng", dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác, khi từ trần, Ban Tổ chức lễ tang do cơ quan đang trực tiếp quản lý người từ trần quyết định gồm các thành viên đại diện cho đơn vị, đoàn thể trong cơ quan nơi người từ trần đang công tác, đại diện gia đình và đại diện chính quyền địa phương nơi người từ trần sinh sống. Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là lãnh đạo đơn vị, tổ chức, cơ quan đang trực tiếp quản lý người từ trần.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, khi từ trần, Ban Tổ chức Lễ tang do cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị-xã hội địa phương, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang quản lý người từ trần trước khi nghỉ hưu quyết định, gồm các thành viên đại diện cho các đoàn thể, chính quyền địa phương, đại diện gia đình và đại diện cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang đã quản lý người từ trần trước khi nghỉ hưu.
Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là người đứng đầu cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Ngày 20-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố rộng rãi dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015.
YBĐT - Nhân dịp lễ Noel 2012, ngày 19 và 20/ 12, đoàn công tác của tỉnh Yên Bái gồm lãnh đạo Ban Tôn giáo, Ban dân vận Tỉnh ủy và Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã đến thăm, tặng quà Giám mục Vũ Tất và đồng bào công Giáo thuộc giáo phận Hưng Hóa, Sơn Tây – thành phố Hà Nội.
YBĐT - Năm 2012, là năm cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPVMT) Công an thành phố Yên Bái lập được nhiều chiến công.
YBĐT - Là xã vùng thấp của huyện Văn Yên (Yên Bái) nhưng Châu Quế Thượng có địa hình tương đối phức tạp, còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông đi lại nên xã có 3 thôn (thôn 8, 9, 10) cách trung tâm xã từ 7 - 10 km.