Hành trình “vui chung một tết”
- Cập nhật: Thứ năm, 27/12/2012 | 2:55:43 PM
YBĐT - Bây giờ ở Trạm Tấu, hoa mơ vẫn nở bung trắng rừng nhưng dưới những nếp nhà sàn người Mông là những câu chuyện kể về hành trình của cái tết chung cùng với những tiếng cười sảng khoái. Cán bộ vui với thành công của một cuộc cách mạng tư tưởng, người dân đón chờ cái tết chung đầu tiên trong niềm hân hoan phấn khởi và thanh bình.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu vận động đồng bào Mông xã Phình Hồ ăn tết Nguyên đán.
|
Cứ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, khi các đỉnh núi bao trùm sương sớm, từng cơn mưa li ti giăng trên cành mơ, cành mận hoa bung nở trắng xóa như những bông tuyết, cũng là lúc đồng bào Mông Trạm Tấu đón tết cổ truyền dân tộc. Khi ấy, hoạt động sản xuất vụ xuân bị chậm thời vụ, cán bộ, học sinh người Mông cũng dang dở công tác, học hành về đón tết cổ truyền...
Nhận thấy phong tục ấy nay không còn phù hợp với nếp sống mới, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc vận động đồng bào Mông ăn một tết nguyên đán, huyện Trạm Tấu đã làm một "cuộc cách mạng" thay đổi tư tưởng của đồng bào Mông trong việc đón năm mới.
Phình Hồ những ngày cuối tháng 12, thay vì trên núi dưới đèo réo rắt tiếng khèn tiếng sáo gọi bạn tình là không khí thi đua lao động sản xuất tấp nập, trên đỉnh Tà Chử người dân chăm sóc chè Shan, dưới ruộng Suối Xuân người dân đắp ruộng, be bờ tu sửa công trình thủy lợi nhỏ chuẩn bị cho một vụ lúa xuân ăm ắp nước.
Những ngày này, anh Thào A Trử - Trưởng dòng họ thôn Tà Chử, xã Phình Hồ bận rộn lắm, anh phải đến từng nhà vận động người thân trong họ ra ruộng sản xuất, không phải ở nhà vỗ béo gà, lợn hay khâu váy chuẩn bị đón tết cổ truyền như mọi năm.
A Trử tâm sự: "Lúc đầu mọi người không đồng ý đâu, tôi cũng phải mất hàng tuần đến từng nhà, nào là ăn tết chung thì mới đúng, mình là người dân một huyện, ăn tết chung sẽ vui hơn, sẽ đoàn kết hơn, cán bộ sẽ tin yêu mình hơn, nào là Đảng cho dân rất nhiều rồi có đòi hỏi gì mình đâu, tất cả mọi việc Đảng làm là mong dân mình sống tốt hơn... và biện pháp cuối cùng đưa ra là: “Tôi là cán bộ mọi người không nghe theo tôi bị ảnh hưởng, mà tôi bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng đến uy tín cả họ, người khác thực hiện được mình cũng phải thực hiện như thế mới là không lạc hậu...".
A Trử còn chia sẻ: "Sau nhiều lần phải nuốt cái "cục tức" vào bụng, ân cần giảng giải, khi người già trong họ hiểu rồi thì mọi việc mới thuận lợi". Hân hoan với niềm vui của Thào A Trử khi anh đã thành công với việc vận động đồng bào Mông ăn cái tết chung, chúng tôi đến thăm gia đình chị Thào Thị Bầu, thôn Tà Chử - một người mà theo anh Trử là có "máu mặt" và "ngang như con cua", nói mãi mới nghe.
Khi chúng tôi đến, chị Bầu đang cải tạo lại nương chè Shan nhà mình cười rất tươi: "Mọi năm thời điểm này nhà mình đang bận rộn chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc, con cái cũng nghỉ học về giúp bố mẹ, nhưng năm nay được những người già trong bản, rồi trưởng dòng họ, cán bộ xã, cán bộ huyện về vận động ăn tết Nguyên đán chung với các dân tộc khác, lúc đầu mình cũng không thích vì mình thấy ăn tết như mình cũng không sao, nhưng cán bộ phân tích mình thấy đúng, tất cả mọi người ăn một tết sẽ vui hơn và cũng là cách giúp nhà mình sản xuất thuận lợi hơn. Mọi người đông vui hơn. Cũng tiện cho con cái đi học, đợi ăn tết cùng cán bộ mình cũng chẳng mất gì".
Bí thư Đảng ủy xã Phình Hồ - Sùng A Đơ chia sẻ: "Ngay khi nhận được kế hoạch của huyện, Đảng ủy xã đã họp giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban vận động nhân dân ăn tết Nguyên đán, rồi tổ chức gặp mặt già làng, trưởng dòng họ, lần thứ nhất chỉ có 2/4 thôn đồng ý. Sau đó, Đảng bộ xã phải gắn trách nhiệm với cán bộ đảng viên, công chức, vận động người thân, gia đình, dòng họ ăn tết chung cũng là một tiêu chí đánh giá thi đua. Đến thời điểm này, mọi việc đã suôn sẻ, chúng tôi cũng hy vọng một cái tết chung vui tươi đầm ấm".
Cũng giống như ở Phình Hồ, hành trình với cái tết chung của cán bộ, đảng viên và bà con xã Pá Hu cũng qua chừng ấy cái khó. Bí thư Đảng bộ xã Thào A Tông kể: "Chúng tôi thành lập ban vận động, rồi giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, đảng viên và già làng, trưởng dòng họ lúc đầu có 6/9 thôn đồng ý, rồi đến 8/9 thôn. Cuối cùng còn thôn Pá Hu, thôn gần ngay trụ sở UBND xã với hơn 100 hộ giải thích thế nào cũng vẫn lắc đầu nguây nguẩy. Họ nói rằng, quen rồi, bao đời nay vẫn ăn tết thế chẳng làm sao, bây giờ lại " lắm chuyện..".
Sau gần 1 tuần với những đêm họp thôn dài đằng đẵng cuối cùng gần hết số hộ trong thôn cũng ưng cái bụng, số còn lại, Bí thư Thào A Tông kết luận: “Nếu hộ nào còn trốn để ăn tết riêng thì sẽ cắt hết các chế độ mà Nhà nước cho đồng bào của hộ ấy...".
Mọi chuyện đã êm xuôi sau quyết định nghiêm khắc của Bí thư Thào A Tông, giờ đây cán bộ và người dân xã Pá Hu lại tất bật với một vụ lúa mới, trên nương dưới ruộng người dân đang hân hoan đón chờ một cái tết chung. Chị Giàng Thị Mỷ ở thôn Pá Hu cho biết: "Tôi cũng đồng ý với cán bộ, ăn tết như vậy chắc chắn sẽ vui hơn, con cái không phải nghỉ học".
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu đang vận động đồng bào Mông xã Trạm Tấu gieo cấy lúa xuân đảm bảo thời vụ.
Ở xã Trạm Tấu, có lẽ vui nhất là Bí thư Đảng bộ Giàng A Hành, nhờ có đội ngũ già làng trưởng dòng họ “đã thấm cái nghị quyết”, mà công tác vận động của ông đạt nhiều kết quả khả quan. Bí thư Hành phấn khởi chia sẻ: "Thật ra tôi cũng thích ăn một cái tết chung với mọi người từ rất lâu rồi, bởi như vậy cảm thấy đông vui và đoàn kết hơn mà lại không ảnh hưởng đến quá trình học tập, công tác, mùa vụ và hàng trăm thứ không tên khác. Cách vận động ở xã Trạm Tấu rất đơn giản, tôi hỏi các già làng, Đảng và Nhà nước đã làm điều gì có hại cho dân chưa? Các già làng bảo chưa. Có chủ trương nào không đúng, không có lợi cho dân không? đáp là không. Vậy mình làm được gì cho Đảng? Đáp rằng: mình sống tốt và chấp hành chủ trương của Đảng. Vậy tôi bảo: Ăn tết chung là chấp hành chủ trương của Đảng, là cái tiến bộ mà mình nên học, 53 dân tộc khác làm được chẳng có lý do gì mình không làm được...".
Bằng cách triển khai đơn giản, gần gũi, Bí thư Hành khẳng định với chúng tôi 100% đồng bào xã Trạm Tấu nguyện thi đua lao động sản xuất và đón một cái tết chung ấm cúng, yên bình với các dân tộc anh em khác.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư huyện ủy Trạm Tấu chia sẻ: "Thay đổi một tập tục đã có hàng nghìn đời, ăn sâu vào tư tưởng văn hóa đồng bào là một việc làm không hề đơn giản, vì vậy thời gian qua huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, trước hết là cán bộ, đảng viên công chức xã, đây chính là lực lượng nòng cốt trong việc thay đổi tư tưởng đồng bào. Một mặt giải thích lợi ích của việc ăn chung một tết, mặt khác là có những hình thức đối với các xã thực hiện tốt và xã chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa tốt.
Bên cạnh đó, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trạm Tấu cũng tăng cường về cơ sở gặp gỡ đồng bào để có dịp chia sẻ, trao đổi lắng nghe và giải thích giúp đồng bào hiểu. Nhân dịp Noel, lãnh đạo huyện cũng về tặng quà và gặp gỡ ban hành giáo các xã để chia sẻ về chủ trương của huyện, giờ đây mọi việc đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tôi tin tưởng Trạm Tấu sẽ có một cái tết chung đoàn kết, vui vẻ, yên bình".
Bây giờ ở Trạm Tấu, hoa mơ vẫn nở bung trắng rừng nhưng dưới những nếp nhà sàn người Mông là những câu chuyện kể về hành trình của cái tết chung cùng với những tiếng cười sảng khoái. Cán bộ vui với thành công của một cuộc cách mạng tư tưởng, người dân đón chờ cái tết chung đầu tiên trong niềm hân hoan phấn khởi và thanh bình.
Phương Thùy
Các tin khác
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, lao động nữ nghỉ sinh từ tháng 1/2013 sẽ được nghỉ thêm 2 tháng. Một số doanh nghiệp cũng đã công bố chế độ đãi ngộ với người đi làm trước hạn.
Sáng nay 27.12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị kế hoạch ngân sách các trường, đơn vị trực thuộc Bộ để bàn công tác phân bổ ngân sách cho năm 2013.
Sáng 27/12, bão Wukong đã vượt qua phía Bắc đảo Pa-La-Oan (Philippin) đi vào phía Đông khu vực giữa Biển Đông và trở thành cơn bão số 10 của mùa bão năm nay đổ bộ vào Biển Đông.
YBĐT - Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần được thực hiện một cách khoa học và có chiều sâu.