Mạch nguồn suối chữ vùng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/1/2013 | 9:47:50 AM

YBĐT - Hơn bao giờ hết, chúng tôi hiểu rằng, con đường đến với cái chữ ở vùng cao này còn có cả nước mắt, nụ cười và tình yêu đôi lứa của thầy Quảng, cô Thủy, thầy Chư... Đó chính là mạch nguồn của dòng suối chữ chảy mãi về các bản làng nơi rẻo cao...

Cán bộ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Quang Trung chia quà cho học sinh Trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn.
Cán bộ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Quang Trung chia quà cho học sinh Trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn.

Mùa đông, những trận rét đậm, rét hại liên tục tràn về. Nhìn các em học sinh thành phố được cha mẹ trang bị đủ quần áo ấm, tôi lại chạnh lòng khi nghĩ tới học sinh nơi vùng cao...

Khởi hành từ thành phố Yên Bái lúc 4 giờ sáng, chúng tôi lên Mù Cang Chải thực hiện chuyến giao lưu kết nghĩa với Trường THCS La Pán Tẩn. Xe dừng ở Ngã ba Kim rồi bắt đầu leo dốc. Đường đến Trường THCS La Pán Tẩn dốc ngược, quanh co, trơn trượt, chiếc xe gầm cao chốc chốc lại chồm lên, hụp xuống rồi ì ì vượt dốc... Thầy giáo dẫn đường chia sẻ: “Đường thế này mà các em học sinh mẫu giáo đều phải đi bộ tới trường đấy!”. Với chúng tôi - đoàn cán bộ, giáo viên Trường THPT Quang Trung (thành phố Yên Bái) - đây là lần đầu lên La Pán Tẩn, mọi thứ đều vượt xa sức tưởng tượng ban đầu.

Đúng 10h30 sáng, xe dừng trước sân trường. Thầy và trò ùa ra đón chúng tôi. Cảm nhận đầu tiên là sự chào đón ấm áp, thân thiện vô cùng. Các em đến bên chúng tôi như thể đón người thân đi xa nhà đã lâu nay mới trở về. Trời lạnh thế mà hầu hết các em đều đi chân đất, mặc áo dân tộc truyền thống, vài em có áo đồng phục đã bạc màu, thi thoảng mới có em đi dép tổ ong... Những đôi mắt của các em cứ trong veo, ngây thơ và thật dễ mến! Chia kẹo cho các em, những bàn tay đen đúa, rụt rè đưa ra đón nhận với câu nói thỏ thẻ: “Con xin!” khiến chúng tôi hoàn toàn quên đi sự mệt mỏi do say xe.

Đến thăm khu ở nội trú của các em mới phần nào thêm hiểu cuộc sống của học sinh nơi đây. Em Lù A Tổng, học sinh lớp 7, nhà ở bản Trống Tông, mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng. Em Lý A Dê, học sinh lớp 8, nhà ở bản Trống Páo Sang, mồ côi cha mẹ, sống với chú. Đến trường bằng đôi chân trần, vượt qua 7km đường rừng, hôm nào khô ráo thì còn đi được, gặp ngày mưa gió các em đều nghỉ. Đáng thương hơn cả là em Hảng Thị Xông, học sinh lớp 6, nhà ở xã La Pán Tẩn đã mất cả cha lẫn mẹ trong vụ sạt đất ngày 7/9/2012, để lại mình em trên đời...

Được sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương, năm học 2012 - 2013, 53 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được ở trong khu bán trú của Trường.

Thầy giáo Phạm Tiến Quảng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, nhà trường có 277 học sinh học ở 8 lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Do trường chỉ có 4 phòng học nên các em phải học hai ca. Phòng của Ban giám hiệu và Phòng Hội đồng của giáo viên được ngăn đôi, còn lại là một phòng máy tính mới có từ đầu năm học do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tập đoàn VNPT trao tặng. Nhà trường có 23 cán bộ, giáo viên, trong đó 16 thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Hầu hết cán bộ, giáo viên là người vùng dưới lên, chỉ có 6 giáo viên người địa phương. Các giáo viên nhà xa đều phải thuê nhà trọ cách trường 5km vì hiện nay trường chưa có nhà công vụ dành cho giáo viên. Năm học 2012 - 2013, nhà trường đã bố trí cho 53 học sinh có hoàn cảnh và nhà xa trường được ở bán trú tại trường nhưng mọi sinh hoạt, ăn uống của các em chủ yếu do gia đình tự lo - thầy Quảng cho biết thêm.

Ở đây, có tới 90% số học sinh là con hộ nghèo, cuộc sống thiếu thốn, bữa ăn chỉ có cơm, ngô và rau rừng. Tuy nhỏ tuổi nhưng các em đều là lao động chính trong gia đình. Đến ngày mùa các em bỏ học để về giúp gia đình hoặc đi gặt thuê. Để các em đến trường đầy đủ, nhà trường luôn vận động giáo viên đến từng bản, vào từng nhà vận động từng em đến lớp. Thậm chí, vào các ngày mùa, nhà trường bố trí giáo viên đến gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ.

Chia tay La Pán Tẩn, chúng tôi trở về thành  phố, trong niềm vui được giao lưu với thầy và trò Trường THCS La Pán Tẩn còn có sự cảm phục những người đồng nghiệp cùng một nỗi niềm... Chúng tôi hy vọng, những món quà nhỏ bé chứa đựng rất nhiều tình cảm của mình sẽ phần nào sưởi ấm cho thầy và trò nơi đây. “Rồi mai đây chúng ta chia tay nhau, bạn ơi xin chớ quên nơi này... không quên được tình bạn bè... không quên được tình thầy trò...” - lời bài hát tha thiết của thầy giáo Thào A Chư còn mãi vang vọng trong mỗi chúng tôi. Hơn bao giờ hết, chúng tôi hiểu rằng, con đường đến với cái chữ ở vùng cao này còn có cả nước mắt, nụ cười và tình yêu đôi lứa của thầy Quảng, cô Thủy, thầy Chư... Đó chính là mạch nguồn của dòng suối chữ chảy mãi về các bản làng nơi rẻo cao...

 Đặng Thu Hà - (Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung)

Các tin khác
Niềm vui của gia đình anh chị Hoàng Thị Nho, thôn Bản Dõng, xã Sơn Lương khi được hỗ trợ làm nhà mới.

YBĐT - Thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các địa phương rà soát và bình xét những hộ nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở.

Ngày 8-1, Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Thành phố Đà Nẵng và UBND huyện đảo Hoàng Sa đã tổ chức công bố chứng cứ pháp lý minh bạch về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Các tư liệu này do chính Trung Quốc xuất bản.

Ngày 8/1, ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết 3.800 chiếc chăn len sẽ được chuyển cho người nghèo ở 17 tỉnh phía Bắc đang hứng chịu đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong năm 2013.

Chiều 8-1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết ngày 22-1, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị thi và tuyển sinh 2013. Về cơ bản kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) vẫn được Bộ GD-ĐT áp dụng theo phương thức “3 chung” từ nay đến năm 2015 nhưng sẽ có một số giải pháp bổ sung, kể cả cho kỳ tuyển sinh năm 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục