Người Mông Nà Hẩu ăn chung một “Tết Bác Hồ”

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/1/2013 | 8:54:02 AM

YBĐT - Dù là to hay nhỏ thì năm nào người Mông Nà Hẩu cũng háo hức được ăn chung một “Tết Bác Hồ”… và lo cho gia đình nào trong xã cũng có tết là việc mà Đảng ủy, chính quyền xã Nà Hẩu đang khẩn trương chỉ đạo làm trong dịp này.

Ông Tráng A Chơ (người thứ nhất từ trái sang) trò chuyện với cán bộ xã.
Ông Tráng A Chơ (người thứ nhất từ trái sang) trò chuyện với cán bộ xã.

Tôi hồ hởi lên Nà Hẩu vì nghe nói người Mông Hoa ở đây vẫn còn giữ được những nét bản sắc văn hóa rất riêng trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Đó là tục cúng rừng được truyền đời qua bao thế hệ người Mông đến giờ vẫn chưa hề mai một. Đó là cách giúp dân sống định cư, không phá rừng làm nương rẫy và còn bởi có những chuyện hẳn ít người biết, ấy là từ lâu, người Mông ở Nà Hẩu đã cùng ăn chung một “Tết Bác Hồ”...

Chuyện ăn tết của người Mông Hoa ở Nà Hẩu không giống với những dòng họ người Mông khác sinh sống ở các địa phương trong tỉnh. Sự khác biệt ấy xuất phát từ quan niệm cũng như những tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc  này ở những vùng, miền khác nhau. Từ Lào Cai về định cư tại đất Nà Hẩu đã mấy đời nay, người Mông Hoa mang theo về vùng đất mới này những tập tục rất tiến bộ, đó là không ăn 2 tết trong năm như nhiều địa phương khác.

Ông Giàng A Dìn, nguyên là cán bộ lâm nghiệp xã hiểu về những tập tục của người Mông ở đất Nà Hẩu này chẳng kém gì những ông thầy được suy tôn “làm lý” cho dân làng thủng thẳng: “Chẳng biết đồng bào Mông ở nơi khác thế nào chứ từ ngày lớn lên đến giờ, tôi đã thấy người Mông quê mình ăn chung một “Tết Bác Hồ” rồi. Ngày trước, không có con cháu đi học xa cũng đã ăn tết cùng với người Kinh và các dân tộc anh em khác. Bây giờ có nhiều con cháu đi học, đi công tác xa nên không có nhà nào ăn tết riêng cả, chỉ chờ đến “Tết Bác Hồ” mọi người về đông đủ mới tổ chức ăn chung. Nhà mình và nhiều gia đình khác trong thôn đang chuẩn bị sắm sửa để đón “Tết Bác Hồ”. Nhà cũng đã nuôi được con lợn tạ rưỡi, có mấy yến gạo nếp để gói bánh, thóc gạo ăn vẫn còn nhiều, không lo ra tết bị đói. Nhà phải nuôi con lợn to thế mới đủ vì bốn, năm người con trai, nói là đã cho ra ở riêng nhưng cứ là tết thì con nào cũng phải có phần”.

Là xã có đông đồng bào Mông sinh sống nhưng lại nằm cách xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa, thông tin liên lạc gần như “trắng” vì địa bàn xã thuộc vùng lõm, chưa thể phủ sóng điện thoại. Với người Mông Nà Hẩu, cuộc sống sinh hoạt vẫn mang nặng tính tự cấp tự túc.

Chuyện bán mua chỉ ngoại trừ là những thứ đồng bào không thể tự làm ra hay đã trở thành hàng hóa thông dụng. Còn thì những gì tự túc được như cây rau, con gà, con lợn, họ không mấy khi bán mà chỉ để  phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình thường ngày. Bởi thế mà tết năm nào cũng vậy, chẳng mấy gia đình trong xã phải lo thực phẩm dự trữ vì phần nhiều đều là của nhà làm được, nuôi được. Dịp này, thương lái và nhiều người dân ở các vùng lân cận cũng tìm đến Nà Hẩu để mua bán, trao đổi hàng hóa.

 

Ông Tráng A Chơ thắp hương xin phép sửa lại bàn thờ tổ tiên chuẩn bị đón tết.

Làm nghề thầy cúng đã 22 năm, lại được bà con trong xã tín nhiệm suy tôn thay dân làng “làm lý” thực hiện nghi lễ Cúng rừng hàng năm ở địa phương, năm nào ông Tráng A Chơ cũng lo cho cái tết của gia đình mình thật chu toàn. Hỏi chuyện ăn tết có to, ông Chơ cười hiền và chỉ chiếc chuồng lợn làm gần ao nuôi cá bảo: “Cả một năm nuôi con lợn đen được hơn tạ thịt, chỉ nhà ăn thì không hết được. Buổi chiều có anh người Kinh xã dưới mang con lợn dò lên đổi, ông ưng rồi. Con lợn nhà nuôi to quá, đổi lấy hai con lợn dò dò, nhà vừa có lợn mổ thịt ăn tết, lại vẫn có một con để nuôi. Nhiều gia đình trong xã cũng làm thế. Vui nhưng phải tiết kiệm, cán bộ xã, cán bộ huyện quán triệt rồi...”.

Nghe ông kể chuyện mà lòng tôi thấy vui vui. Dường như không khí tết ở nơi này chộn rộn hơn chốn phố xá. Đã thấy những gùi lá dong xanh bóng được vợ con ông Chơ lên rừng lấy về chất đầy góc nhà chờ thương lái dưới huyện lên mua. Đây cũng là nguồn thu nhập thêm của nhiều người dân trong xã dịp này. Với Nà Hẩu, ngoài 60 ha ruộng nước gieo cấy lúa hai vụ và mấy chục ha đất rừng sản xuất ít ỏi thì người dân ở đây vẫn phải sống dựa vào nguồn lợi từ rừng. Chẳng thế mà ở đây vẫn còn 238 hộ thuộc diện nghèo, chiếm trên 70% số hộ dân trong xã.

Lo cho gia đình nào trong xã cũng có tết là việc mà Đảng ủy, chính quyền xã Nà Hẩu đang khẩn trương chỉ đạo làm trong dịp này. Chủ tịch UBND xã Giàng Chẩn Phử cho hay, xã đã chỉ đạo cán bộ xuống từng thôn khảo sát thực trạng tình hình đời sống nhân dân để có kế hoạch xin trợ cấp cứu đói. Số khẩu phải cứu đói cũng nhiều đấy nhưng xã đã xem xét kỹ rồi, định mức chỉ chấp nhận cho 168 khẩu thôi. Địa phương quán triệt, không thể dễ dãi trong khâu bình xét, vì nếu làm không đúng, không sát thực tế sẽ chẳng những không khuyến khích được những gia đình chăm chỉ làm ăn, tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo mà còn khiến cho những gia đình lười lao động, vi phạm chính sách dân số, đẻ nhiều con, ỷ lại vào Nhà nước. Sẽ không có gia đình nào không có tết, chỉ là nhà tết to nhà tết nhỏ mà thôi. Nhưng dù là to hay nhỏ thì năm nào người Mông Nà Hẩu cũng háo hức được ăn chung một “Tết Bác Hồ”… 

 Phạm Minh

Các tin khác

YBĐT - Năm 2012, Công an huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” gắn với các cuộc vận động lớn ở địa phương; chỉ đạo xây dựng 7 mô hình phòng chống tội phạm, củng cố, duy trì 106 tổ an ninh xung kích, 298 tổ hòa giải, 718 tổ tự quản, 57 tổ an ninh nhân dân.

Không để xảy ra trường hợp học sinh, sinh viên xa nhà, không có Tết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa gửi Công điện về việc triển khai công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các em học sinh, sinh viên thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình, không để xảy ra trường hợp học sinh, sinh viên xa nhà, không có Tết.

Lãnh đạo VKSND huyện Yên Bình triển khai nhiệm vụ chuyên môn trong đơn vị.

YBĐT - Năm 2012, khi các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra, Viện KSND huyện Yên Bình (Yên Bái) đã kịp thời cử cán bộ, kiểm sát viên xem xét phân loại, khởi tố, điều tra, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

“Năm 2013 sẽ có thanh tra hoạt động của công chứng viên trên toàn quốc. Về giải pháp lâu dài, chúng ta cần sửa đổi Luật Công chứng để thắt chặt đầu vào trong việc tuyển dụng công chứng viên.”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục