Âu Lâu ký ức tự hào
- Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 2:00:48 PM
YBĐT - Chúng tôi đến gặp người lái phà trên bến Âu Lâu năm xưa đưa vũ khí cùng những đoàn quân vào chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ. Ông là Phạm Trung Tốn, 85 tuổi, hiện đang ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Ngoại bát tuần nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, minh mẫn.
Tượng đài trên bến Âu Lâu.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)
|
Ông sinh ra ở vùng quê Thanh Hà, Hải Dương. Năm 1945, như bao thanh niên khác ông rời quê hương gia nhập lính Vệ quốc đoàn và được phiên chế vào một đơn vị thuộc Cục Quân giới đóng quân tại Yên Bái. Năm 1951, ông ra quân chuyển ngành về công tác tại Bến phà Âu Lâu. Mặc dù không ở trong quân ngũ, song tác phong, bản chất của người lính Cụ Hồ vẫn luôn trong trái tim và hành động của ông.
Vào một ngày đầu tháng 10 năm 1952, ông được thủ trưởng đơn vị giao nhiệm vụ chuẩn bị và kiểm tra máy móc để chuyên chở “hàng” qua sông. Ông Tốn lúc đó ở cương vị máy trưởng, phụ trách một phà trên bến Âu Lâu. Hơn 6 giờ chiều, khi màn sương buông nhè nhẹ trên sông, ông cùng anh em nổ máy sang sông nhận nhiệm vụ. Hàng được bọc bạt, tăng kín. Với yếu tố đảm bảo bí mật nên ông chỉ phỏng đoán rằng bộ đội ta đang chuẩn bị mở chiến dịch lớn.
Sau này, khi chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ toàn thắng, tin chiến thắng từ chiến trường lan xa, ông mới được biết “hàng” mà ông chuyên chở là vũ khí hạng nặng vượt sông vào chiến trường Tây Bắc. Thường có 12 - 18 công nhân, dân công phụ trách một phà. Để tránh máy bay địch, ban ngày, phà nhỏ được đưa lên phía thượng lưu, kéo vào ngòi Rạc giấu dưới các lùm tre.
“Nhiều khi ngòi bị bồi nhiều phù sa, chúng tôi phải khơi thông dòng chảy mới đưa phà về nơi an toàn. Còn chiếc phà lớn, sau 5 giờ sáng chúng tôi phải tiến hành đánh chìm xuống nước. Để dìm giấu phà, chúng tôi khoan một một lỗ thủng bên hông phà, cho nước chảy vào cùng với đá hộc, thanh ray làm tăng sức nặng cho phà nhanh chìm rồi neo giữ phà lại. Đánh chìm phà đã khó nhưng lúc để phà nổi lên lại càng khó hơn. Đều đặn từ 5 giờ chiều, anh em trong tổ thợ và dân công lại khuân đá hộc, thanh ray lên bờ, lặn xuống nước dùng vồ đóng nút vào lỗ thủng và tát nước để phà nổi lên chuẩn bị cho một đêm vượt sông. Mặc dù công việc hết sức vất vả nhưng trong tốp thợ và dân công phục vụ tại bến phà lúc nào cùng vui tươi, phấn khởi quên cả mệt nhọc” ông Tốn kể lại.
Không chỉ công nhân bến phà mà nhân dân bên bờ sông thuộc các thôn Cống Đá, Cửa Ngòi xã Âu Lâu cũng cùng tham gia phục vụ chiến dịch. Các gia đình dùng thuyền của mình chở bộ đội, dân công qua sông với tinh thần tự nguyện vì chiến thắng giải phóng quê hương. Tất cả các hoạt động đưa bộ đội và vũ khí vượt sông chỉ diễn ra ban đêm để đảm bảo an toàn, bí mật. Bên bến sông chỉ có hai ngọn đèn hai bờ làm tiêu dẫn đường. Khi đêm khuya, tốp thợ và dân công cùng những người lính vượt sông đi vào chiến trường lại được thưởng thức chén trà nóng hổi hoặc bát xôi, bát chè, bát cháo do người dân Âu Lâu tự nguyện tiếp tế, phục vụ.
“Tình quân dân thắm thiết, không khí náo nức phục vụ chiến dịch khiến chúng tôi nhiệt tình hơn, hăng say hơn, quên hết cả mệt nhọc. Sau mỗi đêm đưa hàng vượt sông an toàn, anh em bến phà Âu Lâu cảm thấy mình đã có những đóng góp nhỏ bé, tăng thêm niềm tin vào chiến thắng chung của cả dân tộc”. Những ký ức về những ngày tháng hào hùng đó luôn thắp sáng trong ông, không thể nào quên.
Cuộc đời ông gắn bó với bến sông, mải miết với con phà sáng tối đến khi được Nhà nước cho nghỉ hưu. Người con gái quê hương Âu Lâu đã níu chân ông. Bến Âu Lâu đã neo đậu ông và gia đình đến tận ngày hôm nay. Yên Bái là quê hương thứ hai, là bến đỗ bình yên của ông. Thấm thoắt đã 60 năm, ký ức ngày xưa vẫn đầy ắp trong người cựu quân nhân. Ông luôn tự hào về những năm tháng cống hiến của mình và căn dặn con cháu phải sống tốt, có ích cho quê hương, đất nước. Trò chuyện với chúng tôi, trong ánh mắt của ông vẫn ánh lên niềm vui của những ngày phục vụ chiến dịch. Chúng tôi thầm cảm ơn ông, người cựu binh duy nhất còn sống trên bến sông năm xưa đã giúp chúng tôi hiểu thêm về tinh thần yêu nước của những người lính, những người dân bên bến Âu Lâu lịch sử và thấm thía ý nghĩa, giá trị của niềm tin chiến thắng.
Ông tiễn chúng tôi ra tận cửa. Ngoài sân, nắng đã trải vàng rực rỡ.
|
Ngọc Lan
Các tin khác
Từ khoảng 28 Tết, miền Bắc bắt đầu chuyển rét đậm, có nơi rét hại do không khí lạnh cường độ mạnh tràn về. Dự báo trong cả đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, trạng thái mưa rét sẽ diễn ra ở hầu khắp miền Bắc và miền Trung.
Chiều 4-2, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã giai đoạn 2013-2020.
YBĐT - Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tân Hương (Yên Bình) luôn nêu gương sáng trong các hoạt động ở địa phương, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
YBĐT - Bước sang năm 2012, khó khăn vẫn chưa giảm bớt, trong khi số thu lại tăng mạnh. Trước bối cảnh đó, cán bộ nhân viên BHXH Yên Bình quyết tâm đoàn kết một lòng, đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.