Chợ quê ngày tết

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 2:13:37 PM

YBĐT - Sinh ra và lớn lên trên quê nghèo lam lũ nên phiên chợ quê ngày tết đã in trong tiềm thức tuổi thơ tôi với niềm nhớ thương, háo hức… để rồi khi đủ lớn, tôi mới nhận ra rằng, chợ quê ngày tết chẳng đơn thuần chỉ là phiên chợ cuối cùng của năm mà còn là biểu trưng cho những giá trị truyền thống của một vùng văn hóa Việt...

Chợ quê ngày tết.
Chợ quê ngày tết.

Dù đã đi nhiều nơi, đến nhiều chợ quê ở những vùng miền khác nhau của đất nước, song phiên chợ tết cuối năm ở vùng Đông hồ Thác Bà - vùng sông nước mênh mông ấy luôn gợi nhớ trong tôi những ký ức quê nhà.

Là phiên chợ tết đông nhất trong năm cũng là phiên chợ cuối cùng của năm nên chợ quê Phúc An thu hút được sự quan tâm của người dân khắp mọi nơi trong vùng. Mờ sáng, những chiếc thuyền ngược xuôi trên hồ Thác theo nhau cập bến chợ, chở nặng cá, tôm, rau củ và đủ thứ sản vật trên rừng dưới bể. Nào miến dong Giới Phiên, măng mai khô Lục Yên, gà trống thiến đất Ngọc, lợn lửng Xuân Long, khoai sọ Cảm Nhân, gạo thơm Bạch Hạc - Bạch Hà và bao nhiêu sản vật quý, hiếm của một vùng đất sơn thủy hữu tình gợi nhớ bóng dáng chợ Ngọc, chợ Ngà xưa nổi tiếng một thời bán buôn sầm uất giờ đã chìm sâu trong sóng nước Thủy điện Thác Bà.

Có những thứ không thể thiếu ở tất thảy các phiên chợ tết cuối năm ấy là lá dong, giang ống, là đào, quất, chuối, bưởi… và ngập trời bánh, mứt, kẹo - những thứ mang đậm hương vị tết cổ truyền. Có cả một góc chợ rực rỡ sắc màu của bóng bay mang hình đủ loại con giống, tranh, ảnh, băng đĩa nhạc phục vụ tết. Phiên chợ tết Đông hồ hội đủ sản vật của vườn nhà, của rừng và của hồ Thác.

Món rượu nếp cẩm của người đàn ông dân tộc Dao xã Cảm Ân có tên Lý Ngọc Duy với những khách ăn quen đã trở thành thứ không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền. Một năm chỉ chọn gạo bán trong mấy ngày tết, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, nhưng lượng nếp cẩm mà người mua tiêu thụ, theo anh Duy, trong dịp tết này có dễ đến gần 1 tấn. Những hạt nếp cẩm tím lịm, no tròn được ủ bằng thứ men lá bí truyền cho vị ngọt, thơm, tê cay nơi đầu lưỡi, hơi men ửng hồng má phấn làm ngây ngất khách nữ ghé qua. Cả năm mới có mấy ngày tết nên dù là dư giả hay nghèo khó, song hễ là khách lạ hay quen đã ghé qua hàng rượu nếp cẩm ấy đều mong mang về hương vị tết riêng làm ấm áp mâm cơm gia đình chiều tất niên.

Món rượu nếp cẩm của người đàn ông dân tộc Dao này đã trở thành thứ không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền của người dân Đông hồ.

Chợ tết năm nay, không còn thấy những mế già người Dao bán thuốc nam nơi góc tường quen thuộc chỉ còn người con dâu răng đen hạt na, vấn khăn thổ cẩm đon đả, chu toàn với khách lạ, người quê... Quả thật, những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước cũng đã phần nào ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở vùng quê xa xôi này. Các loại bánh, mứt kẹo, nước ngọt mà người buôn mang đến chợ quê ngày tết chủ yếu là những mặt hàng bình dân nhưng cũng phải rất đắn đo các bà, các chị mới mở ví. Chợ tết như một bức tranh thu nhỏ của đời sống xã hội ở mỗi làng quê.

Dẫu biết, đời sống của người dân vùng Đông hồ hôm nay chưa thực sự dư giả nhưng cứ thấy chợ quê tấp nập là cảm thấy yên tâm. Chẳng phải riêng người dân thành phố bây giờ mới chọn mua thực phẩm sạch mà mấy năm nay sự quay trở lại tin dùng hàng nông sản nội địa của phần đông người tiêu dùng đã kéo thương lái tìm về tận bản chọn mua nông sản sạch phục vụ nhu cầu khách sành ăn. Bởi thế mà các loại hàng hóa của người dân quê làm ra chẳng phải lo nhiều đến đầu ra hay tư thương ép giá…

Khác hẳn với ngày thường, chợ phiên cuối năm thêm nhiều hàng quà và các quán ăn uống. Dường như được thưởng thức một bữa ăn ngon tại quán chợ là phần thưởng cho cả gia đình sau một năm lao động vất vả nên người nào đi chợ phiên cuối năm cũng đều ghé qua những hàng quà dung dị, đậm chất quê. Chợ quê ngày tết, người đi chơi chợ, xem chợ nhiều hơn người đi mua sắm. Đây cũng là thú vui, là nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá của người dân Việt. Chợ quê họp nhanh và cũng tan nhanh. Đào, mai, quất cảnh và đủ thứ hàng hóa phục vụ tết theo chân người đi chợ, chơi chợ về phố, về nhà.

Miên man chợ quê chiều cuối năm, cứ thấy tết xưa và nay có gì gần gụi. Người ta hoài cổ, mong nhịp sống chậm lại để được tận hưởng những giá trị văn hóa riêng có của tết Việt - thứ văn hóa được kết tinh ngàn đời từ truyền tích trời tròn, đất vuông, bánh chưng - bánh dày và cả tục thờ cúng tổ tiên ông bà xưa truyền lại. Để thấy ẩn trong những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống lớn lao ấy của dân tộc có những giá trị văn hóa làng xã đặc trưng của từng vùng, từng địa phương mà chợ quê là ngày tết là bức tranh phản chiếu thật lung linh, sinh động.

Có phải thế mà dù đã qua thời thơ bé, dù chẳng thể nhớ nổi mình đã lẽo đẽo theo chân mẹ qua bao nhiêu hàng quán mới mua được chiếc áo diện tết, nhưng cứ đến tết là tôi lại háo hức tìm về chợ quê để mong gặp lại ký ức tuổi thơ...

Phạm Minh

Các tin khác
Tượng đài trên bến Âu Lâu.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Chúng tôi đến gặp người lái phà trên bến Âu Lâu năm xưa đưa vũ khí cùng những đoàn quân vào chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ. Ông là Phạm Trung Tốn, 85 tuổi, hiện đang ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Ngoại bát tuần nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, minh mẫn.

Miền Bắc rét đậm dịp nghỉ Tết Quý Tỵ

Từ khoảng 28 Tết, miền Bắc bắt đầu chuyển rét đậm, có nơi rét hại do không khí lạnh cường độ mạnh tràn về. Dự báo trong cả đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, trạng thái mưa rét sẽ diễn ra ở hầu khắp miền Bắc và miền Trung.

Chiều 4-2, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã giai đoạn 2013-2020.

YBĐT - Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tân Hương (Yên Bình) luôn nêu gương sáng trong các hoạt động ở địa phương, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục