Gia đình - điểm tựa trong phòng chống ma túy
- Cập nhật: Thứ năm, 21/3/2013 | 8:58:55 AM
YBĐT - Trẻ em phạm tội về ma tuý đang là một vấn đề nhức nhối mà cả xã hội quan tâm. Bằng những phương pháp giáo dục riêng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, những người làm cha làm mẹ hãy cố gắng đừng để con mình sa chân vào tệ nạn ma tuý và những hành vi phạm tội ma tuý.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo về công tác phòng, chống ma tuý như: Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”, Nghị quyết liên tịch số 03 giữa Trung ương Đoàn và Bộ Công an về “Phối hợp hành động phòng, chống ma tuý trong thanh thiếu niên”...
Tuy vậy, tình trạng buôn bán, sử dụng ma tuý vẫn chưa có chiều hướng giảm, thậm chí còn gia tăng ở diện rộng. Tính chất hoạt động của tội phạm ma tuý ngày càng tinh vi, nguy hiểm và gây hậu quả lớn cho xã hội.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây tình trạng trẻ em trong độ tuổi vị thành niên phạm tội về ma tuý ngày càng nhiều. Đại đa số các trường hợp phạm tội về ma tuý đều có chung một nguyên nhân đó là sự quản lý thiếu chặt chẽ của gia đình. Trường hợp em Phan Văn Mạnh và em Phan Văn Hiệp, thường trú tại tổ 37, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái là một ví dụ điển hình.
Tháng 11/2012, Mạnh và Hiệp bị Công an thành phố Yên Bái bắt giữ về tội tàng trữ ma tuý. Hiện nay, Phan Văn Mạnh đang bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, còn Phan Văn Hiệp đã được cho tại ngoại và tiếp tục đi học vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Với thái độ ăn năn về việc mình và anh trai đã làm, Hiệp chia sẻ: “Do bố mẹ chia tay nhau, mẹ cháu đi làm ăn xa, bố là công nhân hàng ngày phải đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà, vì vậy, không có thời gian gần gũi để dạy dỗ và định hướng cho chúng cháu trong học tập. Anh em cháu thường xuyên chơi với các bạn hư hỏng nên đã bị dụ dỗ, lôi kéo phạm tội tàng trữ ma tuý”.
Người dẫn dắt hai anh em Mạnh chính là Sái Anh Tiệp, thường trú tại tổ 38, phường Minh Tân. Tiệp có hoàn cảnh cũng rất đáng thương, bố mất sớm, mẹ luôn bận rộn với công việc để lo cho hai anh em. Từ ngày bố mất, Tiệp bắt đầu từ ham chơi điện tử, rồi tiếp đó là lang thang cùng những đối tượng xấu. Tiệp đã bị lôi kéo, sa vào con đường phạm tội ma tuý.
Để kìm chế và đẩy lùi các hoạt động phạm tội về ma tuý nhất là đối với thanh, thiếu niên gia đình có vai trò rất quan trọng. Việc thường xuyên giáo dục để các em nhận thức sâu sắc về tác hại của ma tuý cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật khi phạm tội ma tuý, kiểm soát thời gian, chăm sóc và định hướng cho các em trong học tập và rèn luyện đạo đức cũng là một vấn đề rất cần thiết để các em có thể phát triển theo hướng tích cực, tránh xa các tệ nạn xã hội và hành vi phạm tội. Ngày Hiệp và Mạnh bị bắt, anh Phan Văn Thắng hết sức bất ngờ và bàng hoàng trước hành vi phạm tội của con mình.
Anh tâm sự: “Tôi thực sự ân hận khi biết các con mình phạm tội. Cũng do chủ quan, hàng ngày tôi không kiểm soát thời gian và sinh hoạt của các cháu. Rất ít khi tôi dành thời gian để tâm sự, chia sẻ và định hướng cho các cháu trong học tập. Vì vậy, khi các cháu phạm tội tôi thực sự bàng hoàng và tuyệt vọng. Khi ý thức được tầm quan trọng của việc quản lý, giáo dục các cháu thì đã quá muộn. Con trai tôi đã bị bắt giam khi nó mới vừa tròn 18 tuổi”.
Những gia đình có con ở tuổi vị thành niên nên chọn cho mình những phương pháp giáo dục hiệu quả, hãy coi gia đình là pháo đài bền vững để bảo vệ các em, không để cho ma tuý có cơ hội tấn công.
Việc phòng, chống ma tuý không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà đó còn là trách nhiệm của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Đối với trẻ vị thành niên, gia đình chính là điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc để các em tránh xa các tệ nạn xã hội, tránh xa các hành vi phạm tội ma tuý.
T.H
Các tin khác
Với chủ đề “Hợp tác vì nước”, Ngày nước thế giới 22/3 năm nay sẽ được tổ chức tại TP. Cần Thơ từ 21/3 đến 23/3.
Ngày 20-3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nhằm thay thế nội dung này trong Nghị định 61/NĐ-CP ngày 11-6-2002.
YBĐT - Ngày 19/3, tại Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn xét duyệt các thôn đặc biệt khó khăn, các xã thuộc khu vực I, II, III tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần II, xét duyệt các thôn bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 -2015.
YBĐT - Ngày 16/12/2009, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND về ban hành Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015".