Tản mạn về giáo dục vùng cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 2:55:17 PM
YBĐT - Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, giáo dục và đào tạo luôn được xác định là "quốc sách hàng đầu", đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho tương lai.
Giờ học chính khóa của cô - trò Trường Trung học cơ sở bán trú dân nuôi xã Khao Mang (Mù Cang Chải).
Ảnh: Đức Hồng
|
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ muốn có đầu tư cho giáo dục chỉ là số tiền theo phần trăm GDP, mà mong muốn đầu tư cả về tâm huyết và trí tuệ. Chương trình hiện nay ở các cấp học vẫn còn nặng, các bộ sách giáo khoa vẫn chưa thật sự được chọn lựa tối ưu nên vẫn dài, vẫn nặng, vẫn làm trăn trở các thế hệ thầy cô giáo, học sinh và cha mẹ. Chúng ta vẫn mong muốn có được một chương trình đồng bộ hơn, bộ sách tinh chọn và sử dụng được dài lâu hơn. Chương trình và sách giáo khoa không thể chỉ sử dụng cho vài năm.
Vấn đề xã hội hóa giáo dục cần được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm và dành tâm huyết hơn; xã hội hóa giáo dục hiện nay vẫn thiên về việc đóng góp một phần kinh phí cho các chương trình khuyến học, tài trợ, giúp đỡ khó khăn, mà thực tế, điều quan trọng là làm sao mỗi thành phần xã hội, mỗi người cụ thể hiểu hơn, tham mưu nhiều hơn cho giáo dục, đóng góp cho giáo dục những ý kiến về chương trình, sách giáo khoa, các biện pháp tiến hành đổi mới và cải cách có hiệu quả hơn.
Chúng ta đang tích cực xây dựng phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", tuy nhiên không phải muốn là làm được. Vẫn còn nhiều trường cơ sở vật chất, phương tiện chưa thật sự đảm bảo để có thể đổi mới phương pháp dạy và học, sân chơi, bãi tập chưa có, môi trường của nhà trường chưa thực sự xanh, đẹp vì thiếu kinh phí xây dựng một cách đồng bộ. Mục tiêu giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục đạo đức cho học sinh còn gặp nhiều khó khăn, vì chính giáo viên cũng còn thiếu kinh nghiệm.
Vẫn biết đất nước nói chung, Yên Bái nói riêng còn có nhiều khó khăn, thiếu thốn, không thể một lúc đáp ứng được tất cả những yêu cầu mà sự nghiệp giáo dục mong muốn, tuy nhiên, tỉnh và ngành cũng cần có những biện pháp cụ thể hơn. Cần quan tâm hơn đối với các trường vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, phải có chế độ ưu tiên những cán bộ giáo viên ở những nơi đó, vấn đề chuyển vùng cho giáo viên cần được quan tâm thực hiện một cách công bằng và hiệu quả.
Tôi vừa có chuyến đi lên vùng cao công tác, mới thấy ở đó còn vô vàn những khó khăn. Thật sự cảm động trong khi tiến hành khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT các em học sinh người dân tộc Mông, Thái dù ngày mai đã ngồi vào phòng thi mà hôm nay vẫn mang đến thầy cô một chương trình văn nghệ rất ấn tượng.
Trong những ngày thi, ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), các thầy cô giáo và cán bộ nhân viên Trung tâm đã phải nấu cơm cho gần một trăm học sinh của mình ăn để đi thi trong 3 ngày, bằng số tiền, số gạo mà Công đoàn ngành giáo dục đã hỗ trợ giúp đỡ các em những ngày thi; các thầy cô giáo Trường THPT Mù Cang Chải đã phải rất miệt mài và trải qua bao khó khăn, vất vả suốt cả một năm học để bồi dưỡng kiến thức giúp các em học tốt hơn, để được ngồi làm bài thi hôm nay.
Trong 3 ngày thi không một học sinh nào bỏ thi, tuy nhiên chất lượng cũng chưa thật sự yên tâm, chắc chắn tỷ lệ tốt nghiệp còn thua nhiều nơi thuận lợi hơn. Tôi cũng biết là nhiều trường khác ở vùng cao cũng còn gặp nhiều khó khăn như vậy. Chính quyền và các thầy cô giáo ở những nơi đó cũng tâm huyết và trăn trở để tìm các biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, khó khăn nghiêng về phía người đi học đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến áp dụng các phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi nhà trường. Với các em người dân tộc vùng cao, đến được trường cũng đã là một thành công, có em đến lớp 11, 12 mà vẫn nói chưa thật sõi tiếng Việt thì việc tiếp nhận tri thức ở bậc THPT càng hết sức khó khăn.
Muốn đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm tới, trước hết mỗi nhà trường cần có những kế hoạch cụ thể, chiến lược và khả thi để nâng cao chất lượng của trường mình trong tất cả các nội dung giáo dục. Cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, phát huy tối đa sức mạnh chất lượng đội ngũ đã được đào tạo và tiếp tục bồi dưỡng để nâng cao, sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học và ứng dụng có chiều sâu công nghệ thông tin, cùng với đổi mới phương pháp quản lý để tạo nên những đột phá nâng cao chất lượng toàn diện trong giáo dục của mỗi nhà trường và của cả ngành giáo dục trong những năm tới.
Tỉnh cũng cần có chiến lược cụ thể hơn cho giáo dục vùng cao để tạo điều kiện vật chất tốt nhất cho những nhân tố tri thức ở đó thì mới có thể hi vọng có được những học sinh dân tộc thiểu số xứng đáng có đủ tri thức bậc THPT để từ đó học lên và làm chủ mảnh đất mình đang sống.
Nguyễn Vĩnh Truyền
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Hội Nông dân xã Chấn Thịnh - Văn Chấn (Yên Bái) đã phát huy sức mạnh đoàn kết, lao động sáng tạo và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, chung tay thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Ngày 14/6, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp Hành (mở rộng) kỳ họp thứ V, nhiệm kỳ 2010- 2015.
Tính đến hết tháng 5/2013, cả nước đã xảy ra 161 vụ tai nạn lao động khiến 176 người chết. Trong đó, có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo tại công trình Cầu Sông Tranh (Ninh Giang, Hải Dương) đã làm 3 người chết; sập giàn giáo ở nhà thờ Ngọc Lâm (Thái Nguyên) làm 3 người chết và 61 người bị thương; sạt lở mỏ đá ở Lèn Rỏi (Tân Kỳ, Nghệ An) làm 2 người chết…
Sáng 13/6, nhiệt độ tại các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là Sa Pa (Lào Cai), trời trở rét 12 độ C.