Lập mã an sinh xã hội ngăn cấp trùng thẻ bảo hiểm
- Cập nhật: Thứ bảy, 20/7/2013 | 8:53:44 PM
770.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng là số liệu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống kê được tại 40 địa phương trong cả nước.
Một mẫu thẻ bảo hiểm y tê.
|
Xử lý tình trạng này cũng như đưa ra các giải pháp căn cơ để không tái diễn việc cấp trùng đã được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo trao đổi với phóng viên báo chí. Sau đây là nội dung trao đổi:
-Thời gian gần đây tại nhiều địa phương đã phát hiện số thẻ Bảo hiểm y tế cấp trùng lên đến hàng nghìn, chục nghìn thẻ, có người sở hữu đến 4, 5 thẻ Bảo hiểm y tế, cá biệt có người có tới 6 thẻ Bảo hiểm y tế. Xin ông cho biết cụ thể về tình trạng này?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Khi thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Luật quy định 25 nhóm đối tượng nhưng trên thực tế Bảo hiểm Xã hội phiên ra thành hơn 30 nhóm đối tượng khác nhau. Chính vì có nhiều nhóm nên có thể một người nhưng lại ở 3 - 4 diện cấp thẻ, ví dụ vừa là người dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi có bố hay mẹ công tác trong lực lượng công an, quân đội... tức là một người ở nhiều đối tượng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế do ngân sách đảm bảo.
Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2009, nhưng thực hiện theo lộ trình, đến 2011 Bảo hiểm Xã hội đã phát hiện hiện tượng cấp trùng thẻ. Tháng 10/2012, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản chính thức chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các tỉnh phát hiện trùng thẻ để chuyển trả về ngân sách cũng như báo giảm kinh phí cấp cho bệnh viện. Đến nay, theo báo cáo của 40 tỉnh, thành phố, số thẻ cấp trùng khoảng 770.000 thẻ.
-Ông lý giải thế nào về nguyên nhân cấp trùng, tại sao số lượng cấp trùng nhiều như vậy?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Nguyên nhân của việc cấp thẻ trùng, điều đầu tiên phải khẳng định vẫn là do sự phối hợp các cấp, các ngành chưa được tốt, trách nhiệm quản lý đối tượng ở các cơ sở, cơ quan quản lý cũng chưa cao, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Nhân dân cấp xã còn chưa phát huy tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về đối tượng tham gia. Về phía cơ quan Bảo hiểm Xã hội, phối hợp chưa tốt, chưa kịp thời, ngay từ năm đầu tiên chưa lường trước việc này để xây dựng các công cụ như phần mềm để lọc trùng hay căn cơ nhất là mã định danh.
Bảo hiểm Xã hội hiện quản lý 60 triệu người tham gia bảo hiểm y tế nhưng việc phát hiện cấp trùng chỉ bằng lọc thủ công nên rất vất vả. Ví dụ, có trẻ em ở tỉnh Hải Dương nhưng lại có cha tham gia quân đội đóng ở Hà Giang thì Bảo hiểm Xã hội Hà Giang, Hải Dương, quân đội có thể cùng phát hành thẻ cho trẻ.
Làm sao kết nối được là bài toán khó. Để giải quyết căn cơ triệt để bài toán này phải xây dựng chương trình phần mềm thật tốt, cơ bản nhất để có thể xóa được tình trạng cấp nhầm thẻ là phải có mã định danh.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp và Bộ Công an xây dựng mã số định danh công dân sử dụng chung cho tất cả các bộ, ngành nhưng phải chờ đến năm 2020. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đề nghị liên Bộ Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng mã an sinh xã hội sử dụng trước. Khi nào có mã số định danh sẽ chuyển dữ liệu sang, như vậy tránh tình trạng trùng lắp.
-Hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hạch toán được số tiền lãng phí chưa, việc thu hồi thẻ cấp trùng cũng như số tiền đã “rót” nhầm được xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Thực ra không phải là lãng phí. Bộ Tài chính có quy định trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế mà vẫn dùng giấy khai sinh để đi khám bệnh thì hàng năm Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thanh toán với Sở Tài chính tiền cấp thẻ cho các cháu, tối đa là bằng số kế hoạch tức là số trẻ em có trên địa bàn. Dù có cấp bao nhiêu cũng chỉ được thanh toán đến mức đó. Cơ quan bảo hiểm cũng đã chủ động xử lý việc này.
Qua phát hiện cấp trùng 770.000 thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các địa phương báo cáo UBND để chuyển trả số tiền về ngân sách. Cơ quan bảo hiểm không tự cắt mà phải báo cáo về UBND nơi lập đầu mối để điều chỉnh. Bảo hiểm Xã hội sẽ phát hiện, hạch toán cho đúng. Số tiền "rót" nhầm không thất thoát, nhưng có lãng phí ở việc lập danh sách, in thẻ, mất công chỉnh đi, chỉnh lại.
-Thưa ông, trong quá trình sàng lọc thì cấp nhầm cho đối tượng nào nhiều nhất và địa phương nào cấp trùng nhiều nhất?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Có 3 đối tượng cấp nhầm nhiều nhất là trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và người dân tộc thiểu số sống ở vùng cao. Cụ thể, đối tượng trẻ em trùng đến hơn 300.000, đối tượng người nghèo là hơn 200.000 thẻ. Đến nay, theo số liệu nắm được, hai địa phương cấp trùng nhiều nhất là Hà Nội 52.000 thẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 42.000 thẻ. Hai địa phương này hiện cũng phải xem xét thêm vì số các cháu tạm trú rất nhiều nên trong số gọi là trùng cũng cần rà soát, thẩm định kỹ lại xem số nào thực sự trùng. Những người phải đóng tiền mua gần như không trùng.
-Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phát hiện trường hợp nào được cấp nhiều thẻ và sử dụng nhiều thẻ để đi khám chữa bệnh chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Cá nhân những người đó không lạm dụng, dù có nhiều thẻ. Cơ quan bảo hiểm cũng đang rất cố gắng giải thích cho bà con là dù được cấp một thẻ hay nhiều thẻ, bác sỹ cũng chỉ khám một lần, sáng đã kê đơn thuốc thì chiều không thể kê được nữa. Trong Luật cũng quy định rõ, ta lựa chọn đối tượng nào có mã quyền lợi tốt nhất thì giữ thẻ theo quyền lợi đó, những đối tượng có quyền lợi thấp hơn thì thu hồi thẻ.
-Có ý kiến cho rằng cấp trùng thẻ Bảo hiểm y tế là siêu lãng phí, Bảo hiểm Xã hội đã biết việc này từ lâu mà sao không ngăn chặn kịp thời, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Nói thế không hoàn toàn đúng. Việc này không phải siêu lãng phí! Bảo hiểm Xã hội là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, thực hiện chính sách chứ không phải doanh nghiệp. Quỹ bảo hiểm y tế thu hoàn toàn chỉ sử dụng cho việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chứ không có hạch toán lời lãi. Bản thân cơ quan bảo hiểm cũng ý thức phải làm sao tài chính thật minh bạch, chính xác.
Sau 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội đã phát hiện ra việc này, lập tức có văn bản chính thức chỉ đạo và chính Bảo hiểm Xã hội nêu ra việc này đầu tiên. 770.000 thẻ cấp trùng công bố chính thức ở 40 địa phương là số liệu công bố của Bảo hiểm Xã hội. Cơ quan tài chính và kiểm toán cũng đang thực hiện nhưng chưa công bố con số chính thức. Bảo hiểm Xã hội phát hiện và chính cơ quan bảo hiểm ý thức được trách nhiệm của mình trong việc cấp thẻ trùng.
Tới đây khi sửa Luật Bảo hiểm y tế, các cơ quan cũng thống nhất chưa thể gom nhanh được nhóm đối tượng nhưng phải xác định được cơ quan chủ trì trong việc lập danh sách phải là Ủy ban Nhân dân các địa phương. Hiện nay đang giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý đối tượng trẻ em, ngành Giáo dục quản lý đối tượng học sinh, Hội Nông dân quản lý các hộ nông lâm nghiệp, Bộ Quốc phòng quản lý thân nhân, có quá nhiều đầu mối cơ quan quản lý đối tượng và lập danh sách khác nhau, dẫn đến lập trùng là rất có thể.
Trong kiến nghị sửa Luật tới đây, phải giao trách nhiệm cho một cơ quan, ví dụ Ủy ban Nhân dân xã là nơi chịu trách nhiệm lập danh sách, thuộc đối tượng nào thì đưa vào đối tượng ấy. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội cũng cố gắng đề nghị cho thành lập trước mã an sinh. Nếu Chính phủ cho phép cơ quan bảo hiểm nghiên cứu thành lập trước mã an sinh thì sẽ không bị cấp trùng.
-Như vậy chưa thể quy trách nhiệm cho cơ quan nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Như đã nói ban đầu, việc phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt và cũng chưa xác định được đầu mối nên trách nhiệm đầu tiên là cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cũng chưa chủ động cùng phối hợp. Thậm chí cùng một đối tượng như đồng bào dân tộc thiểu số hay trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo cùng do ngành Lao động quản lý nhưng vẫn bị trùng do các ngành chưa hệ thống được vì là việc mới. Về phía Bảo hiểm Xã hội, nhận trách nhiệm chưa thật chủ động phối hợp với các ngành phát hiện sớm, nhưng khi phát hiện cơ quan bảo hiểm đã có ý thức báo cáo để khắc phục.
-Như ông đã nói, giải pháp căn cơ là xây dựng mã an sinh xã hội, Bảo hiểm Xã hội đã có sự chuẩn bị như thế nào? Việc xây dựng mã này liệu có lãng phí khi Bộ Công an và Tư pháp cũng đang có kế hoạch xây dựng mã số định danh công dân và mã số này sẽ tích hợp tất cả các thông tin liên quan đến một con người?
Ông Nguyễn Minh Thảo: Sau khi thỏa thuận giữa Bảo hiểm Xã hội và Bộ Y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho lĩnh vực Bảo hiểm y tế. Một trong những điều kiện rất tiên quyết là phải có được bộ mã định danh mới ứng dụng được. Nếu chưa có, vẫn phải sử dụng tên để đưa vào quản lý phần mềm là rất khó, phải cân nhắc thêm. Bảo hiểm Xã hội đã bàn theo hướng kết hợp mã Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội vào chung một mã. Mã số định danh công dân đến năm 2020 mới công bố thì từ nay đến lúc đó sẽ phát sinh rất nhiều chi phí tốn kém nếu chúng ta không xây dựng mã an sinh. Sau này có mã số định danh rồi sẽ quy đổi, chuyển toàn bộ mã an sinh sang, không phải viết lại, như vậy sẽ không lãng phí. Các bộ khác có sử dụng cũng không cần nghiên cứu lại.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Hồi 17 giờ 30 phút ngày 19/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 22, gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao.
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2013), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký ban hành Quyết định số 1142/QĐ-CTN về việc tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công.
YBĐT - Sau khi bùng phát dịch cúm cuối tháng 4 và tháng 5/2013 đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn biến khá ổn định: các dịch bệnh khác như cúm A/H1N1, H5N1, H7N9… qua giám sát chặt chẽ đã được không chế tốt. Bệnh tay chân miệng, các bệnh do thời tiết nắng nóng cũng đã giảm tương đối so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, bệnh dại đến thời điểm này vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ cao nên việc kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình bệnh dại phải đặc biệt được chú trọng.
YBĐT - Những ngày giữa tháng 7, khắp các địa phương trên vùng đất Ngọc Lục Yên (Yên Bái) đã và đang triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, việc làm thiết thực, hướng tới kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2013), thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và là truyền thống, đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.