Giáo dục - đào tạo ở Phong Dụ Thượng: “Nút thắt” cơ sở vật chất
- Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2013 | 8:53:56 AM
YBĐT - Những năm qua, Đảng ủy và chính quyền xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn chú trọng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, địa phương còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp học.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Phong Dụ Thượng trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.
|
Duy nhất trong hệ thống giáo dục của địa phương, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phong Dụ Thượng được đầu tư xây dựng khá khang trang ngay trung tâm xã. Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn thiếu khu nhà ở bán trú cho học sinh và phòng chức năng. Hiện số học sinh ở xa đều phải trọ nhờ nhà dân quanh trường hoặc phải đi về trong ngày, có khi ở lại trường trong những ngôi nhà do nhà trường và nhân dân làm rất tạm bợ.
Bậc mầm non và tiểu học, ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã thì 7 điểm lẻ tại thôn 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11 đều trong tình trạng thiếu phòng học, phòng học cũ nát, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Theo quan sát của chúng tôi, tại các điểm trường lẻ, hầu hết phòng học đã cũ, chân cột đã có hiện tượng mối mọt, các mảnh gỗ ghép quanh lớp cũng tương tự. Nền lớp học là nền đất mấp mô, bụi lầm; mái lợp cọ xô lệch, chỗ khác lại trơ cả khoảng trống bằng cái nia. Mặc dù đã được nhân dân lợp bổ sung và làm mới nhưng do vì kèo đã yếu, cong vênh theo thời gian nên không chắc chắn.
Tại các lớp học nhờ nhà văn hóa cũng chẳng khá hơn. Nhà văn hóa do Nhà nước và nhân dân cùng làm đã được 5 - 7 năm, vật liệu là gỗ, tre, nứa của địa phương, Nhà nước hỗ trợ mặt bằng xi măng, mái lợp cọ nên cũng không đảm bảo. Hầu hết các phòng học, lớp học nhờ đều không có điện, hôm nào trời không nắng thì ánh sáng rất kém. Các điểm trường mầm non khá hơn song những công trình vệ sinh đã xuống cấp nghiêm trọng vì nhân dân tự làm, hệ thống nước tạm bợ, luôn ẩm ướt, trơn trượt, có thể gây nguy hiểm cho các cháu.
Ông Mai Quốc Ngữ - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: “Nhiều năm qua, Đảng ủy và chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo. Hàng năm, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện nhà trường, các tổ chức đoàn thể, người cao tuổi có uy tín ở các thôn để tìm biện pháp giúp đơn vị trường học sửa sang trường lớp, sắm sửa trang thiết bị dạy và học. Tuy nhiên, vì là xã nghèo nên mỗi khi huy động nhân dân hỗ trợ nhà trường thì người dân chỉ cùng tham gia sửa đường đến trường, san tạo mặt bằng sân trường hoặc đóng góp ngày công chằng chống lớp học, sửa chữa bảng và bàn ghế, lợp lại mái, đầm nền lớp học. Vài năm lại đây, xã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục bằng cách huy động nhân dân đóng góp tiền nhưng số tiền ấy cũng phải dành cho nhiều việc: mua sắm thêm bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập, khen thưởng... còn chuyện làm mới, làm lại phòng học rất khó”.
Ông Nông Trung Thiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Dụ Thượng cho biết thêm: “Các điểm lẻ của trường đều đảm bảo đủ mỗi khối 1 lớp nằm ở các thôn, học sinh chủ yếu là con em đồng bào Tày, Mông, Dao. Vì phòng học thiếu nên các em phải học 2 ca. Ở điểm trường thôn 5, 6 Khe Mạ, các em phải học nhờ nhà văn hóa thôn. Hầu hết phòng học tại các điểm trường đều đang xuống cấp. Trời mưa, lớp học tối om, nước dột qua mái, ướt cả quần áo và sách vở của học sinh. Trời nắng đỡ hơn nhưng từ 10 giờ sáng trở đi, lớp học nóng quá mức, học sinh khối chiều rất mệt mỏi, nhiều năm đã có học sinh bị cảm nắng. Mùa đông, gió lùa qua cửa làm thầy và trò tím tái, rét buốt. Sợ nhất những hôm gió, lốc bất ngờ, cả thầy và trò đều phải chui xuống gầm bàn vì sợ lớp đổ, mái rơi”.
Giống như vậy, các điểm trường của bậc học mầm non cũng trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bà Lương Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phong Dụ Thượng chia sẻ: “Ngoài sự đầu tư, quan tâm của các cấp và chính quyền địa phương, các điểm trường còn thiếu về hệ thống đồ chơi trong lớp và ngoài trời. Các giáo viên tranh thủ ngoài giờ làm đồ chơi phục vụ giảng dạy nên khó có thể nói là phù hợp với chương trình và tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, còn đồ chơi ngoài trời phải trông vào đầu tư của Nhà nước. Tại các điểm trường ở thôn 8 Phan Dẹt, thôn 7 Khe Mạng, thôn 11 Bản Bông phải học nhờ nhà văn hóa thôn. Mùa mưa, việc tu sửa, lợp mái, chằng chống lớp học đều do chính quyền và nhân dân giúp đỡ song nguy cơ sụp đổ luôn cận kề. Các công trình vệ sinh tạm bợ, trơn trượt nguy hiểm”.
Là phụ huynh của học sinh Trường Tiểu học xã Phong Dụ Thượng, bà Lò Thị Lân ở điểm thôn 5, 6 Khe Mạ bày tỏ: "Tôi rất muốn cho con đi học để biết cái chữ, sau này đời nó đỡ khổ. Nhưng những hôm mưa to, giá rét là tôi phải cho cháu nghỉ vì sợ lũ, lớp học đổ. Tôi mong Nhà nước quan tâm xây dựng lớp học để con tôi và các cháu ở đây được đi học đều".
Rõ ràng, những “nút thắt” cơ sở vật chất trường lớp học đang là thách thức đối với sự nghiệp trồng người ở Phong Dụ Thượng. Nếu chỉ trông vào sự nỗ lực vượt khó của chính quyền địa phương và nhân dân thì không đủ bởi xã còn nhiều khó khăn. Để năm học mới đạt nhiều kết quả hơn nữa, chính quyền và nhân dân nơi đây rất mong được các ngành, các cấp chức năng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục của địa phương.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng của huyện Văn Yên (Yên Bái) đã phát hiện bắt giữ 6 vụ, 13 đối tượng phạm tội mua bán vận chuyển tàng trữ trái phép chất ma tuý, thu giữ 5,533 gam hêrôin, khởi tố 6 vụ, 10 bị cáo, xử lý hành chính 3 bị cáo, truy tố 3 vụ, 4 bị cáo, thực hiện bắt cưỡng chế đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh 4 trường hợp.
YBĐT - Chỉ còn hơn một tuần nữa là học sinh toàn tỉnh Yên Bái bước vào năm học mới. Vài năm học trước, để vận động các cháu nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, nhiều giáo viên các trường mầm non ở Văn Chấn phải vã mồ hôi hột đi vận động, chiêu sinh. Thế mà giờ đây, những cảnh chen lấn, xô đẩy để kiếm được một bộ hồ sơ xin cho con em mình vào lớp mầm non giống như cảnh ở các thành phố lớn đã không còn hiếm.
Ngày 22/7, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2013 - 2020” và giao Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (QLHC về TTATXH) chủ trì, theo dõi, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đề án này.
Gần 30 trường ĐH, CĐ đã công bố kết quả thi tuyển sinh. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, hội đồng tuyển sinh chỉ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi.