Không để sinh viên nghèo phải bỏ học

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2013 | 3:06:15 PM

YB ĐT - Ở Yên Bái - một tỉnh miền núi nghèo thì chuyện lo lắng cho con cái đi thi cử, nhập học cao đẳng, đại học luôn là vấn đề “nóng” không chỉ của các hộ nghèo mà ngay cả những gia đình “thường thường bậc trung”.

Mặc dù còn khó khăn nhưng Yên Bái đã có những chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt ở mọi cấp học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Trong ảnh: Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Trạm Tấu ôn bài ngoài giờ lên lớp.
(Ảnh: Thanh Miền)
Mặc dù còn khó khăn nhưng Yên Bái đã có những chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt ở mọi cấp học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Trong ảnh: Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Trạm Tấu ôn bài ngoài giờ lên lớp. (Ảnh: Thanh Miền)

Gần đây, trên trang FTU Confessions của Đại học Ngoại thương xuất hiện lời thú nhận của một nam sinh quê miền Trung. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nam sinh này đành phải nói dối bố mẹ rằng đã trượt đại học để ở nhà giúp đỡ gia đình tạo điều kiện cho các em của mình được học hết phổ thông. Hay trường hợp cô học trò mồ côi cha quê Ninh Bình đỗ thủ khoa Đại học Hồng Đức đang lo không biết sắp tới sẽ xoay xở thế nào để có thể theo học đại học... Nhiều hoàn cảnh éo le của các tân sinh viên được đăng tải trên Facebook và trên các trang mạng thời gian này đang là vấn đề được nhiều người cả trong và ngoài cuộc quan tâm.

Phải thấy rằng, “xã hội đại học” bây giờ như một sân chơi nhiều thái cực. Tuy cùng một mái trường nhưng hầu như có sự phân biệt giàu - nghèo, quê - tỉnh, làm cho người nghèo, người ở quê đôi khi thấy tui tủi, không tự tin bước vào giảng đường đại học. Trong khi, có một số bạn đi học là để có dịp tiêu tiền của bố mẹ, ở nhà sang, đi xe sang, suốt ngày lên Facebook tìm bạn chơi, tiêu tiền như đại gia... Nhưng, cũng đừng nên nghĩ rằng các bạn “con nhà giàu” nào cũng mải chơi mà oan cho họ. Chính số bạn “con nhà giàu” nhưng học chăm, học giỏi này đã thể hiện được bản lĩnh “vượt khó” trước bao cám dỗ trong “xã hội đại học”.

Thực tế, trong xã hội hiện nay, người được tôn trọng nhất là người học giỏi, có đầu óc sáng tạo, có cuộc sống trung thực, kính trọng thầy cô, hòa nhã với bạn bè. Đây đó, vẫn xuất hiện những đôi bạn thân trong trường, tuy người sang, kẻ hèn vẫn đùm bọc nhau, giúp nhau vượt qua hoàn cảnh để vươn lên.

Có thể nhận định, đa phần sinh viên đại học rất khó khăn. Chuyện sinh hoạt, học tập khi nhập trường, duy trì học đại học ra sao luôn là mối lo thường trực của sinh viên! Nào lo tiền đóng góp cho nhà trường, nào lo khoản cho cuộc sống cá nhân, nào tiền trọ học, ăn mặc, tiền sách, học thêm ngoại ngữ, tin học... điều đó khiến nhiều gia đình “con đỗ, bố lo”. Nhưng khi đã vào trường nhiều sinh viên nghèo gỡ cái mớ bòng bong “cơm áo gạo tiền”, đỡ gánh cho bố mẹ bằng việc lao vào làm gia sư hoặc làm thêm tại các nhà hàng, quán bar, quán cơm bình dân...

Thực tế, chuyện làm thêm, dạy thêm của các bạn sinh viên nghèo để có tiền mua sách, học thêm cũng là bình thường không chỉ có ở nước ta. Miễn là, làm thêm một cách chính đáng, bằng sức lực, tay nghề, trí tuệ của mình. Có điều họ phải tính toán giữa việc làm thêm và việc học một cách hài hòa và hiệu quả.

Các bạn tân sinh viên thân mến! Nếu cảnh ngộ của gia đình bạn cũng muôn vàn khó khăn thì mong các bạn hãy can đảm vượt qua trở ngại. Có điều kiện tìm hiểu cảnh ngộ từng người, từng nhà thì còn rất nhiều cảnh ngộ éo le gấp nhiều lần mà không ít bạn phải đối mặt và thực tế đã có không ít sinh viên vượt qua để học thành tài. Mỗi lần vượt qua thử thách, con người lại thêm trưởng thành, tự hào đã làm được những việc lớn hơn bản thân mình, để tăng thêm tự tin mà tự tin là một phẩm chất rất quan trọng của con người khi bước vào đời. Đừng vội nản lòng từ bỏ cơ hội vào đại học, uổng công bao nhiêu năm đèn sách chắp cánh ước mơ.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới học sinh, sinh viên có cảnh ngộ khó khăn. Điều đó đã được hiện thực hóa bằng các nghị quyết nhằm thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội học tập, có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho những học sinh giỏi, có năng khiếu, hoàn cảnh sống khó khăn được theo học ở bậc học cao. Đó là tư tưởng chính sách đúng đắn của Đảng ta. Nhưng việc thực thi các chính sách đó cũng chỉ lo được ở mức tối thiểu. Mỗi người có một cảnh ngộ khác nhau, mỗi địa phương có một điều kiện khác nhau nên việc hỗ trợ của địa phương, sự tự lực của mỗi bản thân, mỗi gia đình cũng có khác nhau. Được biết, nhiều địa phương, nhiều trường đã có chính sách khuyến học, hỗ trợ để các bạn giỏi không phải bỏ học. Ngoài ra, một số đơn vị luôn quan tâm tài trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thi đại học điểm cao.

Ở Yên Bái - một tỉnh miền núi nghèo thì chuyện lo lắng cho con cái đi thi cử, nhập học cao đẳng, đại học luôn là vấn đề “nóng” không chỉ của các hộ nghèo mà ngay cả những gia đình “thường thường bậc trung”. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” chồng chất dẫn tới nguy cơ tân sinh viên không thể nhập học hoặc đi học rồi bỏ dở giữa chừng luôn tiềm ẩn. Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao của Yên Bái phụ thuộc rất nhiều vào nguồn sinh viên trong tỉnh trúng tuyển và theo học được hết đại học trở về.

Tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện tốt chính sách về vốn vay đối với sinh viên hộ nghèo (trong vòng 10 năm đã có trên 21.000 học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn). Chính sách cử tuyển đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, nhất là nhân lực về y tế, giáo dục, nông lâm nghiệp được triển khai mạnh...

Tuy nhiên, trước khó khăn còn tiềm ẩn, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cần chủ động có kế hoạch, biện pháp rà soát, nắm chắc từng trường hợp học sinh nghèo học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã trúng tuyển và đang theo học để có giải pháp động viên, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Mục tiêu không để sinh viên nào phải bỏ học, thôi học vì lý do không có khả năng đóng học phí và bảo đảm cuộc sống tối thiểu phải được đặt ra... Qua đó, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra đối với học sinh, sinh viên nghèo.

Đa Sĩ

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chế độ, chính sách trợ cấp khó khăn đột xuất, miễn học phí đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân nhân.

Hình ảnh dự kiến đường đi của bão số 5

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 5 và đang sầm sập tiến theo hướng Tây Tây Bắc với cường độ mỗi lúc một mạnh hơn.

Cảnh ngập lụt tại Yên Bái.

Mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua đã khiến 13 người thương vong và mất tích, ngoài ra còn gây thiệt hại nặng về hoa màu, nhà cửa, đường xá.

Ảnh minh họa.

Ngày 31/7, tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục