Yên Bái thực hiện chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng

Có nên chi trả đều phí dịch vụ môi trường rừng?

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/8/2013 | 8:52:37 AM

YBĐT - Thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), sau nhiều nỗ lực và thực hiện các bước theo đúng quy trình, năm 2012, tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện chính sách này với số tiền chi trả trên 18 tỷ đồng cho 23.959 tổ chức, cá nhân trồng và bảo vệ rừng.

Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ngày càng được quản lý,
bảo vệ tốt hơn.
Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ngày càng được quản lý, bảo vệ tốt hơn.

Chi trả DVMTR là một chính sách mới, các đối tượng sử dụng DVMTR như các nhà máy thuỷ điện, công ty nước phải có nghĩa vụ nộp tiền phí. Đối với các đơn vị sản xuất điện được tính vào giá thành bán điện với mức thu 20 đồng/kw, đối với đơn vị sản xuất nước thu 40 đồng/m3. Tiền phí DVMTR thu được để bảo vệ, phát triển rừng (BV, PTR) và chi trả trực tiếp cho các tập thể, tổ chức và người dân trực tiếp trồng, BV, PTR nằm trong lưu vực. Qua rà soát, đánh giá, toàn tỉnh có trên 23.959 hộ dân được hưởng lợi từ phí DVMTR với số tiền trên 18 tỷ đồng. Trong đó: huyện Trạm Tấu 4.700 hộ, Mù Cang Chải 8.278 hộ, Văn Chấn 3.275 hộ, Lục Yên 7.185 hộ và Trấn Yên 507 hộ.

Chính sách chi trả phí DVMTR được coi là bước đột phá trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về trách nhiện BV, PTR. Nó không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về giá trị phòng hộ mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm rừng, từ đó, người dân yên tâm quản lý, BV, PTR bền vững. Trước năm 2012, đã có 8.278 hộ dân huyện Mù Cang Chải được nhận tiền phí DVMTR với mức 318 ngàn đồng/ha/năm.

Bên cạnh tiền phí DVMTR, bà con còn được nhận thêm 200 ngàn đồng/ha tiền khoán bảo vệ hàng năm. Với nguồn kinh phí, này người dân đã thực sự sống bằng nghề rừng, rừng sẽ được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình chi trả phí DVMTR thì số tiền chi trả giữa các địa phương lại có sự chênh lệch lớn, nơi cao nhất là 318 ngàn đồng/ha/năm, thấp nhất là gần 24 ngàn đồng/ha/năm.

Sở dĩ có sự chênh lệch này là dựa trên cơ sở xác định diện tích rừng trên các lưu vực của các nhà máy thuỷ điện, nước sạch để thu phí và trả phí DVMTR. Do vậy, những diện tích rừng trong các lưu vực có càng nhiều đơn vị sử dụng DVMTR thì số thu càng lớn, các chủ rừng được trả phí DVMTR càng cao. Chẳng hạn, lưu vực sông Chảy có 80.012 ha rừng thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, diện tích rừng lớn nhưng trong lưu vực chỉ có duy nhất Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà nên số phí thu và trả cho các chủ rừng vùng này rất thấp, bình quân chỉ được 34 ngàn đồng/ha/năm. Nhưng đối với vùng lưu vực sông Đà thì có rất nhiều nhà máy thuỷ điện: Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Mường Kim, Hồ Bốn, Nậm Đông II, Nậm Đông III, Nậm Đông IV nên số phí thu rất cao và người trồng rừng, chủ rừng, bảo vệ rừng cũng được trả phí cao với mức cao nhất là 318 ngàn đồng/ha/ năm.

Vẫn biết việc chi trả tiền phí DVMTR theo các lưu vực là hoàn toàn đúng nhưng có nhiều ý kiến muốn đề xuất với tỉnh xem xét, nếu được thì trả đều phí DVMTR cho tất cả các chủ rừng! Ông Bàn Tiến Lục, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên nói: “Gia đình nhận khoán bảo vệ 6 ha rừng từ hàng chục năm nay với tiền giao khoán 100 ngàn đồng/ha/năm. Năm 2012, được nhận thêm 205 ngàn đồng từ phí DVMTR gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, đều là hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhưng do trên lưu vực có ít đơn vị sử dụng DVMTR nên số tiền chi trả cho mỗi ha rất thấp, khoảng 34 ngàn đồng/ha, như vậy thì thiệt thòi quá. Mong tỉnh  có cơ chế để chi trả cao hơn cho người trồng rừng, bảo vệ rừng chúng tôi”.

Không bằng Lục Yên, các chủ rừng ở huyện Văn Yên chỉ được nhận 24 ngàn đồng/ha/năm tiền phí DVMTR.  Anh Triệu Trung Lý, trưởng nhóm bảo vệ rừng thôn 5, xã Phong Dụ Thượng bộc bạch: “Từ nhiều năm nay tuy chưa được hưởng tiền phí DVMTR nhưng bà con trong thôn luôn nêu cao ý thức quản lý và bảo vệ rừng, năm nào kiểm lâm và các ngành chức năng cũng đánh giá tốt. Nay có thêm phí DVMTR bà con rất phấn khởi, số tiền không lớn nhưng đó là nguồn động viên, khích lệ bà con yêu rừng hơn, giữ rừng tốt hơn. Tuy nhiên, số tiền khoán và tiền phí DVMTR hiện tại là quá thấp”.

Từ những ý kiến nêu trên, thiết nghĩ Quỹ BV, PTR cũng nên xem xét, cân nhắc, bàn bạc thống nhất với các chủ rừng nếu được, thì nên chi trả đều phí DVMTR cho các chủ rừng!

Ngọc Trúc

Các tin khác
Áp thấp nhiệt đới lại xuất hiện trên biển Đông (Ảnh: NCHMF)

Hồi 1 giờ ngày 6/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

6 tháng đầu năm 2013, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Lục Yên bắt giữ 5 vụ, 10 đối tượng liên quan đến ma túy.

YBĐT - Lấy 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND) làm "kim chỉ nam" cho mọi hành động, lực lượng cảnh sát (LLCS) Công an huyện Lục Yên (Yên Bái) đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên những chiến công đáng tự hào, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

YBĐT - Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trong nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện Lục Yên có mưa vừa, mưa to đã làm sập đổ nhà, gây ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường trọng yếu, nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu của người dân có nguy cơ mất trắng.

Người dân phường Đồng Tâm thực hiện đổ rác đúng giờ quy định.

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết số 05 của Thành ủy Yên Bái về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị (NSVH-VMĐT), thời gian qua, phường Đồng Tâm đã chú trọng triển khai xây dựng nhiều phong trào như: xây dựng khu phố văn hóa, tổ dân phố văn hóa, tuyến đường văn minh đô thị, tổ dân phố không rác, đảm bảo bộ mặt trung tâm của thành phố luôn văn minh, xanh -sạch - đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục