Bị cáo Đinh La Thăng không đồng tình với quy kết có lợi ích nhóm
- Cập nhật: Thứ ba, 16/1/2018 | 1:27:27 PM
Sáng 16/1, sau phần đối đáp của luật sư, bị cáo Đinh La Thăng đã phát biểu bổ sung liên quan đến nội dung luận tội và đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát.
Bị cáo Đinh La Thăng
|
Nói rằng đã lắng nghe và trân trọng quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát (VKS), nhưng bị cáo Đinh La Thăng cũng trình bày một số vấn đề mà bị cáo cho rằng VKS quy kết chưa đúng.
Về quan điểm của VKS cho rằng có lợi ích nhóm mà biểu hiện chính ông Thăng đã chuyển và đề bạt bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận để rồi ưu ái cho PVC, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị xem xét lại, vì việc người đi, người đến và thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ là bình thường.
"Các bị cáo ngồi đây, từ anh Thực trở xuống đều do bị cáo bổ nhiệm cả. Chẳng lẽ cứ bổ nhiệm là lợi ích nhóm? Vấn đề này không phải thuần tuý là lời buộc tội mà còn là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của tập thể và của nhiều người” – ông Đinh La Thăng bày tỏ không đồng tình với lập luận của đại diện VKS.
Liên quan đến ý kiến của đại diện VKS ngày 15/1 cho rằng rất buồn trong vụ án này cấp dưới nhận trách nhiệm nhưng cấp trên lại không nhận, ông Đinh La Thăng một lần nữa nhấn mạnh bản thân là người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn trước tháng 8/2011 nên quá trình điều tra, truy tố, xét xử luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu, nhận chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một Chủ tịch HĐTV. Bị cáo cũng đã đề nghị sẵn sàng nhận trách nhiệm cho tất cả cán bộ dưới quyền chỉ vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án, không động cơ cá nhân hay vụ lợi mà dẫn đến sai phạm.
"Hoàn toàn không có chuyện bị cáo đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo lần nào gặp luật sư cũng nói là anh bào chữa gì thì bào chữa nhưng không được đổ lỗi cho cấp trên, không làm ảnh hưởng quyền lợi của bị cáo khác. Giả sử bản thân bị cáo bị thiệt nhưng đổ cho người khác để mình đỡ đi thì bị cáo không bao giờ làm” – bị cáo Đinh La Thăng trình bày.
Nhắc lại lời đại diện VKS cho rằng thời điểm thực hiện dự án PVC không đủ năng lực mà chỉ có Lilama, ông Đinh La Thăng khẳng định lúc đó không có đơn vị nào đủ điều kiện, nhất là về kinh nghiệm. Việc chỉ định thầu sau khi được đồng ý về chủ trương thì PVN cũng chỉ chọn thành viên của Tập đoàn chứ không chọn bên ngoài và lúc đó PVC là đơn vị mạnh nhất về xây lắp.
Cũng theo ông Đinh La Thăng, thẩm quyền chỉ định thầu với dự án Thái Bình 2 thì Hội đồng thành viên (HĐTV) PVPower quyết định. Khi bị cáo chuyển công tác từ tháng 8/2011, chủ đầu tư chuyển về PVN thì lãnh đạo tập đoàn đánh giá lại vẫn chỉ định PVC đủ năng lực thực hiện dự án Thái Bình 2. Do đó chủ trương chỉ định thầu không phải do cao hứng, nhất thời hay do bị cáo tự nghĩ ra.
Còn về hợp đồng 33, bị cáo Đinh La Thăng nhấn mạnh lại, thẩm quyền là PVPower, còn HĐTV của tập đoàn chỉ đạo bằng nghị quyết, văn bản, kết luật chứ không chỉ đạo bằng miệng. Bản thân bị cáo chỉ được thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình, vì nếu vượt thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Trong các cuộc họp bị cáo không nhận được báo cáo nào của PVPower, Ban Tổng Giám đốc hay của cá nhân nào về việc hợp đồng 33 sai phạm.
Về tạm ứng tiền, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng nếu ông chỉ đạo ký hợp đồng 33 thì khi có đề xuất xin tạm ứng chỉ cần 1 tiếng sau là tiền về PVPower. Tuy nhiên, "đây là đồng tiền của dân thì PVN có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả, trân trọng từng đồng. Chính vì vậy, bị cáo yêu cầu phải thực hiện đúng quy định”. Điều đó thể hiện ở việc PVPower 4 lần đề nghị thì 3 lần bị cáo không giải quyết, một lần thì chỉ đạo tạm ứng theo quy định và PVC không được sử dụng tiền này cho dự án khác ngoài Nhiệt điện Thái Bình 2.
"Chính vì nâng niu đồng tiền của dân nên bị cáo mới không đồng ý theo đề xuất của PVPower” – ông Thăng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, đối với PVPower trực tiếp thực hiện dự án mà không bị xử lý thì với các bị cáo khác cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại.
Các tin khác
Ngày 15-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục làm việc.
Chiều 15/1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm được tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư.
Bị cáo Đinh La Thăng xin lỗi Đảng, nhân dân và cán bộ ngành dầu khí, còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói rằng thấy có lỗi với ông Thăng.