Lừa đảo xin việc để chiếm đoạt tài sản

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/4/2018 | 7:34:15 AM

YBĐT - Tự nhận có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các sở, ban, ngành, sau đó làm quen và hứa sẽ xin việc, xin được đi học các trường chuyên nghiệp rồi chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ cả tin. Đây là thủ đoạn không hề mới của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, gần đây, lại đang có chiều hướng gia tăng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối tượng Hà Thị Mỹ Huyền.
Đối tượng Hà Thị Mỹ Huyền.

Sau hơn nửa năm chờ đợi, thậm chí cho đến cả khi đối tượng đã bị bắt giữ, chị Doãn Thị Hòa ở thôn 2, xã An Bình, huyện Văn Yên vẫn chưa thể tin rằng, số tiền hơn 100 triệu đồng tích cóp hàng chục năm trời và vay mượn họ hàng để xin việc làm cho con đến nay đã mất trắng. Chị cho biết: "Thấy có người mách chị ấy quen biết nhiều, có thể xin được việc làm nên tôi có đến nhờ chị ấy giúp xin việc cho cháu. Chị ấy bảo tôi đưa 100 triệu đồng và cứ yên tâm chờ đợi. Ai ngờ!".

Tương tự như hoàn cảnh của chị Hòa, gia đình anh Trần Văn Hải ở thôn 10, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên cũng chỉ vì nóng lòng xin việc cho đứa con trai vừa mới tốt nghiệp ra trường nên đã đi vay lãi 100 triệu đồng để đưa cho một đối tượng không hề quen biết. Việc làm đâu chẳng thấy, giờ hàng tháng chỉ thấy các chủ nợ thúc giục gia đình trả tiền lãi vay. Gương mặt thất thần, anh cho biết: "Vợ chồng tôi nghĩ vì tương lai của cháu nên quyết tâm vay mượn rồi đưa tiền và hồ sơ đưa cho chị ấy nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy con được đi làm, đòi lại tiền thì chị ấy không trả".

Sau một thời gian xác minh, truy xét theo đơn tố cáo của các bị hại, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Hà Thị Mỹ Huyền, sinh năm 1974, trú tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
 
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Huyền khai nhận do làm ăn thua lỗ nên đã tự bịa ra chuyện mình có khả năng xin được việc làm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 người với số tiền lên đến gần 700 triệu đồng. Trước đó, cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng Nguyễn Ngọc Tú, sinh năm 1986, trú tại thôn Cao 2, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn; Doãn Thu Kiều Trang, sinh năm 1983, trú tổ 20, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cùng 2 đồng phạm cũng đã lừa đảo và chiếm đoạt thành công số tiền hàng tỷ đồng của các bị hại.

Theo số liệu thống kê trong 5 năm trở lại đây, Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố và bắt giữ hàng chục đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức giúp xin việc làm, giúp xin đi học chuyên nghiệp, đi học các trường thuộc lực lượng vũ trang với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng phạm tội thường tung tin mình có mối quan hệ quen biết với cán bộ lãnh đạo các ngành, các địa phương, xin việc được cho một số người... nên có khả năng xin được việc làm, xin được chỉ tiêu đi học.
 
Sau đó đặt ra một mức tiền cụ thể và yêu cầu các bị hại đưa hồ sơ, đưa tiền đi xin việc, xin đi học hoặc yêu cầu bị hại nộp hồ sơ trực tiếp vào trường, vào cơ quan tuyển dụng và đi thi công chức. Nếu được đi học, được đi làm thì coi như mình đã xin cho. Nếu không được đi làm, đi học thì hứa hẹn trả tiền hoặc trả một phần tiền nhất định, phần còn lại coi như đã chi phí nên không trả lại cho các bị hại nữa.
 
Để tăng thêm lòng tin của các bị hại và đối phó với cơ quan pháp luật, các đối tượng thường viết giấy biên nhận với nội dung vay tiền của bị hại với một lý do khác và hẹn thời gian trả tiền rõ ràng hoặc nêu ra nhiều lý do để từ chối viết giấy tờ chứng minh mình nhận tiền của các bị hại.
 
Trung tá Trần Minh Tâm – Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh cho biết: "Nguyên nhân do nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp không có việc làm; một số gia đình muốn cho con đi học các trường thuộc lực lượng vũ trang để sau này ra trường có việc làm ổn định và sự thiếu hiểu biết về trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức, viên chức. Vì vậy, mọi người cần nâng cao cảnh giác, không đưa tiền cho người khác để nhờ giúp xin việc, giúp xin đi học. Khi bản thân và người thân trong gia đình có nhu cầu xin việc làm, cần chú ý theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các thông báo niêm yết công khai tại trụ sở Sở Nội vụ, UBND các địa phương để nắm bắt được thông tin tuyển dụng, chỉ tiêu đi học”.

Cảnh Toàn - Đỗ Huy

Các tin khác
Các đối tượng chính trong vụ án

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bóc gỡ đường dây cá độ bóng đá với số tiền giao dịch thể hiện lên đến 200 tỷ đồng.

Chiếm 1,4 tỷ đồng của thân chủ, luật sư Trần Hữu Kiển vừa bị Công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Lóng Sập vừa triệt phá 1 chuyên án ma tuý tổng hợp số lượng lớn.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa.

Bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên 18 năm tù trong vụ PVN mất 800 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục