Sáu bị cáo kháng cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà
- Cập nhật: Thứ bảy, 14/4/2018 | 8:54:14 AM
Sau 1 tháng tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ vỡ đường ống nước sông Đà, đến nay, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 6 bị cáo trên tổng số 9 bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Hoàng Thế Trung (áo khoác màu đen đứng hàng đầu) và các bị cáo nghe tòa tuyên án.
|
Trước đó, trong các ngày từ 5-13/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt 9 bị cáo về cùng tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng."
Các bị cáo: Hoàng Thế Trung (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà-Hà Nội), Trần Cao Bằng (sinh năm 1954, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) cùng bị phạt 24 tháng tù giam; Nguyễn Văn Khải (sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà-Hà Nội), Vũ Thanh Hải (sinh năm 1960, nguyên Trưởng Phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Đỗ Đình Trì (sinh năm 1968, nguyên cán bộ Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà-Hà Nội) cùng bị phạt 20 tháng tù giam; Trương Trần Hiển (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà-Hà Nội) 16 tháng tù giam.
Bị cáo Hoàng Quốc Thống (sinh năm 1955, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà-Hà Nội) và Nguyễn Biên Hùng (sinh năm 1950, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà-Hà Nội) cùng bị phạt 16 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 32 tháng.
Bị cáo Bùi Minh Quân (sinh năm 1972, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà-Hà Nội) bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, 6 bị cáo: Hoàng Thế Trung, Trần Cao Bằng, Nguyễn Văn Khải, Vũ Thanh Hải, Trương Trần Hiển và Đỗ Đình Trì đã làm đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, đề nghị xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Hoàng Thế Trung cho rằng bản án sơ thẩm 24 tháng tù giam mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nặng đối với hành vi mà bị cáo gây ra.
Theo bị cáo Trung, dự án đường ống nước sạch sông Đà là dự án sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đường kính lớn lần đầu tiên được áp dụng Việt Nam. Tất cả các nhà thầu thiết kế, nhà thầu sản xuất, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát đều chưa từng có kinh nghiệm thực hiện vật liệu ống nhựa composite cốt sợi thủy tinh. Dù bị cáo đã nỗ lực phòng tránh rủi ro, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được những sự cố đáng tiếc.
Trên cơ sở đó, bị cáo Trung cho rằng Tòa cấp sơ thẩm đã không xem xét áp dụng Điều 25-Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ” theo hướng có lợi cho bị cáo Trung và các bị cáo khác.
Bị cáo Trung nêu: "Bản án sơ thẩm chưa đánh giá xem xét tới điều kiện, hoàn cảnh khi chúng tôi xây dựng Dự án đường ống nước sạch sông Đà để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân và thực tế dự án đã mang lại lợi ích lớn cho nhân dân Hà Nội. Vụ án không có hậu quả xảy ra dù là vật chất hay phi vật chất. Chi phí sửa chữa, khắc phục đã nằm trong kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của đơn vị quản lý, khai thác Dự án là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (nay là Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà) và hầu hết các hộ dân đang sử dụng nước đều xác nhận ý kiến hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp."
Về nội dung này, bản án sơ thẩm đã kết luận, từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ ống với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí 16.618.883.494 đồng để khắc phục. Việc tuyến ống liên tục bị vỡ đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904 m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tòa cấp sơ thẩm cũng nêu rõ, công nghệ sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục ngành, nghề thuộc các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư. Do đó, không đủ cơ sở để xem xét dự án "Nhà máy sản xuất ống cốt sợi thủy tinh” là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới ở Việt Nam để hưởng ưu đãi. Mặt khác, nội dung Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định: "Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm. Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xác định những tài liệu, chứng cứ trong vụ án cho thấy, Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm trong việc sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cấp cho Dự án cấp nước sông Đà-Hà Nội. Do đó, không có căn cứ để áp dụng Điều 25-Bộ luật Hình sự năm 2015 để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo trong vụ án này.
Trong 5 bị cáo kháng cáo còn lại, hai bị cáo Đỗ Đình Trì và Vũ Thanh Hải thừa nhận đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhưng cho rằng mức án 20 tháng tù đối với cả hai bị cáo là quá nặng so với tính chất mức độ, vai trò của hai bị cáo trong vụ án. Vì vậy, hai bị cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét cho hai bị cáo được hưởng án treo để bị cáo được cải tạo ngoài xã hội, có cơ hội chữa bệnh và làm việc để trang trải kinh tế cho gia đình.
Các tin khác
Sáng 12-4, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Xuân (42 tuổi, trú tại thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) cấp cao tại Hà Nội đề nghị giữ nguyên tội danh và hình phạt đối với cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga.
Ngày 10/4, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Túc, sinh năm 1964, thường trú tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Khoản 1, Điều 79 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Ngày 9/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành bắt, khám xét một số đối tượng phạm tội liên quan đến đến vụ án tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.