Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện ngoại tệ giả trong các hoạt động giao dịch tiền mặt. Một số người dân khi gặp phải ngoại tệ giả thường không giao nộp cho hệ thống ngân hàng mà tìm cách tiêu thụ.
Tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự xã hội và quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như đời sống nhân dân. Tháng 1/2020, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Yên Bái đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự liên quan đến tội phạm lưu hành tiền giả.
Khoảng cuối tháng 5/2019, trên đường đi chơi về đến khu vực phía sau Công ty Phúc Khánh (thành phố Lào Cai), Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1983, trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên có nhặt được một chiếc ví da màu nâu, bên trong có một tập tiền đô-la Mỹ giả loại 100 USD. Đức lấy tập tiền cho vào túi quần, vứt chiếc ví vào vệ đường rồi đi bộ về nhà trọ tại đường Nguyễn Tri Phương (thành phố Lào Cai) cất giấu trong balo quần áo.
Đầu tháng 6/2019, Đức mang toàn bộ số tiền trên về cất tại buồng ngủ trong nhà ở thôn Cầu A, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên. Giữa tháng 7/2019, Nguyễn Văn Đức và Hoàng Xuân Quỳnh, sinh năm 1981, trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cùng đến nhà bố vợ Đức để ăn giỗ. Tại đây, Đức nói với Quỳnh có nhặt được một ít đô-la Mỹ không biết có đổi được không. Đức vào buồng lấy tiền cho Quỳnh xem rồi Đức dùng điện thoại của mình vào mạng kiểm tra tờ đô-la Mỹ để xác định tiền giả hay tiền thật.
Biết đó là tiền giả nhưng Quỳnh bảo Đức cứ đưa tờ 100 USD đó cho mình đem đi đổi xem có được không. Sau đó, Quỳnh đem tờ 100 USD ra cửa hàng Vàng bạc Quý Xuân, thị trấn Mậu A đổi được 2,2 triệu đồng. Quỳnh đem tiền về đưa cho Đức 1 triệu đồng, số còn lại Quỳnh đã chi tiêu hết.
Vài ngày sau, Quỳnh đến nhà Đức lấy 400 USD để đi đổi tại tiệm vàng Nhật Lệ, thị trấn Mậu A được 9.040.000 đồng. Đức cho Quỳnh 1 triệu đồng, số tiền còn lại Đức giữ tiêu xài cá nhân.
Thấy Quỳnh đổi tiền trót lọt, ngày hôm sau, Đức tự mình cầm 1.000 USD đến tiệm vàng Nhật Lệ đổi được 22,7 triệu đồng.
Cuối tháng 7/2019, Đức lấy hết số tiền 2.000 USD giả còn lại đưa cho Quỳnh, Quỳnh đã 2 lần mang đi đổi tại tiệm vàng Nhật Lệ được 45,4 triệu đồng. Quỳnh mua 1 nhẫn vàng tây của chị Lệ - chủ tiệm vàng trị giá 5,5 triệu đồng. Quỳnh vay của Đức 10 triệu đồng trong tổng số tiền đã đổi được, số tiền còn lại đưa cho Đức, Đức tiêu xài cá nhân hết.
Sau khi mua được tổng số 3.400 đô-la Mỹ giả của Đức và Quỳnh, chị Lệ - chủ tiệm vàng Nhật Lệ đã gửi toàn bộ số tiền cho chị Phạm Thị Yến - kế toán Công ty Vàng bạc Tú Bình (54 Hàng Bạc, Hà Nội).
Tháng 8/2019, chị Yến kiểm tra và phát hiện 3.400 USD là tiền giả nên đã trả lại chị Lệ, sau đó chị Lệ viết đơn trình báo Công an huyện Văn Yên và giao nộp toàn bộ số tiền giả trên.
Trong quá trình điều tra, Đức và Quỳnh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình, cả hai đều có thân nhân tốt, không có tiền án, tiền sự, đây là vụ án đồng phạm giản đơn, tác động gia đình bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và người bị thiệt hại…
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 10/1/2020, áp dụng Khoản 3 Điều 207; điểm b, s Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự, TAND tỉnh xử phạt Nguyễn Văn Đức 13 năm tù và Hoàng Xuân Quỳnh 12 năm tù về tội "Lưu hành tiền giả”.
Bản án dành cho Nguyễn Văn Đức và Hoàng Xuân Quỳnh là bài học cảnh tỉnh đối với những ai thiếu hiểu biết, hám lợi, coi thường pháp luật, thực hiện hành vi phạm tội về tiền giả, gây khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này.
Mai Linh