Đại tá Phạm Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Quá trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tỉnh và các địa phương luôn coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT). Xác định đây là những mục tiêu cơ bản của phát triển kinh tế bền vững; đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về "BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhiều chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BVMT đã được triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT còn diễn ra khá phổ biến trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, tuyến trọng điểm với nhiều hành vi vi phạm chủ yếu như: xả thải gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải; vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; khai thác tài nguyên, khoáng sản (cát, sỏi) trái phép…
Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều bất cập, lực lượng còn mỏng, phương tiện, kinh phí phục vụ công tác này còn nhiều hạn chế… trong khi các đối tượng vi phạm thường lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của pháp luật để hoạt động vi phạm.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm về môi trường, thời gian qua, Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực trong công tác phòng ngừa, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường.
Lực lượng công an đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và trong nông nghiệp, trong xử lý chất thải, khai thác tài nguyên khoáng sản; đồng thời, chủ động với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về BVMT, do đó, trên địa bàn không có điểm "nóng”, khiếu kiện phức tạp liên quan đến môi trường.
Thống kê cho thấy, năm 2019, qua công tác kiểm tra, lực lượng cảnh sát môi trường công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 44 vụ vi phạm pháp luật về BVMT, tài nguyên, an toàn thực phẩm; trong đó, khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi hủy hoại rừng, tiếp nhận điều tra 1 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng; xử phạt hành chính 141 vụ (6 tổ chức, 135 cá nhân) với gần 450 triệu đồng, tịch thu tang vật, tiến hành tiêu hủy 1.626 kg nội tạng động vật, 1,4 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc, 1.300 lít rượu không tem nhãn mác…
7 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện, xử lý 95 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố 1 vụ vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, lập hồ sơ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 93 vụ, phạt tiền gần 600 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước; lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền 1 vụ; thu giữ hàng trăm máy móc, phương tiện khai thác khoáng sản trái phép; tịch thu tiêu hủy 10 thùng bánh kẹo, 120 lít rượu, 75 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc; thả về tự nhiên nhiều cá thể là động vật hoang dã.
Thiếu tá Đặng Trần Hoàng - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh nhận định: Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt trên một số lĩnh vực như: an toàn vệ sinh thực phẩm, khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, xả thải và xử lý chất thải…
Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, công an toàn tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tăng cường nắm tình hình việc chấp hành pháp luật về môi trường; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác BVMT; song song với đó là triển khai hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về môi trường, cương quyết xử lý mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm về môi trường trên tất cả các lĩnh vực”.
Lê Phiên