Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự quan tâm, giáo dục của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng đùm bọc, giúp đỡ, lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung, Công an tỉnh Yên Bái nói riêng đã khẳng định là một trong lực lượng vũ trang nòng cốt, luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiến đấu dũng cảm, lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đánh thắng mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Trải qua quá trình cách mạng, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND, Đảng ta luôn xác lập cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với CAND, nhằm hiện thực hóa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, bảo đảm cho Đảng nắm chắc CAND trong mọi tình huống. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL, ngày 21/2/1946 hợp nhất các lực lượng công an trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ, một tổ chức công an thống nhất của chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương đến các địa phương; đồng thời, cử những cán bộ trung kiên, tin cậy lãnh đạo lực lượng Công an.
Cùng với sự ra đời của ty công an ở các địa phương trong cả nước, ngày 16/8/1946, Ty Công an Yên Bái cũng chính thức được thành lập. Mới ra đời, tuy lực lượng còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, chiến sĩ CAND tỉnh nhà đã làm tốt công tác điều tra, nắm tình hình hoạt động của quân đội Tưởng, của bọn phản động. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng tay sai Pháp – Nhật, bọn tàn quân Quốc dân đảng và hoạt động của các bọn tội phạm hình sự, tệ nạn nghiện hút, bảo vệ tốt chính quyền cách mạng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ I (tháng 7/1948) và lần thứ II (tháng 1/1949) chủ trương: tập trung lãnh đạo công tác bảo vệ vùng tự do; đồng thời, phát triển cơ sở kháng chiến trong vùng địch, đặc biệt là vùng cao; khẩu hiệu hành động lúc này là "biến hậu phương địch thành tiền phương của ta”.
Để thực hiện chủ trương đó, tháng 3/1948, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Đội Công an xung phong Quyết tiến để phục vụ các chiến dịch lớn trong công tác tiêu hao sinh lực địch, củng cố chính quyền ta, phát triển cơ sở kháng chiến trong vùng địch tạm chiếm.
Để tăng cường bảo vệ chính quyền ta, ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 05-CT/TW về nhiệm vụ và tổ chức công an. Chỉ thị nêu rõ: "Nói chung nhiệm vụ của Công an là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ nền kinh tế quốc dân, bảo vệ quân đội, bảo vệ nhân dân”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, tháng 4/1951, tại Đại hội Đại biểu lần thứ III, Tỉnh ủy Yên Bái đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ là: "… phát triển công tác vùng địch tạm chiếm và chuẩn bị mọi mặt để đưa Đảng ra hoạt động công khai”.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy và được sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an Yên Bái đã lập nhiều chiến công xuất sắc, điển hình như: đấu tranh triệt phá các tổ chức phản động "Quốc gia liên minh”, "Liên đoàn công giáo chống cộng”; phối hợp với lực lượng quân báo tổ chức tốt công tác nắm tình hình, bảo vệ bí mật quân sự, bảo vệ an toàn lãnh tụ và các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến.
Phát động phong trào "Bảo mật, phòng gian”, phong trào "3 không” trong nhân dân, tổ chức phá tề, trừ gian, bao vây kinh tế địch; bắt gọn các toán gián điệp, biệt kích; vận động quần chúng tham gia phong trào cách mạng trong những năm kháng chiến, giữ vững chính quyền, xây dựng Yên Bái thành hậu phương trực tiếp, vững chắc, đóng góp nhiều sức người, sức của cho thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Trong giai đoạn cả nước tiến hành hai chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, Tỉnh ủy Yên Bái cũng ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ công tác công an như: Kế hoạch số 06/KH, ngày 28/6/1961 về phòng và chống biệt kích, gián điệp của Mỹ Diệm ra phá hoại miền Bắc; Chỉ thị số 48/CT-TUYB, ngày 26/5/1967 về tăng cường giữ vững an ninh, kiên quyết đánh bại chiến tranh tâm lý và mọi hoạt động gây chia rẽ của địch; bảo vệ sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong quân đội và trong nhân dân các dân tộc… mở nhiều đợt học tập nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm nâng cao tinh thần giác ngộ, ý thức cảnh giác của toàn Đảng, toàn dân; đồng thời, kết hợp với việc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân khắp trên toàn tỉnh.
Quán triệt chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Công an tỉnh đã chủ động, kiên quyết tiến công bọn phản động, địa chủ, cường hào, nợ máu với nhân dân, bọn phá hoại đường lối của Đảng trong giai đoạn chuyển hướng chiến lược, bảo đảm cho thắng lợi của công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình văn hóa – xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân; tổ chức cho nhân dân đi sơ tán khỏi vùng chiến sự ác liệt; đấu tranh trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, triệt phá nhiều tổ chức phản động như: tổ chức "Đảng thiểu số” ở huyện Văn Bàn; vụ xưng đón vua ở Mù Cang Chải, tổ chức phản động "Ủy ban cách mạng công nông binh Việt Nam” ở Nhà máy Thủy điện Thác Bà..., góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới cũng như tính chất công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Đảng đã tăng cường lãnh đạo, từng bước đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo đối với Công an nhân dân.
Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 110-QĐ/TW, ngày 30/8/1990 thành lập Đảng ủy Công an Trung ương; ban hành Quy định số 92-QĐ/TW, ngày 15/5/2012; Quy định số 72-QĐ/TW, ngày 24/2/2018; Quy định số 192-QĐ/TW, ngày 18/5/2019 về tổ chức Đảng trong Công an nhân dân Việt Nam...
Tỉnh ủy ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng công an như: Chương trình hành động số 69-CT/TU ngày 20/01/2014 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chương trình hành động số 110-CTr/TU, ngày 10/9/2015 về thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 10/10/2018 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong tình hình mới; Nghị quyết số 123-NQ/TU, ngày 11/11/2019 về bảo vệ an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái; hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh...; đồng thời, phân công đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham gia sinh hoạt cùng Đảng ủy Công an tỉnh.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Công an tỉnh Yên Bái đã tích cực nghiên cứu, đổi mới toàn diện các mặt công tác công an, chủ động trong đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về công tác công an trong tình hình mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả "Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, các "Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm”, xây dựng thế trận "An ninh nhân dân” gắn với thế trận "Quốc phòng toàn dân” vững mạnh; tham mưu đề xuất và trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền; vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, giữ vững ổn định chính trị, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn; không để xảy ra khủng bố, phá hoại...
Trên địa bàn tỉnh không có "điểm nóng” về an ninh trật tự; không có tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen”; các vấn đề phức tạp mới phát sinh đều được phát hiện và sử lý kịp thời; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; trật tự, kỷ cương phép nước được duy trì.
Cùng với đó, các hoạt động thiện nguyện, xã hội tình nghĩa được đẩy mạnh như giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ... qua đó, lòng tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với Đảng, chính quyền và lực lượng công an được nâng lên, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, phục vụ đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong công tác xây dựng lực lượng, Công an tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt: Ý thức phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn; đội ngũ cán bộ được củng cố, có sức chiến đấu cao, đoàn kết thống nhất trong nội bộ và thực hiện nghiêm 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Đặc biệt, việc hoàn thành Đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 160/160 địa bàn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, được ghi nhận, đánh giá cao.
Để tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND nói chung, Công an tỉnh Yên Bái nói riêng bảo đảm luôn giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, kiên định công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với CAND - yếu tố tiên quyết cho mọi thành công trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự.
Đại tá Đặng Hồng Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh