Trong đợt lũ vừa qua, Thừa Thiên Huế là địa phương gánh chịu thiệt hại năng nề do lũ lụt gây ra. Ngay từ ngày 9/10, các địa phương Phú Vang, Phong Điền, TX Hương Trà, TX Hương Thủy… đến các làng quê, đâu đâu cũng ngập chìm trong nước. Nhưng bất chấp hiểm nguy, trên những chiếc xuống cứu hộ, vượt qua dòng nước lũ, những chiến sĩ mang áo phao có dòng chữ "Quân khu 4” đi đến từng gia đình cứu người dân đưa đến nơi an toàn. Và liên tục nhiều ngày sau đó, các lực lượng vượt mọi hiểm nguy tiếp tế lương thực, thực phẩm ứng cứu cho hàng nghìn người dân.
Tại "rốn lũ” Quảng Bình những ngày mưa lũ, chúng tôi có mặt trên chiếc xuống cứu hộ của Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tuyên Hóa cơ động về các xã ven sông Gianh cứu dân. Trong đêm tối, dưới màn mưa tầm tã, chiếc xuống cứu hộ len lỏi đi vào từng nhà dân đập cửa kiểm tra, dỡ ngói tìm kiếm đưa bà con lên thuyền đến nơi an toàn. Rất nhiều người dân đang ngồi cheo leo trên nóc nhà giữa biển nước mênh mông, khi được lực lượng cứu hộ tiếp cận đưa lên xuồng đã ôm chặt bộ đội khóc nức nở. Giữa hiểm nguy, giữa cận kề sự tuyệt vọng, chứng kiến người dân được cứu hộ kịp thời, thật khó để chúng tôi kìm nén cảm xúc.
Được biết, trong số lực lượng cứu hộ có rất nhiều đồng chí, gia đình nằm trong vùng lũ nhưng vẫn xung phong lên tuyến đầu ứng cứu đồng bào. Tấm gương Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Hải, nhân viên Báo vụ, Ban CHQS Tuyên Hóa (Quảng Bình) những ngày qua luôn được cán bộ, chiến sĩ LLVT Quảng Bình ghi nhận, bà con nhân dân hết sức yêu quý, mến phục. Được biết, gia đình Đại úy Nguyễn Thanh Hải, ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng bị ngập và hiện vợ anh đang nằm viện. Vậy nhưng, gác lại việc nhà, anh luôn có mặt cùng đơn vị ứng cứu, sơ tán và giúp đỡ Nhân dân từ ngày lũ đổ về đến nay.
Những ngày này lũ đã rút dần, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 lại bắt tay vào "cuộc chiến” mới, cuộc chiến giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn LLVT Quân khu đã hướng về đồng bào vùng lũ lụt bằng cả tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Tại các địa phương ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…, với phương châm "nước rút đến đâu môi trường sạch ngay ở đó”. Tại Hà Tĩnh, ngay khi mực nước xuống dần, 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương có mặt giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Tại điểm ngập lụt xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên và Trung đoàn 841 chỉ ăn vội suất cơm nắm tại công trường, không kịp nghỉ ngơi, các anh bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
Trên gương mặt còn lộ vẻ lo lắng, vừa từ khu vực sơ tán trở về, bà Lê Thị Châu, xã Cẩm Thành cảm động nói: "Đến bây giờ tôi vẫn không tin mình còn sống. Trong đêm tối, nước bỗng dưng dâng lên ngập cả gác nhà, tôi phải dỡ ngói trèo lên mái nhà kêu cứu. Trong cơn tuyệt vọng thì đúng lúc thuyền cứu hộ của các chú bộ đội huyện đội đi qua, kịp thời đưa lên thuyền sơ tán. Lúc này tôi mới biết mình đã được cứu sống. Các chú là ân nhân cứu mạng tôi, thật sự tôi mang ơn nhiều lắm”.
Theo số liệu báo cáo của Phòng Tác chiến Quân khu 4 đến hết ngày 25/10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động gần 17.000 người và hơn 700 phương tiện tham gia giúp các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt. LLVT Quân khu 4 đã phối hợp với các lực lượng sơ tán, ứng cứu gần 5.400 hộ dân đến nơi an toàn và vận chuyển hàng chục tấn lương thực thực phẩm tiếp tế, cứu trợ cho bà con. Không chỉ tham gia cứu dân và là lực lượng xung kích giúp đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt mà trong công cuộc tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đồng đội, nhân dân bị nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 xứng đáng là những người hùng.
Ngay khi nghe thông tin, Đoàn công tác Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu trên đường đi cứu dân gặp nạn, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 và Sư đoàn 968 kịp thời có mặt cùng các lực lượng mở đường tiếp cận hiện trường. Mặc cho những cung đường bên bờ sông Bồ cùng những vách núi cheo leo có thể sập đổ lúc nào, bất chấp hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị làm việc quên cả ăn trưa, để nhanh chóng mở đường vào cứu đồng đội, cứu Nhân dân. Và sau đó, trong công cuộc tìm kiếm người bị nạn, hình ảnh những chiến sĩ chỉ ăn vội chiếc bánh mỳ qua bữa rồi lao nhanh vào dùng tay bới đất để tìm kiếm đồng đội vì sợ... đồng đội mình đau nên không dám dùng cuốc, xẻng,... đã chạm đến trái tim hàng triệu người dân.
Công cuộc tìm kiếm các công nhân bị nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 chưa kết thúc, nhận được tin 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 337 gặp nạn, một lực lượng lại vượt lũ tiếp cận hiện trường cứu đồng đội. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ bất chấp hiểm nguy vượt qua quảng đường sạt lở hàng chục km để nhanh chóng vào hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ đã phần nào minh chứng cho tinh thần, ý chí của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu hết lòng vì nhân dân phục vụ.
Trước tình hình khí hậu thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường, địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to, cuộc sống Nhân dân tiếp tục bị đe dọa. Với mệnh lệnh từ trái tim, mọi cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 luôn sẵn sàng tâm thế lên đường, sẵn sàng tiến về phía trước khi Nhân dân cần. Hành động, việc làm và tinh thần sẵn sàng xả thân vì đồng bào của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 thật xứng danh với tên gọi thân thương "Bộ đội Cụ Hồ".
(Theo dangcongsan.vn)