Là một tỉnh miền núi, trình độ dân trí ở vùng cao còn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, những năm qua, tình trạng người địa phương xuất cảnh trái phép ra nước ngoài ở tỉnh ta vẫn diễn ra khá phức tạp; đồng bào xuất cảnh trái phép, chủ yếu sang Trung Quốc chỉ với một suy nghĩ khá đơn giản là đi tìm kiếm việc làm có thu nhập khá hơn, đi để lấy chồng, cá biệt, vì hoàn cảnh gia đình (phụ nữ bị chồng đánh đập, chồng nghiện ma túy hoặc đi chấp hành án tù…) nên tìm đường xuất cảnh để thoát khỏi cuộc sống éo le.
Bên cạnh đó là tình trạng kẻ xấu, hám lợi về các địa phương vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, vận động, dụ dỗ đồng bào xuất cảnh trái phép với lời dụ dỗ: "Sang bên kia biên giới có việc làm ổn định, thu nhập cao; lấy được chồng giàu có…”.
Vì thế, đã có hàng nghìn người xuất cảnh trái phép, trong số ấy, phần lớn là phải lao động cực nhọc, bị ngược đãi; bị bắt tù, không ít người mắc nghiện, nhiều chị em phải làm gái mại dâm, bị mua đi, bán lại qua nhiều người. Người đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, khi dịch bệnh xảy ra đã quay trở về địa phương nghiễm nhiên trở thành nguồn lây bệnh rất cao.
Nguy hiểm hơn, khi họ trở về, trốn tránh lực lượng chức năng nên đều đi qua các đường mòn, lối mở, rất khó kiểm soát, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh, tạo ra áp lực cực kỳ lớn cho lực lượng công an.
Trước tình trạng xuất cảnh trái phép, lực lượng công an cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý cư trú, bám sát địa bàn cơ sở, sớm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp xuất cảnh trái phép, tội phạm buôn người, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; phát động Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giáo dục tuyên truyền pháp luật, nói cho dân nghe, dân hiểu rằng, xuất cảnh trái phép là vi phạm pháp luật, là đứng trước nhiều rủi ro, có nhiều bài học rất đau lòng từ việc xuất cảnh trái phép. Bà con cần không ngừng cảnh giác trước những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu nhằm dụ dỗ, lôi kéo trốn đi nước ngoài với "viễn cảnh tốt đẹp”.
Biện pháp căn cơ, lâu dài nhất chính là áp dụng nhiều hơn, hiệu quả hơn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại vùng sâu, vùng xa, qua đó giúp đồng bào có việc làm và thu nhập khá, có cuộc sống ổn định ngay trên quê hương, làng bản của mình; giúp đồng bào xây dựng đời sống văn hóa mới, nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật.
Cần làm tốt hơn nữa việc đào tạo nghề, cũng như công tác xuất khẩu lao động, đảm bảo cho công dân đi xuất khẩu lao động đã có trình độ, tay nghề, tham gia các đơn hàng có điều kiện làm việc tốt, thu nhập khá, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các công ty xuất khẩu lao động bảo vệ người lao động khi ở nước sở tại…
Các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội Phụ nữ cần thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, giúp đỡ hội viên của mình có cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo số liệu thống kê, năm 2019, số người xuất cảnh trái phép đã giảm 18,1% so với năm 2018, vượt xa mục tiêu mong đợi, qua đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thể hiện nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng chống xuất cảnh trái phép đã đi đúng hướng, đạt hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an đã là rất lớn.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, xuất cảnh trái phép vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất cao nhất là khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường… Chính quyền cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ ở xã, phường, thôn bản, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là lực lượng công an cần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống xuất cảnh trái phép với các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả.
Lê Phiên