Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết này, Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Để cụ thể hóa Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND, UBND năm 2004; Nghị định số 91 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, giai đoạn 2005 - 2015, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 1 nghị quyết, 5 quyết định và 1 chỉ thị bảo đảm thực hiện công tác xây dựng và ban hành VBQPPL.
Theo đó, để triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 129 về việc triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL trên địa bàn toàn tỉnh và rà soát các văn bản không còn phù hợp với quy định tại Luật Ban hành VBQPPL tại địa phương.
Đồng thời, có văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2005 và Nghị định số 34 của Chính phủ. Giai đoạn 2005 - 2019, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành 838 văn bản, gồm: 240 nghị quyết, 525 quyết định, 73 chỉ thị; chính quyền cấp huyện ban hành 1.010 văn bản, gồm: 408 nghị quyết, 368 quyết định, 234 chỉ thị; chính quyền cấp xã ban hành 3.559 văn bản, gồm: 2.991 nghị quyết, 383 quyết định, 185 chỉ thị. Nhìn chung, các VBQPPL được ban hành trên địa bàn toàn tỉnh đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với văn bản pháp luật của các cơ quan Nhà nước cấp trên.
Giai đoạn 2005 – 2019, tại cấp tỉnh đã tự kiểm tra 770 văn bản, gồm: 299 nghị quyết, 480 quyết định, 60 chỉ thị. Đồng thời, tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền 844 VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, gồm: 358 nghị quyết, 318 quyết định, 168 chỉ thị. Tại cấp huyện đã tự kiểm tra 883 VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, gồm: 389 nghị quyết, 321 quyết định, 173 chỉ thị.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền 3.023 VBQPPL do HĐND, UBND cấp xã ban hành, gồm: 2.550 nghị quyết, 308 quyết định, 165 chỉ thị.
Tại cấp xã đã kiểm tra 2.733 VBQPPL do HĐND, UBND cấp xã ban hành, gồm: 2.456 nghị quyết, 172 quyết định, 105 chỉ thị. Đặc biệt, từ năm 2005 - 2019, toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện được 4 đợt rà soát, hệ thống hóa văn bản định kỳ và tổ chức thực hiện 32 đợt rà soát văn bản theo lĩnh vực, chuyên đề.
Nhằm tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2020 - 2030 và định hướng đến năm 2045, tỉnh đã đề ra những giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo đó, tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đảm bảo mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thông qua việc thực hiện chỉ đạo chặt chẽ quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, bảo đảm quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng; nâng cao vai trò bảo vệ chính quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thu hút sự tham gia ngày càng rộng rãi của nhân dân vào công việc quản lý Nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy Nhà nước và trong đời sống xã hội.
Đặc biệt, cần có các hình thức đẩy mạnh xã hội học tập, nâng cao trình độ dân trí, tạo lập môi trường để rèn luyện ý chí và bản lĩnh chính trị của công dân; thực hiện các cơ chế mở rộng dân chủ, nhất là yêu cầu về công khai, minh bạch và quyền được thông tin để người dân thực sự được sống, được tham gia vào đời sống chính trị, được biết và cho ý kiến về những quyết sách có liên quan.
Khi xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần bảo đảm các quyền con người về dân sự, chính trị; trong lĩnh vực tư pháp hình sự; các quyền về kinh tế, văn hóa xã hội; quyền của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như: quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền của công dân cao tuổi; chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức Nhà nước và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm công dân được tham gia thực sự công việc Nhà nước; xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, giảm sự phân hóa giàu nghèo, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Theo đó, tỉnh cũng đã đề xuất kiến nghị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam như: tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch; hạn chế tình trạng ban hành "luật khung”; áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản đảm bảo tính logic, khoa học, thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, nhân dân tra cứu, áp dụng; hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng nâng cao hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả của công tác giám sát VBQPPL của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL và xây dựng thiết chế tài phán đối với các VBQPPL có dấu hiệu không bảo đảm tính thống nhất đối với hệ thống pháp luật.
Thanh Hương