Quả thuốc phiện được mã hóa là "táo mèo”, "ngô non”
Vào Facebook gõ từ khóa "anh túc ngâm rượu” hay "cây anh túc”, hàng loạt các tài khoản cá nhân, hội nhóm như "Hạt giống/Anh Túc”, "Hạt giống cây anh túc”, "Đồ ngâm rượu Tây Bắc”… sẽ hiển thị.
Theo tài khoản "Ha Tran”, giá 1 kg mặt hàng cấm này có giá 2,6 triệu đồng. Để lấy thêm lòng tin khách hàng, người này gửi kèm các clip quả anh túc tươi được xếp gọn gàng trong các túi ni lông đen đóng hộp bìa các tông, quấn băng dính cẩn thận như đang chuẩn bị đem đi gửi cho khách.
Ngoài việc đăng bán trên trang cá nhân, hội nhóm, fanpage các cá nhân bán chất cấm này bất chấp, đăng bán công khai trên Marketplace - một dạng sàn thương mại điện tử có sẵn trên Facebook.
Theo chính sách thương mại của mạng xã hội Facebook, việc mua hoặc bán sản phẩm kê đơn hay dụng cụ để chích/hút thuốc, chất cấm bao gồm cả cần sa và các sản phẩm liên quan đến cần sa là hành động vi phạm chính sách thương mại và tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Tuy nhiên, các cao thủ bán hàng cấm dễ dàng "vượt tường” bằng cách đăng tải hình ảnh để bán quả thuốc phiện nhưng phần tên gọi được đặt là "táo mèo”.
Gõ từ "táo mèo” vào mục tìm kiếm trên Marketplace, kết quả hình ảnh quả thuốc phiện chiếm ưu thế hơn hẳn quả táo mèo. "Táo mèo” (thực chất là quả thuốc phiện) được quảng bá phong phú, từ "táo mèo vụ Xuân năm 2022”, "Táo mèo Hà Giang” đến "Táo mèo Yên Bái”, "Táo mèo cuối vụ”…
Có vài trường hợp, PV liên lạc với 2 shop bán "ngô non” và "táo mèo” qua chat, lập tức chúng tôi nhận được tin nhắn báo giá chi tiết, không giống ngô và táo mèo chút nào: "loại nguyên quả 2,8 triệu đồng/kg, tầm 50 quả; loại cả cây 1,6 triệu đồng/kg, tầm 6 cây nguyên; hạt giống 200 nghìn đồng 1 túi zip 10g. Quả nguyên phấn, nguyên nhựa” - shop táo mèo nhắn.
Bị phạt tù, không kể khối lượng
Phương thức mua bán hàng cấm này không có gì khác so với các hàng hóa thông thường. "Khi em gửi hàng đi, anh chuyển khoản rồi đón xe ở bến xe nhận và trả cước là xong” - chủ shop bán "ngô non” hướng dẫn. Nếu khách sợ bị lừa, chủ shop này đồng ý với phương án nhận hàng và giao cả tiền hàng và tiền cước cho nhà xe.
Với một gian hàng bán "táo mèo”, chúng tôi thử đặt hàng 30 kg để mua cho "anh em bạn bè cùng dùng chung”. Đang trao đổi liên tục, nhưng thấy tình huống bất thường, nguy hiểm, chủ gian hàng "táo mèo” này lưỡng lự một lát lâu rồi cho biết: "em không bán số lượng lớn” rồi dừng giao dịch.
Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, (Công ty Luật Hưng Nguyên Hà Nội) cho biết, nhiều người hiểu láng máng việc mua bán quả thuốc, cây, giống thuốc phiện là hành vi bị cấm; nhưng rất nhiều người nghĩ rằng sẽ không nguy hiểm như buôn bán ma túy.
"Nhiều người vẫn liều lĩnh bán quả thuốc phiện, có người nghĩ đơn giản là bán một thứ quả ngâm rượu hiếm có, cấm trồng nhưng thực chất đây là hành vi phạm tội buôn bán ma túy” - luật sư Nguyên nói.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho hay, điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), những người mua bán trái phép quả, cây có chứa chất ma túy, không kể số lượng tối thiểu là bao nhiêu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”. Cụ thể, Khoản 1 điều này quy định mức án thấp nhất là 2-7 năm tù. Với số lượng lớn hơn, khung hình phạt sẽ nặng hơn.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cũng cảnh báo, ngoài người bán, những người tham gia vào quá trình mua bán quả, cây, giống thuốc phiện như người vận chuyển, nhà xe, người mua, người mua giống về trồng… cũng sẽ chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
|
(Theo TPO)