Ngày 22-8, phiên tòa xét xử đại án bán rẻ "đất vàng" cho tư nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng ngân sách nhà nước, xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) tiếp tục phần tranh luận.
"Tôi không có động cơ vụ lợi cá nhân"
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trần Thanh Liêm - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho rằng trong quá trình điều tra, bị cáo có khai biết về hợp đồng góp vốn của Tổng công ty 3-2 tại Công ty Tân Phú, cũng như hợp đồng liên danh với Công ty Tân Thành. Còn việc chuyển nhượng 43ha đất cũng như đăng ký biến động 145ha đất sang Công ty Tân Thành thì bị cáo "không biết". Tuy nhiên, cáo trạng lại cáo buộc bị cáo biết việc này. Ông Liêm khẳng định "hoàn toàn không biết việc chuyển nhượng 2 lô đất 43ha và 145ha".
Giải thích thêm về việc này, cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương cho biết ông nhận nhiệm vụ chủ tịch UBND tỉnh vào cuối năm 2015, vì vậy tình hình hoạt động của Tổng công ty 3-2 ông không nắm được. Khi ông làm chủ tịch cũng không được bàn giao cụ thể để quản lý Tổng công ty 3-2.
Ở sai phạm tại khu đất 145ha, ông Liêm thừa nhận "không theo dõi, không thường xuyên kiểm tra việc cổ phần có đúng hay không nên để xảy ra sai sót".
Còn sai phạm tại khu đất 43ha, ông Liêm cho hay khi dự cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy vào ngày 17-4-2017, bị cáo nhận thức rằng chuyển 30% vốn góp từ Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc bằng tiền để lấy tiền đầu tư dự án khác đang thực hiện có hiệu quả.
"Khi đó, thường trực đều thống nhất như thế chứ không ai nói đến việc chuyển nhượng đất. Tổng công ty 3-2 thực hiện không đúng với chủ trương của Tỉnh ủy về việc chuyển nhượng đất. Cá nhân tôi không biết Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng đất", bị cáo Liêm tự bào chữa.
Bị cáo này cũng cho biết thêm khi dư luận phản ảnh bán đất cho tư nhân, Thường trực Tỉnh ủy triệu tập các ban ngành lên để nắm bắt. Sau khi ban, ngành báo cáo có sự việc này, UBND tỉnh đã thành lập thanh tra xác minh để có hướng xử lý.
"Điều này thể hiện thường trực và bị cáo đã có thái độ kiên quyết, dứt khoát khi biết Tổng công ty 3-2 có vi phạm", bị cáo nhấn mạnh.
Cuối phần bào chữa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong viện kiểm sát, HĐXX xem xét tình tiết, tính chất vụ án, bị cáo không có động cơ, lợi ích, vụ lợi cá nhân để "xem xét khoan hồng, cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất, để sớm về với gia đình, xã hội".
Trước đó, ông Liêm bị viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt từ 9 - 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
"Mang toàn bộ sản nghiệp thế chấp để khắc phục hậu quả"
Toàn cảnh phiên tòa.
Cũng tại phần tranh luận, nêu quan điểm bào chữa, luật sư của hai bị cáo Võ Hồng Cường (chủ tịch kiêm giám đốc Công ty CP Hưng Vượng) và Trần Đình Như Ý (vợ bị cáo Cường, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển) cho rằng cả hai bị cáo này có vai trò "không đáng kể” trong hành vi tham ô tài sản.
Họ chỉ tiếp nhận ý chí của bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu chủ tịch Tổng công ty 3-2 - để thực hiện, hoàn toàn không biết đằng sau là kế hoạch chiếm đoạt tài sản.
Tại Công ty Hưng Vượng cũng như Tân Thành, tỉ lệ sở hữu của bị cáo Cường đều thấp hơn bị cáo Minh. Bị cáo Cường là cấp dưới của bị cáo Minh, không có quyền quyết định.
Trong số tiền 815 tỉ đồng tham ô, dòng tiền cho thấy người hưởng lợi là bị cáo Minh và một số bị cáo khác, vợ chồng Cường - Như Ý không được hưởng lợi đồng nào.
Đặc biệt, luật sư cho biết, ngay từ thời điểm chưa khởi tố vụ án, hai bị cáo này cùng những người khác đã tự nguyện khắc phục toàn bộ với số tiền lên tới 964 tỉ đồng, bao gồm cả tiền thiệt hại và lãi phát sinh.
"Gia đình hai bị cáo đã vận động họ hàng, bạn bè, mang toàn bộ sản nghiệp đi thế chấp, vay mượn để lấy tiền khắc phục. Hiện nay hai bị cáo và các pháp nhân liên quan mang tổng dư nợ khoảng 1.100 tỉ đồng, ngày đêm làm ăn trả nợ…", luật sư trình bày quan điểm.
Từ những căn cứ trên, luật sư đề nghị cho hai bị cáo Cường, Như Ý và nhóm bị cáo tội tham ô tài sản được hưởng "chính sách khoan hồng đặc biệt”.
Trước đó, viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Cường mức án 6 - 7 năm tù, bị cáo Như Ý mức án 3 - 4 năm tù, cùng về tội tham ô tài sản.
Theo cáo buộc, năm 2018, để có tiền xử lý dư nợ tại Tổng công ty 3-2, bị cáo Minh chỉ đạo con gái và những người liên quan (trong đó có hai vợ chồng Cường - Như Ý) chuyển nhượng 19% vốn tại Công ty Tân Thành sang cho Tổng công ty 3-2.
Với việc mua 19% vốn điều lệ của Công ty Tân Thành (tương ứng hơn 9,1 triệu cổ phần), Tổng công ty 3-2 bị thiệt hại hơn 815 tỉ đồng. Số tiền này bị các bị cáo chiếm hưởng để chi tiêu vào mục đích cá nhân.
(Theo TTO)