Trung tá Lê Quang Minh - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Yên Bái đưa ra cảnh báo đến người dân về các phương thức các đối tượng thường dùng để phạm tội trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Các đối tượng giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án thông báo người bị hại liên quan đến một vụ án bất kỳ hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, xử lý.
Ngoài ra, các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã pin hoặc thông tin thẻ tín dụng, thông tin công dân để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền.
Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm ứng dụng gián điệp, từ đó đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Một thủ đoạn khác, thông qua mạng xã hội, Facebook, Zalo…, các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương rồi nói đã chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm với số lượng lớn ngoại tệ qua đường hàng không về Việt Nam để tặng.
Tiếp theo, đối tượng sẽ giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một cách khác, đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.
Theo Trung tá Lê Quang Minh, tội phạm sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, sau đó tìm kiếm những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng, sau khi người bán hàng đồng ý, các đối tượng yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản.
Sau khi nhận được thông tin, đối tượng sẽ sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: "Tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền bạn hãy truy cập vào trang website có đường dẫn ở cuối tin nhắn và nhập đầy đủ thông tin như tên tài khoản, số tài khoản, mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”.
Khi bị hại nhập thông tin và mã OTP thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng đó và rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại chuyển đến tài khoản khác để chiếm đoạt. Một cách khác là các đối tượng lừa đảo sử dụng sim điện thoại khuyến mại hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị (như xe máy, điện thoại có giá trị...) rồi yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng bọn chúng chuẩn bị từ trước hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển tiền cho chúng làm thủ tục nhận thưởng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, các đối tượng giả danh các tổ chức tín dụng quảng cáo cho vay tiền dễ, nhiều ưu đãi làm cho người dân tin; sau đó yêu cầu người bị hại chuyển tiền "phí bảo hiểm khoản vay” trước khi nhận được tiền vay để chiếm đoạt tài sản.
Theo Trung tá Lê Quang Minh, người dân không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Liên quan đến tội phạm sử dụng tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhiều người đặt câu hỏi, trong quá trình lừa đảo, bọn tội phạm công khai số điện thoại và số tài khoản ngân hàng (đã là tài khoản ngân hàng luôn rõ tên, tuổi, địa chỉ chủ tài khoản), các nạn nhân đã cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan công an nhưng lực lượng công an vẫn không truy bắt được tội phạm.
Giải đáp thắc mắc này, nhiều trinh sát hình sự cho biết: "Tội phạm luôn sử dụng SIM rác để trao đổi với các nạn nhân hoặc những thuê bao trả trước đã được mua đi, bán lại qua nhiều người, nhiều tỉnh thành. Về số tài khoản, đúng là việc đăng ký mở tài khoản, các tổ chức cá nhân phải cung cấp đủ thông tin như họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại… của chủ tài khoản. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng thuê người không quen biết mở tài khoản với giá vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng… từ những nguyên nhân này nên việc truy xét rất khó khăn. Mỗi người cần đề cao cảnh giác, không nhẹ dạ, cả tin, không hoang mang lo sợ, đặc biệt là không tham lam trước những lời hứa hẹn.
Tấn Đạt