Lừa đảo qua mạng tung chiêu mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2023 | 9:07:23 AM

Dù Công an TP.Đà Nẵng liên tục khuyến cáo, nhưng một bộ phận người dân, chủ quan hoặc muốn có thêm thu nhập trong bối cảnh kiếm tiền khó khăn nên đã sập bẫy.

Một số thông tin mời gọi “hỗ trợ cho vay online”.
Một số thông tin mời gọi “hỗ trợ cho vay online”.

Vay tiền nhưng lại… mất tiền

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP.Đà Nẵng, phổ biến hiện nay là thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền qua mạng. Kẻ gian lập tài khoản Facebook, chạy quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, duyệt hồ sơ qua mạng, giải ngân nhanh... Người vay bị yêu cầu nộp một số tiền nhất định với các lý do đảm bảo khoản vay, các chi phí.

Bên cạnh đó, hình thức đánh cắp thông tin khách hàng để chiếm đoạt tài khoản, rút tiền với thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng, nhân viên cung cấp dịch vụ cũng có "kịch bản" mới: người vay tiền cung cấp hình ảnh 2 mặt CMND, CCCD, sẽ bị thu thập thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng liên kết với tài khoản ví điện tử của đối tượng. Kẻ gian còn yêu cầu người vay cung cấp mã OTP để thực hiện việc liên kết. Và chỉ cần có vậy, chúng đã nhanh chóng xâm nhập tài khoản, rút toàn bộ tiền bằng cách chuyển qua nhiều tài khoản trung gian hoặc "rửa tiền" bằng cách mua hàng.

Đối với hình thức lừa đảo mạo danh cơ quan điều tra, nhà mạng, điện lực… thông báo vi phạm, phạm pháp để yêu cầu nộp tiền bảo lãnh, kẻ gian cũng xài chiêu thức mới là gửi đường link mạo danh Bộ Công an để dụ nạn nhân trình báo. Link này chứa mã độc, thu thập dữ liệu cá nhân, chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng. Đơn cử như trường hợp chị T.O (ngụ P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Chị O là khách hàng của ngân hàng V. chi nhánh Quảng Bình, gửi 4 gói tiết kiệm online tổng cộng 2,5 tỉ đồng. Cuối năm 2022, khi nhận cuộc gọi tự xưng Bộ Công an thông báo rằng chị gây tai nạn bỏ chạy và "triệu tập" chị ra Hà Nội hoặc cung cấp lời khai online, chị chọn hình thức khai báo trực tuyến. Tuy nhiên, sau khi điền thông tin vào link có chứa mã độc, tài khoản của chị bị rút 2,1 tỉ đồng.


Nguyễn Hồng Nam (Hà Nội) bị Công an TP.Đà Nẵng bắt sau khi lừa đảo 25 người, chiếm đoạt 500 triệu đồng bằng chiêu cho vay tiền online.

Tương tự, chị T.H (30 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) bị công an "dỏm" gọi điện yêu cầu tải ứng dụng mạo danh Bộ Công an để cung cấp lời khai qua mạng. "Ban đầu họ xưng là bên bưu cục nói tôi gửi ngà voi ra nước ngoài, rồi nối máy cho công an đòi bắt tôi về tội rửa tiền. Tôi sai lầm cài 3 ứng dụng lạ theo yêu cầu để cung cấp thông tin tài khoản, liền bị rút sạch 1 tỉ đồng trong tài khoản", chị T.H kể.

Cẩn thận, cảnh giác

Trước các hình thức lừa đảo trên mạng ngày càng phức tạp, theo trung tá Nguyễn Đức Thành, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP.Đà Nẵng, người dân không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai nếu chưa rõ nhân thân, lai lịch và không truy cập vào các đường link lạ. "Người dân cũng phải thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật trên các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân", trung tá Nguyễn Đức Thành nói.

Lừa đảo qua mạng đang ngày càng tinh vi. Như trường hợp chị T.T.M (ngụ Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) ban đầu cũng cảnh giác với thủ đoạn mạo danh công an lừa qua điện thoại, nhưng khi kẻ gian đọc vanh vách thông tin cá nhân, người thân, nơi công tác, học tập từng thành viên trong nhà thì chị không còn nghi ngờ. Do đó, chị cung cấp thông tin tài khoản trên ứng dụng lừa đảo và nhanh chóng bị… rút sạch 1,6 tỉ đồng. Theo một điều tra viên Công an Q.Ngũ Hành Sơn, có thêm nhiều người khác cũng nhẹ dạ khi kẻ gian nắm rõ thông tin, lai lịch gia đình, vốn dĩ rất dễ bị thu thập thông qua mạng xã hội.

Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP.Đà Nẵng, khuyến cáo thêm rằng, người dân cần nắm rõ về việc cơ quan điều tra chỉ làm việc với công dân tại trụ sở, không làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội, công dân không nên vay tiền người lạ, nhất là vay qua mạng.

Vay xong rồi… bỏ trốn

Nhiều vụ lừa đảo lớn tại TP.Đà Nẵng vừa qua diễn ra theo "kịch bản": Ban đầu người vay trả đúng hạn, nhưng tiếp đó đưa ra thông tin hấp dẫn về lãi cao, dự án tốt, sản phẩm tiềm năng… Kẻ gian sau khi lấy được tiền vay đã sử dụng sai mục đích, bỏ trốn. Do đó Công an TP.Đà Nẵng khuyến cáo người cho vay cần xác minh kỹ thông tin người vay, giám sát mục đích sử dụng tiền vay.

(Theo TNO)

Các tin khác
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đọc quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với ông Trương Minh Hiến.

Ông Trương Minh Hiến, cựu Phó Chủ tịch tỉnh và ông Vũ Hữu Song, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Hà Nam vừa bị khởi tố trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Đối tượng N.C.H (bên trái) tại cơ quan Công an.

Đối tượng N.C.H, sinh năm 1986, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người dưới hình thức góp vốn mua nhà phát mãi.

Ông T. tại cơ quan công an. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh

Hôm nay (14/2), Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa phối hợp với Công an TP Hà Nội xử lý một trường hợp đăng thông tin sai sự thật về Thiếu tướng Đinh Văn Nơi.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An thi hành Lệnh khám xét tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án đưa, nhận và môi giới hối lộ, khởi tố và tạm giam 11 bị can là lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An về tội “Nhận hối lộ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục