Mối làm ăn… từ trên trời rơi xuống
Ngày 13-12-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Armand Willy Asse (SN 1972) và Nanga Onguene Xavier (SN 1989) cùng mang quốc tịch Cameroon, ở tại ngõ 535 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. \
Theo tài liệu điều tra, ngày 30-11-2024, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận tố giác của anh V (SN 1985, ở thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) về việc bị 2 đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt 548 triệu đồng dưới hình thức hợp tác đầu tư, phân phối ngọc trai do anh V sản xuất.
Sau khi tiếp nhận đơn tố giác, cơ quan điều tra đã khẩn trương xác minh, làm rõ sự việc. Tuy nhiên, do các đối tượng là người nước ngoài và liên tục thay đổi địa điểm nên việc truy bắt hết sức khó khăn. Quá trình truy vết đối tượng từ khi tiếp nhận tin tố giác đến cuối ngày 3-12-2024, Công an quận Tây Hồ đã truy tìm được nhóm người này khi đang thuê trọ tại địa bàn phường Kim Mã, quận Ba Đình.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã dùng thủ đoạn giả làm nhà đầu tư từ Pháp muốn sang Việt Nam tìm đối tác làm ăn nên mang theo số lượng lớn đô la Mỹ. Tuy nhiên, để không bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và thu giữ nên 2 đối tượng đã ngụy trang bằng cách nhuộm đen đô la Mỹ bằng hóa chất để "qua mặt” cơ quan kiểm soát sân bay. Nhằm lấy lòng tin của nạn nhân, mỗi lần bàn bạc việc "làm ăn”, các đối tượng đã thuê phòng tại khách sạn Daewoo Hà Nội để hẹn nạn nhân đến giao dịch. Thậm chí, các đối tượng còn vào tận trang trại của anh V ở Ninh Bình để "thị sát” quy mô làm ăn, rồi trao đổi "đầu tư” tiền cho nạn nhân. Khi nắm thóp được đối tác thích làm ăn lớn, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân chuẩn bị văn bản, thủ tục hợp tác như thật và hẹn ngày ra Hà Nội để nhận "đô la Mỹ”.
Ngày 30-11, Armand Willy Asse và Nanga Onguene Xavier hẹn anh V ra Hà Nội để làm thủ tục nhận tiền tại khách sạn trên địa bàn quận Tây Hồ. Tại đây, đối tượng chỉ vào hộp giấy nói rằng "đô la Mỹ cất trong đó và giải thích do phải nhuộm đen số ngoại tệ này thì mới vận chuyển qua cửa khẩu sân bay được trót lọt. Để tẩy được màu đen nhuộm trên đô la Mỹ cần phải có tiền Việt Nam mệnh giá 500.000 đồng với số lượng tương ứng (1 tờ đô la Mỹ cần 1 tờ tiền 500.000 đồng) vì trong tiền Việt Nam có chứa "thủy ngân đỏ” giúp rửa "tiền bẩn” thành "tiền sạch”.
Các đối tượng giải thích với anh V là dùng bột đặc dụng để ủ vào tờ tiền Việt Nam nhằm hút "thủy ngân đỏ” ra, sau đó rắc chúng vào tờ đô la Mỹ bị nhuộm đen là sẽ tẩy được tờ tiền về lúc ban đầu. Để anh V tin tưởng, các đối tượng đã mang theo công cụ gọi là "máy ủ đô la Mỹ” để thực nghiệm cho anh V xem. Đồng thời, nhóm này hứa hẹn nếu nạn nhân cho mượn tiền Việt để tẩy đô la Mỹ thì sẽ cho hưởng 15% số tiền được phục hồi nguyên trạng.
Trước khi thuyết phục anh V mang số tiền lớn đến để "phục hồi” đô la Mỹ, các đối tượng đã thao tác để nạn nhân chứng kiến "sự thật”. Cụ thể, chúng rắc chất bột màu trắng (giống bột làm bánh mì) lên tờ "đô la đen”, sau đó ủ ít phút cùng với tờ tiền Việt Nam của anh V đưa cho mượn, rồi tiếp tục ngâm tờ "đô la đen” vào chậu "hóa chất”. Trước sự chứng kiến của anh V, tờ "đô la đen” đã được tẩy trắng thành tờ đô la Mỹ thật.
Bài học của lòng tham
Bị thuyết phục bởi màn "ảo thuật” này, anh V đã mang số tiền 550 triệu đồng đưa cho các đối tượng sử dụng để "tẩy đô la Mỹ”. Lợi dụng lúc "ủ bột”, Armand Willy Asse và Nanga Onguene Xavier đã tráo tiền của anh V và chiếm đoạt 548 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân, các đối tượng đã sử dụng để mua đô la Mỹ hết.
Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan điều tra đã thu giữ 6.400 đô la Mỹ và 43 triệu đồng, số còn lại chúng khai đã gửi về quê nhà cho người thân. Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận 2 tờ đô la Mỹ dùng để thực hiện màn "ảo thuật” cho anh V xem là tiền thật, nhưng đã được quét qua một lớp hóa chất. Chính vì vậy, khi bỏ vào nước xà phòng thì sơn sẽ bong ra nên anh V đã tin tưởng đưa tiền.
Theo điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án, thủ đoạn của Armand Willy Asse và Nanga Onguene Xavier là rất cũ, nhiều năm về trước đã xảy ra các vụ lừa đảo tương tự. Trong vụ án này, chính sự cả tin và hám lợi của nạn nhân là nguyên nhân khiến họ bị sập bẫy. Bởi trong khi tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo, không khó để phát hiện cái gọi là "máy ủ tiền” thực tế chỉ là máy đánh giày được chia làm 2 ngăn và dán giấy sơ sài. Khi tội phạm cho tiền Việt Nam vào máy để "ủ”, chúng thực chất chỉ bật máy sấy tóc để phát tiếng ồn, đồng thời đặt thời gian dài để nạn nhân mất tập trung nhằm tranh thủ tráo tiền thật. Khi tráo thành công, nhóm lừa đảo nói với nạn nhân là do số đô la Mỹ quá nhiều nên phải mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Chúng dặn họ cứ ngồi trong phòng trông tài sản để ra ngoài mua đồ ăn rồi… biến mất. Sau khi chờ đợi hơn 2 giờ mà không thấy 2 "đối tác” quay lại, nạn nhân kiểm tra và chỉ thấy máy sấy tóc hoạt động trong hộp máy đánh giày với mấy bọc bột mì…
Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) cho biết, vụ án xảy ra tại địa bàn quận Tây Hồ là mánh khóe lừa đảo đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1998 và thời gian gần đây lại tái diễn. Tuy nhiên, hiện các đối tượng đã tinh vi hơn ở chỗ dùng chiêu thức kêu gọi hợp tác đầu tư. Những mánh lới lừa đảo của các "phù thủy đô la” được biết đến rộng rãi là vào năm 2004, khi Tòa án nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử và tuyên phạt 2 bị cáo người nước ngoài gồm Simo và Tala (cùng quốc tịch Cameroon, nhập cảnh vào Việt Nam giữa năm 2003 với mục đích lừa đảo) mức án lần lượt là 7 và 6 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Năm 2003, CATP Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng là Anthony Stanlex (SN 1968, quốc tịch Jamaica) và Chambo Charle (SN 1975, quốc tịch Mozambique) trong lúc chúng đang giở trò lừa đảo dùng hóa chất biến giấy đen thành tờ 20 đô la Mỹ để chiếm đoạt tài sản của một nạn nhân người Việt Nam. Kiểm tra nơi ở của 2 đối tượng, cơ quan công an đã thu giữ một bản hướng dẫn quy trình tẩy rửa "đô la đen” bằng tiếng Anh và một số lọ hóa chất. Các đối tượng sau đó đã bị trục xuất.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo, loại tội phạm nêu trên đã từng hoạt động ở nhiều nước trên thế giới với những vụ án lớn. Có những vụ các đối tượng lừa đảo bị bắt giữ, xử lý trước pháp luật, nhưng có vụ nạn nhân không đến trình báo vì xấu hổ. Tại Hà Nội, đã nhiều lần các cơ quan công an cảnh báo về thủ đoạn này, song vẫn có người mắc bẫy do thiếu cảnh giác và lòng tham. Đây là một bài học tuy không mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Nêu các thủ đoạn lừa đảo trên để người dân cảnh giác, nhất là khi loại tội phạm này đang xuất hiện trở lại với thủ đoạn "hợp tác đầu tư”.
(Theo ANTĐ)