"Cú đúp vàng" của cử tạ Việt Nam không quá bất ngờ

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/8/2017 | 8:44:07 AM

Không quá khi nói rằng ​ngày 28/8 là một "ngày vàng” của cử tạ Việt Nam, khi cả Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh đều giành huy chương vàng trong cả 2 nội dung thi đấu, thậm chí Văn Vinh còn xuất sắc phá kỷ lục SEA Games.

VĐV Thạch Kim Tuấn (Việt Nam) thi đấu chung kết nội dung Cử tạ hạng 56 kg nam.
VĐV Thạch Kim Tuấn (Việt Nam) thi đấu chung kết nội dung Cử tạ hạng 56 kg nam.

Ngoài ra, đoàn Thể thao Việt Nam còn có thêm 3 huy chương bạc từ đội tuyển thể dục nghệ thuật và đội taekwondo cùng 3 huy chương đồng từ đội tuyển cầu lông và muay.

​Trước đó, rất ít người nghĩ rằng vận động viên Trịnh Văn Vinh của Việt Nam sẽ đánh bại được Eko Yuli Irawam - vận động viên Indonesia từng đoạt huy chương bạc Olympic 2016, để giành huy chương vàng cử tạ hạng cân 62kg.

Tuy nhiên, trưởng bộ môn cử tạ của Tổng cục Thể dục thể thao đồng thời là lãnh đạo đoàn cử tạ Việt Nam tại SEA Games 29, ông Đỗ Đình Kháng lại không hề cảm thấy bất ngờ.

Ông Kháng chia sẻ: "Thành tích của Trịnh Văn Vinh có tính hệ thống chứ không phải là bột phát”.

Ông Kháng không hề nói quá lời, bởi theo những nhà chuyên môn thì cái tên Trịnh Văn Vinh hoàn toàn không xa lạ, dù rằng vận động viên này có thể không nổi tiếng như Trần Lê Quốc Toàn hay Thạch Kim Tuấn.

Ở giải cử tạ vô địch châu Á - vòng loại Olympic 2016 diễn ra ở Tashkent (Uzbekistan) vào cuối tháng 4/2016, Trịnh Văn Vinh đã xuất sắc giành huy chương vàng cử đẩy và huy chương bạc tổng cử hạng cân 62kg, cũng là hạng cân mà Vinh đã lập nên chiến công ở SEA Games 29.

Cũng có một số ý kiến cho rằng giải vô địch châu Á năm 2016 thiếu vắng một số đối thủ đến từ Trung Quốc, Triều Tiên và Thái Lan nên Trịnh Văn Vinh mới có thể toả sáng, nhưng thực tế là ở Tashkent hồi tháng 4/2016 vẫn có sự xuất hiện của một số vận động viên sừng sỏ từ Nhật Bản, Iraq hay chủ nhà Uzbekistan.

Giống như cuộc cạnh tranh huy chương vàng SEA Games 29 đầy kịch tính vào chiều 28/8, cái cách mà Trịnh Văn Vinh khẳng định tên tuổi ở giải vô địch châu Á năm 2016 cũng bất ngờ và thót tim chẳng kém.

Ở nội dung cử giật, Vinh chỉ xếp hạng 4 với thành tích 124kg, kém tới 6kg so với thành tích của Itokazu Yoichi, lực sỹ người Nhật Bản đã giành huy chương vàng, và kém 1kg so với thành tích của 2 vận động viên về nhì và ba với cùng thông số 125kg là Ali Mohammed Ridha (Iraq) và Ergashev Adkhamjon (Uzbekistan).

Tuy nhiên, khi chuyển sang thi đấu nội dung cử đẩy, Vinh đã giật luôn huy chương vàng ngay ở lần cử thứ 2 khi anh nâng được 158kg, bằng với người cao nhất là Itokazu Yoichi. Nhưng do có hiệu số phụ tốt hơn (nhẹ hơn đối thủ người Nhật Bản 0,2kg) nên Vinh đã có huy chương vàng cử đẩy.

Rất tiếc là ở lần cử tạ thứ 3 với khối lượng 164kg (vừa đủ để Vinh giành huy chương vàng tổng cử) thì anh lại thi đấu không thành công, buộc phải nhường huy chương vàng tổng cử cho Itokazu Yoichi với thành tích 288kg, còn Vinh về nhì với thành tích 282kg.

Còn tại nhà thi đấu MITEC ở Kuala Lumpur vào chiều 28/8, Trịnh Văn Vinh cũng "chấp” Eko Yuli Irawan ở nội dung cử giật, khi anh thua á quân Olympic người Indonesia tới 5kg.

Tuy nhiên khi bước sang nội dung cử đẩy, Vinh đã thành công trong lần đẩy thứ 2 ở mức 172kg, giành huy chương vàng với tổng cử là 307kg, nhiều hơn đúng 1kg so với Eko, đồng thời phá kỷ lục SEA Games ở nội dung cử đẩy và tổng cử.

Đánh giá về thành tích này, ông Đỗ Đình Kháng nhấn mạnh: "Eko không phải là vận động viên tầm khu vực mà là ở tầm châu lục và thế giới khi 2 kỳ Olympic đều đạt huy chương ở hạng cân 62kg. Hôm nay chúng ta vượt qua được vận động viên này và lập 2 kỷ lục, có thể nói đây là thành tích hết sức vĩ đại và cũng rất bất ngờ với cử tạ Việt Nam”.

Phân tích thêm về nguyên nhân chiến thắng của Trịnh Văn Vinh, ông Kháng cho rằng vì Eko có phần đã lớn tuổi (28 tuổi) và đạt được nhiều thành tích nên chủ quan, còn bản thân Trịnh Văn Vinh vừa có năng lực lại vừa hưng phấn nên lập được thành tích ngoài mong đợi.

Ông Kháng rất vui mừng khi ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, cử tạ Việt Nam đã đoạt được 2 huy chương vàng do công của Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh, vượt chỉ tiêu 1 huy chương vàng mà đội tuyển cử tạ Việt Nam đã đặt ra trước ngày lên đường.

Ông Kháng cũng tin tưởng rằng nhân đà hưng phấn này thì đội tuyển cử tạ Việt Nam sẽ tiếp tục thi đấu thành công ở những nội dung còn lại của SEA Games 29.

Ngày 29/8, đội tuyển cử tạ Việt Nam sẽ tiếp tục xuất trận ở các hạng cân 69kg nam của Phạm Tuấn Anh và 77kg nam của Nguyễn Hồng Ngọc.
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Tiến Minh chia tay SEA Games 29.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh đã kết thúc hành trình của mình tại SEA Games 29 (tổ chức tại Malaysia) bằng tấm huy chương đồng nội dung đơn nam môn cầu lông khi để thua ở bán kết.

Chinh (số đeo 617) và đội điền kinh tiếp sức nữ 4x100m giành HCV tại SEA Games 29.

Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II kiêm phó trưởng đoàn thể thao Việt Nam (VN) Nguyễn Trọng Hổ giải thích: một trong những nguyên nhân giúp điền kinh VN soán ngôi Thái Lan (9 HCV) để dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 2017 với 17 Huy chương vàng (HCV) là nhờ chọn Mỹ tập huấn, thay vì Trung Quốc như trước đây.

VĐV như Ánh Viên.

Một vận động viên (VĐV) đạt được 3 Huy chương vàng SEA Games đã quá tuyệt vời, vậy mà Ánh Viên giành 8 Huy chương Vàng, 4 kỷ lục thì thể thao Việt Nam không biết bao giờ mới có một VĐV như vậy.

Thạch Kim Tuấn đã giành Huy chương vàng  (HCV) hạng cân 56 kg nam môn cử tạ, với thành tích tổng cử 269 kg.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục