Đỉnh vinh quang đôi khi ở ngay trước mắt nhưng trong những năm qua, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ với tới. Trong "trận chiến" phủ đầy tuyết ở Thường Châu, chúng ta rơi lệ dù từng ở rất gần "thiên đường". Lứa thế hệ vàng của thầy Park là lứa dám chơi, dám thất bại, dám bước qua nó… Giờ đây, khi đã rơi quá nhiều nước mắt, chúng ta đã đến lúc "ngẩng đầu" đón nhận niềm vui…
Nền bóng đá hồi sinh trên đôi chân của thế hệ vàng
Có những "cái chết" để "ươm mầm" cho sự sống. Phải đi qua "đêm dài", người ta mới tìm thấy "ánh sáng của bình minh". Bóng đá Việt Nam đã từng sống trong những tháng ngày tăm tối như vậy. Nhưng giờ đây, chúng ta đang tận hưởng không khí của "sự sống", trong "ánh bình minh" ngập tràn.
Người viết từng có mặt trên sân Mỹ Đình trong trận đấu giữa Việt Nam và Iraq vào năm 2015 (vòng loại World Cup 2018). Nhưng ở thời điểm ấy, "pháo đài" Mỹ Đình "nguội tanh nguội ngắt". Chỉ có khoảng 1.000 người chứng kiến trận đấu ấy. Nên nhớ, đó là trận đấu mà chúng ta suýt thắng cường quốc bóng đá ở châu Á.
"Hoài nghi" - đó là tâm trạng của nhiều người Việt Nam từng trải qua. Sau thành công ở AFF Cup 2008, chưa bao giờ, đội tuyển quốc gia nước nhà mang tới niềm tin đủ lớn, để kéo người hâm mộ tới sân. Những "cú ngã" ở bán kết AFF Cup 2014 hay 2016 (sau những sai lầm chết người) lại càng khiến sự hoài nghi đó dâng cao.
Ngược dòng thời gian trở lại năm 2014 (tức trước trận Việt Nam - Iraq 1 năm), cũng trên sân Mỹ Đình, hơn 40.000 CĐV như thể đã khiến "chảo lửa" ấy nổ tung trong trận đấu ở giải… giao hữu giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản. Đó là khi người ta thấy "sự sống" bắt đầu được hồi sinh ở giữa "thời khắc đen tối" nhất của bóng đá Việt Nam.
Thực tế, những người hâm mộ Việt Nam "công bằng" lắm. Từ tận sâu trái tim, họ cảm nhận được cái đẹp và hết mình ủng hộ nó. Thứ tình yêu ấy đôi khi phải khiến nhiều người phải hy sinh cả tháng lương (vé chợ đen) chỉ để sở hữu tấm vé theo dõi đội tuyển.
Những khoảnh khắc đẹp của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á
Bóng đá Việt Nam đã hồi sinh từ "hạt mầm" ấy. Đó là thế hệ trẻ mà sau này, báo nước ngoài đã gọi là thế hệ vàng của Việt Nam. Để rồi, tới năm 2016, lứa thế hệ U19 ấy đã làm nên điều kỳ diệu khi giành vé tham dự World Cup U20. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam góp mặt ở giải đấu tầm cỡ thế giới. Đó là vinh dự mà ngay cả Thái Lan vẫn chưa một lần đạt tới.
Và rồi, niềm tự hào mang tên Việt Nam lại cất cao ở giải U23 châu Á và Asiad 2018. Bóng đá Việt Nam tựa như bước sang mới, với đầy màu sắc và sức sống hơn. Thế hệ vàng của chúng ta cũng vì thế gây tiếng vang lớn không chỉ ở khu vực châu Á mà còn cả thế giới.
Còn nhớ, nhật báo lớn của Tây Ban Nha, Marca từng gọi đội tuyển Việt Nam là "yếu nhất thế giới". Nhưng sau giải U23 châu Á, tờ báo ấy cũng đã dành những mỹ từ để nói về câu chuyện cổ tích của thầy trò HLV Park Hang Seo ở Trung Quốc.
Nỗi đau khôn tả trong "trận chiến" Thường Châu
Trong trang sử hào hùng của bóng đá Việt Nam, "trận chiến Thường Châu" (tức trận chung kết U23 châu Á 2018) sẽ mãi lưu danh. Nhưng đó là kỷ niệm vừa đẹp, vừa buồn. Trong ngày tuyết rơi phủ trắng Thường Châu, người ta đã thấy những trái tim quả cảm, những trái tim chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo dân tộc.
Hình ảnh tuyệt đẹp của U23 Việt Nam trong "trận chiến tuyết" ở Thường Châu
Người hâm mộ sẽ còn nhớ mãi hình ảnh các đồng đội cào tuyết cho Quang Hải thực hiện cú đá phạt. Đó là còn là hình ảnh không thể phai nhòa, khi các chiến binh của chúng ta cùng nhau ăn mừng bàn thắng của Quang Hải. Màu đỏ của sắc áo - màu bất khuất của dân tộc Việt Nam - hòa cùng màu trắng của tuyết, tạo nên bức tranh "đẹp chưa từng thấy".
Nhưng trong trang sử ấy, người ta còn thấy những giọt nước mắt, những đôi chân ngã quỵ vì nỗi đau. Bàn thắng ở phút 119 của U23 Uzbekistan như định mệnh, khiến cho những giấc mơ của người Việt Nam tan vỡ. Chưa bao giờ, chúng ta ở gần đỉnh vinh quang ở giải đấu cấp châu lục tới vậy nhưng đáng tiếc, nó… vẫn chỉ là giấc mơ.
Như chia sẻ của Xuân Trường trong buổi giao lưu trực tuyến với báo Dân Trí hồi tháng 1: "Cả đội không hề ngại phải thi đấu dưới trời mưa tuyết. Toàn đội hiểu rằng cần phải nỗ lực hết mình và không được phép đổ tại cho hoàn cảnh".
Phải thừa nhận rằng, thế hệ "mầm ươm" của Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải là thế hệ bất khuất và kiên cường. Trước giải đấu, chẳng ai có thể hình dung ra được họ có thể lọt sâu tới vậy. Những chiến thắng trước U23 Australia, U23 Iraq, U23 Qatar (đặc biệt là 2 trận thắng U23 Iraq, U23 Qatar ở loạt sút luân lưu) đã minh chứng cho điều ấy. Chẳng có điều gì khiến họ phải sợ hãi, chùn bước.
Bởi lẽ đó, cơn mưa tuyết ở Thường Châu chỉ tô điểm thêm cho sự kiên cường ấy. Với điều kiện khắc nghiệt như vậy, họ đã thi đấu kiên cường trong 120 phút trước U23 Uzbekistan quả thực là điều kỳ diệu. Ai cũng hiểu, những đôi chân ấy đã mỏi mệt nhưng người ta lại không thấy dấu hiệu nào trên gương mặt của các cầu thủ.
Hình ảnh bi tráng cuối cùng ở Thường Châu, đó là khi Duy Mạnh cắm lá quốc kỳ Việt Nam trên tuyết. Người ta đã phát khóc khi thấy Duy Mạnh lặng lẽ cúi đầu trước lá quốc kỳ ấy trước khi rời khỏi sân vận động. Cũng như những chiến binh Việt Nam, lá cờ ấy vẫn tung bay bất chấp thời tiết khắc nghiệt.
Và thật may mắn cho bóng đá Việt Nam, nỗi đau ấy không thể dập tắt thế hệ vàng. Sau đó, họ đã xuất sắc lọt vào bán kết Asiad 2018. Và giờ đây, họ lại hiên ngang bước vào trận chung kết AFF Cup 2018 với hy vọng làm nên lịch sử.
Vinh quang "đổi màu" với bóng đá Việt Nam?
Có thực tế rằng, lịch sử chỉ lưu danh những người chiến thắng. Bóng đá thế giới từng chứng kiến Hungary "san bằng tất cả" ở thập niên 50 thế kỷ trước nhưng rồi, mọi thứ gần như bị xóa sạch chỉ sau đúng 1 thất bại đau đớn trước Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1954. Bóng đá Hà Lan mãi chỉ mang vẻ đẹp của kẻ thất bại khi chưa từng lên ngôi ở World Cup. Hay như Messi mãi vẫn chỉ là "kẻ về nhì" sau Maradona (với dân tộc Argentina) ngay cả khi anh đã gánh vác đội tuyển Argentina giành ngôi á quân World Cup 2014
Đã đến lúc đội tuyển Việt Nam đổi màu tấm huy chương
Trong lịch sử vàng của bóng đá Việt Nam, thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức vẫn được xem là thế hệ vàng. Nhưng "chất vàng ròng" ấy vẫn bị lãng quên khi người ta nhắc tới lịch sử của AFF Cup. Thất bại trong trận chung kết Tiger Cup 1998 đã khiến họ đánh mất quá nhiều. Ở chiều ngược lại, Công Vinh vẫn được báo nước ngoài nhắc tới như huyền thoại của bóng đá Việt Nam nhờ cú đánh đầu định mệnh mang về chức vô địch AFF Cup 2018.
Lịch sử đôi khi "phũ phàng" như vậy. Cũng như khi lứa của Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải… thất bại ở Thường Châu. Nhiều năm sau này, lịch sử (hay những tờ báo nước ngoài) sẽ lãng quên chiến tích lừng lẫy của họ, ngay cả khi họ đã mang về vinh quang cho dân tộc. Vinh quang nhiều khi chỉ được ghi nhận bằng… tấm huy chương vàng. Còn lại, nó có thể trôi vào hư vô.
Hôm nay, lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam đang đứng ở rất gần "màu vàng" mà họ cũng như 90 triệu con tim Việt Nam vẫn hằng mong ước. 90 phút ở Mỹ Đình chưa bao giờ dài tới vậy. Bởi lẽ, những người Việt Nam đã chờ 10 năm để chứng kiến khoảnh khắc vinh quang ấy.
Trong buổi họp báo hôm qua, HLV Park Hang Seo đã ngồi ngay cạnh chiếc cúp vàng AFF Cup 2018. Ống kính máy quay đã phát hiện ra ông liên tục "liếc" chiếc cúp ấy. Rõ ràng, ông cũng như các cầu thủ đang thực sự "thèm" vinh quang. Đó sẽ là vinh quang "màu vàng" chứ không đượm buồm như ở Thường Châu.
HLV Park Hang Seo từng nhắn nhủ học trò: "Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu". Có lẽ, đây là thời điểm thích hợp để lứa học trò của ông "ngẩng đầu" đón nhận vinh quang.
Bỏ lại sau lưng quá nhiều nỗi đau và giọt nước mắt, họ xứng đáng được ghi nhận bằng một danh hiệu. Chưa bao giờ, thời cơ lớn như thời điểm này. Nhưng thử thách cuối cùng luôn cam go. 90 phút sắp tới sẽ là thời điểm mà những chiến binh Việt Nam cần tập trung cao độ và giữ bầu nhiệt huyết, ý chí chiến thắng.
TIẾN LÊN VIỆT NAM!
(Theo Dân Trí)