Năm Canh Tý, thể thao cũng như nhiều khía cạnh khác của cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Hàng loạt giải đấu của châu lục hay thế giới đều đã bị hủy hoặc hoãn lại.
Nằm trong vòng xoáy đó, thể thao Việt Nam cũng không thể "tung cánh” dù kết thúc năm 2019 với hàng loạt những mục tiêu, tham vọng giành thành tích cao trong năm 2020.
Thế nhưng, thể thao Việt Nam không vì thế mà "chết lặng” trong 365 ngày qua. Những thành công vẫn tới nhờ nỗ lực của toàn ngành cũng như sự quyết liệt chống dịch của toàn hệ thống chính trị... Và, năm Tân Sửu, thể thao Việt Nam được hứa hẹn sẽ tung cánh mạnh mẽ.
Những thành tích đáng nể
Năm 2020, Tổng cục Thể dục thể thao tập trung công tác chuẩn bị lực lượng tham dự vòng loại Olympic, Paralympic Tokyo, SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 năm 2021 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới. Do dịch bệnh COVID-19, từ tháng 2/2020, Tổng cục chỉ cử các vận động viên tham dự vòng loại Olympic, Paralympic và sau đó thì không cử đoàn thể thao đi tập huấn và thi đấu nước ngoài từ tháng 4/2020.
Dẫu vậy, những thành tích tốt vẫn tới. Tổng số 148 giải thể thao quốc gia, 16 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao được tổ chức đảm bảo biện pháp phòng, chống COVID-19. Trong tình hình dịch bệnh, Tổng cục Thể dục thể thao đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức các hoạt động chuyên môn để đảm bảo hệ thống giải thể thao quốc gia đều diễn ra theo đúng kế hoạch, đạt kết quả cao.
Đáng chú ý, thể thao Việt Nam đã tham dự 18 cuộc thi đấu quốc tế, giành được 26 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 8 huy chương đồng trong năm 2020. Những thành tích nổi bật có thể kể tới như: Đội tuyển Cử tạ tham dự giải vô địch thanh thiếu niên và trẻ châu Á tại Uzbekistan đã giành 13 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng. Trong đó, vận động viên Đỗ Tú Tùng xuất sắc giành 6 Huy chương vàng ở hạng cân 55kg và phá một kỷ lục thế giới ở nội dung cử giật.
Hay như tại giải Boxing vòng loại Olympic khu vực châu Á tại Jordan, vận động viên Nguyễn Văn Đương đoạt Huy chương Đồng, qua đó chính thức giành suất tham dự Olympic Tokyo. Còn ở cúp Bắn cung châu Á tại Thái Lan, các vận động viên Việt Nam thu về 3 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo ở các môn: Bắn cung (2 suất), Boxing (1 suất), Thể dục dụng cụ (1 suất), Bơi (1 suất).
Đặc biệt, trong năm qua, thể thao Việt Nam vẫn đã làm tốt nhiệm vụ chuẩn bị chu đáo cho SEA Games 31 diễn ra tại dải đất hình chữ S vào cuối năm 2021 bất chấp khó khăn từ dịch COVID-19.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Trần Đức Phấn chia sẻ: "Với vai trò là cơ quan thường trực Ban tổ chức SEA Games và ASEAN Para Games 11, Tổng cục đã triển khai nhiều hạng mục công việc từ rất sớm. Cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị vẫn được tiến hành bình thường.”
"Chúng tôi tiếp tục triển khai nâng cấp một số công trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý như trường bắn ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, bể bơi quốc gia và trường Đại học Thể dục Thể Thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Như vậy, dự kiến 11 địa phương và Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn tất cơ sở vật chất vào tháng 9/2021 để có thể đưa vào thi đấu thử nghiệm ở các giải tiền SEA Games 31,” ông Phấn cho biết.
Năm Tân Sửu: Điểm nhấn SEA Games 31
Trong năm 2021, thể thao Việt Nam hướng tới hai giải đấu lớn là SEA Games 31 và Olympic Tokyo. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao khẳng định: "Về chuyên môn, ngành thể thao phải chuẩn bị tốt cho việc tổ chức SEA Games đồng thời cũng phải hướng tới Thế vận hội Olympic. Cả hai nhiệm này cần được chuẩn bị song song với nhau. Tới thời điểm này, tất cả những vận động viên dự kiến nằm trong nội dung thi đấu của cả hai đấu trường quan trọng đều đã sẵn sàng.”
Thể thao Việt Nam vừa đặt thành tích sẽ là nằm tốp 3 trong bảng tổng sắp huy chương ở SEA Games 31 trên sân nhà. Đây không phải nhiệm vụ quá khó bởi tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019, Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, giành về 98 tấm Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc và 105 Huy chương đồng. Thành tích này giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan, đứng thứ hai trên bảng xếp hạng và chỉ đứng sau nước chủ nhà Philippines.
Tuy vậy, tham vọng của ngành thể thao tại kỳ Đại hội thể thao khu vực trên sân nhà còn lớn hơn thế. Tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam tổ chức tất cả các nội dung thi đấu của các môn thi. Đây là điều chưa bao giờ diễn ra ở các kỳ đại hội trước đây.
Bởi thế, vận động viên Việt Nam sẽ tham dự hết tất cả các nội dung, trong đó gồm cả những nội dung mà chúng ta ít thi đấu trước đây. Sự đột phá này sẽ mang đến cho SEA Games 31 một cú hích mang tính lịch sử, nhằm tiệm cận được phong cách tổ chức của hai đại hội thể thao tầm cỡ thế giới và châu lục là Olympic và ASIAD. Việc tham dự đủ hết các nội dung cũng là cơ hội để các vận động viên cọ xát cả về thể lực, kỹ chiến thuật và đặc biệt là tâm lý và kinh nghiệm thi đấu.
Đặc biệt, ông Trần Đức Phấn khẳng định đã quán triệt tới từng vận động viên, từng bộ môn để tiến hành một kỳ SEA Games "sạch” theo đúng nghĩa.
Trong khi đó, ngoài mục tiêu lớn ở hai giải đấu quan trọng trên, ngành thể thao đặt mục tiêu tổ chức, điều hành 175 giải thể thao trong nước và quốc tế tại Việt Nam, đồng thời mở 36 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đáng chú ý, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ đạo tổ chức tốt V-League 2021 trước thách thức dịch COVID-19 và chuẩn bị chu đáo cho đội tuyển Việt Nam dự các trận thuộc vòng loại World Cup khu vực châu Á và SEA Games 31.
(Theo Vietnam+)