Ghi bàn: Al-Dawsari 55' (phạt đền), Al-Shahrani 67', Al-Shehri 79' (phạt đền) - Quang Hải 3'.
Thẻ đỏ: Duy Mạnh 54'.
Đầu hiệp hai, khi Việt Nam dẫn 1-0, Al-Ghanam thoát xuống ở cánh phải rồi chuyền ngang cho Al-Faraj dứt điểm khi Bùi Tấn Trường đã bỏ khung thành. Duy Mạnh lăn xả cản phá. Bóng đập đùi rồi trúng tay trung vệ Việt Nam. Trọng tài không thổi phạt nhưng sau khi được VAR tư vấn, ông quyết định cho Saudi Arabia hưởng phạt đền rồi rút thẻ vàng thứ hai với Duy Mạnh - người chỉ trước đó một phút bị phạt vì lỗi phản ứng trọng tài. Trên chấm 11m, Al-Dawsari đánh lừa Tấn Trường bằng cú sút sệt vào góc phải, để gỡ hòa cho Saudi Arabia.
Đây chính là bước ngoặt quan trọng nhất của trận đấu. Bi kịch hơn, nó xảy ra với Duy Mạnh - cầu thủ chơi hay nhất bên phía Việt Nam suốt thời gian thi đấu trước đó.
Thực tế, suốt quá trình chuẩn bị cho giải đấu, Việt Nam đã gặp những điều không may. Từ việc V-League bị huỷ vì Covid-19 cho đến các chấn thương liên tiếp của trụ cột hàng thủ như Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng... Việc ngay trận ra quân phải làm khách trên sân của Saudi Arabia - từng năm lần dự World Cup - chẳng khác nào "ra ngõ gặp núi" với Việt Nam.
Tuy nhiên, như thường lệ, HLV Park Hang-seo đối ứng rất hợp lý. Ở hàng thủ, ông chọn Nguyễn Thành Chung đá cặp trung vệ với Quế Ngọc Hải và Đỗ Duy Mạnh. Tuyến giữa được giao cho Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Hoàng Đức, trong khi Phan Văn Đức và Nguyễn Quang Hải hỗ trợ Nguyễn Tiến Linh trên hàng công. Đây đều là những cầu thủ có khả năng cầm bóng và độc lập tác chiến, nhằm hạn chế việc để Saudi Arabia chiếm quyền kiểm soát, dẫn đến sức ép cho khung thành của Bùi Tấn Trường.
Nhưng ngay cả trong những con tính có lẽ lạc quan nhất, HLV Park cùng các đồng sự cũng không thể hình dung Việt Nam có thể mở tỷ số ngay... phút thứ 3. Từ đường căng ngang bên cánh trái của Vũ Văn Thanh, Abdulelah Al-Omari phá ra đúng vị trí của Quang Hải đang đứng sát cấm địa. Tiền vệ Việt Nam lập tức quăng chân trái sở trường, đưa bóng vào góc xa khung thành. Toàn bộ khán giả trên sân King Saud University Stadium như nín lặng, ngoại trừ nhóm nhỏ CĐV Việt Nam ở một góc khán đài D.
Có lợi dẫn, Việt Nam nhanh chóng thiết lập hệ thống phòng ngự nhiều lớp. Đó là lúc Duy Mạnh thi đấu lăn xả, tranh cướp, che chắn và bọc lót kịp thời cho các đồng đội. Nổi bật nhất là pha phá bóng trong chân Al-Muwallad, khi khung thành bị bỏ trống do Tấn Trường đã lao ra trước đó. Bản thân thủ thành Việt Nam cũng thi đấu tập trung, hóa giải được pha đối mặt Al-Muwallad và cú vô-lê của Al-Faraj.
Trên mặt trận tấn công, Việt Nam chỉ có một pha dứt điểm trong hiệp một, so với bảy của Saudi Arabia. Nhưng đoàn quân của HLV Park vẫn có cơ hội gây thêm bất ngờ. Trong một đợt phản công hai đánh một, nếu Tiến Linh chuyền ngay cho Văn Đức, tình thế có thể đã khác. Tuy nhiên, anh chần chừ để đối thủ cướp bóng từ phía sau.
Sang hiệp hai, Việt Nam nhập cuộc đầy khí thế. Nhưng sự cố của Duy Mạnh khiến đội tuyển không thể giữ được thế trận trước sự áp đảo của Saudi Arabia, ngay cả khi Trần Đình Trọng được tung vào sân để vá lỗ hổng ở hàng thủ. Phút 67, Al-Shahrani đánh bại Trọng Hoàng trong pha không chiến, để đón quả tạt của Al-Ghanam rồi đánh đầu đập đất hạ Tấn Trường.
Saudi Arabia vượt khó để hoàn thành mục tiêu giành ba điểm trước Việt Nam.
Khi hiệp hai còn hơn 10 phút, Saudi Arabia được hưởng quả phạt đền thứ hai. Quế Ngọc Hải đốn ngã Al-Dawsari trong cấm địa và trọng tài lập tức chỉ tay vào chấm 11m mà không cần VAR trợ giúp. Trong pha đối mặt với Tấn Trường, Al-Shehri tỏ ra khá căng thẳng nhưng lại thực hiện pha đá kiểu Panenka, đưa bóng vào chính giữa khung thành. Trong thời gian còn lại, Saudi Arabia một lần đưa bóng dội cột khung thành Việt Nam.
Chiến thắng này giúp Saudi Arabia lên nhì bảng B, bằng điểm nhưng kém hiệu số bàn thắng bại so với Australia - đối thủ của Việt Nam ở lượt trận thứ hai, diễn ra vào ngày 7/9 trên sân Mỹ Đình. Cũng hôm đó, Saudi Arabia làm khách của đội bóng láng giềng Oman - những người đã tạo ra địa chấn với chiến thắng 1-0 trên sân Nhật Bản ở trận ra quân.
(Theo VnExpress)