Những VĐV trẻ nhất và già nhất ở Asiad 2010
- Cập nhật: Thứ năm, 25/11/2010 | 2:22:32 PM
VĐV trẻ nhất giải, Kim Tae Gyeong của Hàn Quốc, mới 11 tuổi, ra đời sau hơn... 5 thập kỷ so với VĐV già nhất.
Ye Shiwen của Trung Quốc bất ngờ đoạt HC vàng môn bơi ở tuổi 14.
|
Đại hội thể thao châu Á (Asian Games, Asiad) ở Quảng Châu, Trung Quốc có 42 môn thể thao, thu hút khoảng 10.000 VĐV.
Bơi và thể dục dụng cụ thường là đất diễn của VĐV trẻ, trong khi các VĐV nhiều tuổi có thể được thấy ở môn cờ tướng, cờ vua.
Tại Asiad 2010, Kim Tae Gyeong là một trong ba cô bé của đội tuyển cờ vua Hàn Quốc. Hai cô bé còn lại là Lim Hak-Yung và Byun Sung-Won, đều 12 tuổi. Đứng vị trí thứ 732 ở châu Á, Kim trẻ hơn một chút so với kỳ thủ cờ tướng của Đài Loan, Peng Jou-an, người sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 12 vào ngày bế mạc Asiad (27/11). Peng đủ tuổi để trở thành cháu nội của đối thủ người Malaysia, Lay Kam Hock (66 tuổi), người ra đời 7 năm trước kỳ Asiad đầu tiên (năm 1951).
"So với em, mọi VĐV cờ tướng ở Asiad đều nhiều tuổi hơn. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn và em cảm thấy hơi căng thẳng. Trên thực tế, kết quả ở giải này đã cho thấy tất cả đều đánh hay hơn em”, Peng nhận xét sau khi tham dự nội dung cá nhân nữ của môn cờ tướng.
Trong môn bơi, các VĐV chủ nhà Trung Quốc chiếm ưu thế rõ rệt tại Quảng Châu nhưng sự trẻ trung của họ mới là điều khiến các đối thủ đau đầu. Ở nội dung 400 m hỗn hợp nữ, VĐV 14 tuổi Ye Shiwen vượt qua ứng cử viên vô địch đồng hương Li Xuanxu, 16 tuổi, để giành HC vàng. Ye bắt đầu học bơi năm lên 6 tuổi sau khi giáo viên ở trường mẫu giáo nhận thấy cô bé có sải tay khác thường, tờ Qianjiang Evening News cho biết.
Ye đã phải luyện tập rất nhiều, thậm chí vượt quá sự chịu đựng của một thiếu nhi thông thường, trước khi giành chiến thắng ở Asiad. “Em đã phải luyện tập đều đặn, đôi khi đến mức không nhấc nổi chân đến bể bơi. Em cần làm điều này để tạo cuộc sống tốt hơn cho gia đình”, Ye nói. Trong khi đó, Li tỏ ra hơi ghen tỵ sau thất bại, đặc biệt là thua một VĐV kém mình 2 tuổi.
"Asiad là cơ hội cho tôi biến nỗ lực luyện tập thành kết quả nhưng nó đã diễn ra không như mong đợi. Tôi đã thua một VĐV trẻ hơn”, Li nói.
Một VĐV tuổi teen khác cũng giành chiến thắng trong môn bơi là Shao Yiwen, 15 tuổi, người giành HC vàng ở nội dung 400 m tự do nữ.
Đội tuyển polo đánh trên nước của Qatar ở Asiad năm nay cũng đặt niềm tin vào các VĐV trẻ, trình làng đội hình có độ tuổi trung bình dưới 17, trong đó có Ali Allanjawi và Ali Abdeen là hai VĐV tham dự Asiad 4 năm trước tại Doha. Khi đó, Abdeen mới 12 tuổi và trở thành VĐV trẻ nhất của một đại hội thể thao. Trong môn golf, Macau cũng gây sự ngạc nhiên bằng một VĐV trẻ - Ao Ka-wai, 13 tuổi.
Trong khi đó, Lay Kam Hock của Malaysia không phải là VĐV nhiều tuổi nhất ở Asiad. VĐV cờ vua Rani Hamid của Bangladesh nhiều hơn một tháng tuổi so với Lay. Hamid đã ba lần vô địch giải cờ vua dành cho phái đẹp ở Vương quốc Anh và được Liên đoàn cờ vua thế giới phong cấp Kiện tướng quốc tế năm 1985.
Môn bắn súng và billiards cũng thường có VĐV nhiều tuổi. Sự chênh lệch về tuổi còn thể hiện trong môn đua thuyền rồng. VĐV người Singapore, Elise Lee Shi May (49 tuổi) và VĐV người Macau, Chou Chi-man (48 tuổi) phải góp sức tranh tài với Xia Shiying (13 tuổi) - VĐV phụ trách phần đánh trống cổ vũ cho đội chủ nhà.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Ngày 24-11, tại buổi lễ diễn ra ở Kualar Lumpur (Malaysia), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFF) đã công bố giải cầu thủ xuất sắc nhất châu Á năm 2010 thuộc về trung vệ người Úc Sasa Ognenovski, thủ quân CLB Seongnam Ilhwa của Hàn Quốc.
Hôm nay (25/11), Hội đồng Olympic châu Á, Ban tổ chức ASIAD 16 và nhà tài trợ Samsung sẽ tiến hành kiểm tra phiếu bình chọn giải thưởng vận động viên xuất sắc nhất Á vận hội Quảng Châu 2010.
Không giống như những nền bóng đá phát triển khác ở châu Âu, cách tổ chức và quản lý của các CLB Anh có rất nhiều nét đặc thù. Khác biệt lớn nhất nằm ở trong cách tổ chức huấn luyện.
Với thành tích 4 phút 08 giây 58, Trương Thanh Hằng đã giành HCB ở nội dung 1.500m nữ, một tấm huy chương Bạc quý hơn Vàng!