Bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc
- Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2013 | 2:40:10 PM
YBĐT - Đã qua 12 kỳ hội diễn, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ 12 năm 2013 được đánh giá là một trong những kỳ hội diễn chất lượng, phát hiện, chọn lọc, sưu tầm được nhiều tiết mục đặc sắc; tìm kiếm và bồi dưỡng được những hạt nhân tài năng trẻ từ phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Có tới 60% là tiết mục được sưu tầm, phát hiện mới.
|
Với sự khổ luyện trong tập luyện và công phu trong đầu tư sưu tầm, sau gần 3 tháng kiếm tìm, tuyển chọn tại các xã, phường, thị trấn, hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc Yên Bái cấp cơ sở với sự tham gia góp mặt của 7.000 nghệ nhân, diễn viên trong các thôn, bản đã làm nên sự đa sắc màu văn hóa, mang đậm bản sắc riêng có của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Yên Bái.
Vòng hội diễn cấp huyện, đã tuyển chọn được hơn 500 tiết mục ca, múa, nhạc truyền thống cùng các lễ hội đặc sắc, độc đáo với sự tham gia của gần 2.000 nghệ nhân, diễn viên. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền là một rừng sắc màu văn hóa. Sự riêng có, độc đáo ấy trong trang phục, trong nét văn hóa truyền thống đã tạo nên sự đặc sắc, phong phú và sinh động tại hội diễn.
Theo ông Nguyễn Đức Hợp - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Phó ban Tổ chức Hội diễn thì "Điểm đáng ghi nhận tại hội diễn lần này là hầu hết các tiết mục tham gia đều được các đơn vị chú ý đầu tư đồng đều ở cả hai khía cạnh nội dung và chất lượng của các tiết mục. Đặc biệt có tới 60% tiết mục tham gia là tiết mục được sưu tầm, phát hiện mới, được đầu tư nâng cao về chất lượng nghệ thuật. Với riêng ngành văn hóa thì đây vừa là cơ hội tốt để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác sưu tầm vừa là điều kiện thuận lợi để tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tài năng, bảo tồn cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thông qua phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ sở, qua đó phát triển và phục vụ lại chính nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân cơ sở".
Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ 12 năm 2013 có sự tham gia của 230 nghệ nhân, diễn viên, trình diễn hơn 70 tiết mục. Những trang phục được khoe sắc trên sàn diễn, rực rỡ sắc màu và đầy sức cuốn hút bởi sự trình diễn duyên dáng của những người mẫu không chuyên là những sơn nữ, những nông dân chân lấm tay bùn. Đặc biệt và thuyết phục hơn bởi chính họ được tự hào phô diễn, tự hào khoe sắc và tôn lên vẻ đẹp trang phục; tự hào thể hiện những tiết mục nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình, quê hương mình.
Là thí sinh đoạt giải diễn viên trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hội diễn, Hà Thị Phượng, Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Văn Chấn chia sẻ: "Em rất tự hào khi được trình diễn trang phục của dân tộc mình. Em muốn mọi người biết đến vẻ đẹp của thiếu nữ Khơ Mú qua trang phục truyền thống dân tộc. Có thể nhiều bạn trẻ dân tộc ngày nay thích mặc các trang phục hiện đại bởi sự tiện dụng, hợp mốt; cũng có những bạn ngại mặc trang phục truyền thống bởi cảm giác lạc lõng nhưng với riêng em thì khác. Em luôn tự hào, luôn muốn được mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình mỗi khi có cơ hội, bởi em cảm nhận được vẻ đẹp trang phục dân tộc mình qua nét riêng biệt ấy".
Nghị quyết lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ XII năm 2013 đã trở thành sân chơi nghệ thuật của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng không chuyên - nơi hội tụ những tiết mục chọn lọc đặc sắc, tiêu biểu của hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp cơ sở; khẳng định chất lượng hoạt động của phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng cũng như tiềm năng văn nghệ, đặc biệt là kho tàng văn nghệ dân gian đang tiềm ẩn trong đời sống cả đồng bào các dân tộc ở cơ sở.
Từ quan điểm: Văn hóa nghệ thuật quần chúng phải do quần chúng sáng tạo, quần chúng biểu diễn và quần chúng bảo tồn, Hội diễn không chỉ là sân chơi bổ ích mà nó còn là cơ hội tốt để các nghệ nhân diễn viên tiếp tục phát huy khả năng, sự đam mê, lòng nhiệt huyết với việc bảo tồn, lưu giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, là hạt nhân tích cực, sáng tạo trong phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Được biết, sau hội diễn này, tỉnh Yên Bái sẽ lựa chọn những nội dung đặc sắc tham gia Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc Tây Bắc lần thứ XII tổ chức tại tỉnh Ninh Bình vào tháng 10 tới.
Phạm Minh
Các tin khác
Ban tổ chức Liên hoan phim Hàn Quốc lần 2 tại VN chọn Ngô Thanh Vân làm đại sứ liên hoan cùng diễn viên điển trai xứ Hàn Lee Ki Woo.
Ngày 3/9, Bộ VH, TT&DL cho biết, đã đề nghị các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước phối hợp để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt với Hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.
Cố đô Huế đã từng rơi vào tình trạng hoàng tàn do chiến tranh và thời gian tàn phá. Dưới đây là hình ảnh kinh thành Huế trên suốt chặng đường phục dựng từ hoang phế...
Nhân dịp kỷ niệm năm quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam 2013, Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam đã giới thiệu Tuần lễ Phim Nhật Bản Mùa thu 2013 tới khán giả.