Cái nôi của thạp đồng Đông Sơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/9/2013 | 8:52:20 AM

YBĐT - Quan sát những nét hoa văn trên thạp đồng Đào Thịnh, thạp Hợp Minh, thạp Tân Hợp và một số thạp đồng khác cho ta thấy tư tưởng nghệ thuật khá thống nhất thông qua các hoa văn chủ đạo...

Cán bộ Bảo tàng tỉnh nghiên cứu thạp đồng Hợp Minh.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh nghiên cứu thạp đồng Hợp Minh.

Cùng với trống đồng, thạp đồng là một trong những hiện vật tiêu biểu nhất của nghệ thuật đúc đồng cổ xưa thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm. Với hơn 200 thạp đồng đã được phát hiện đều cho thấy nó phân bố chủ yếu từ Nghệ An trở ra và tập trung nhiều nhất ở lưu vực sông Hồng từ Việt Trì lên Lào Cai và Yên Bái là tỉnh phát hiện được nhiều nhất với số lượng trên 30 chiếc trong tổng số hơn 200 chiếc được phát hiện.

Đặc biệt, Yên Bái còn là nơi phát hiện được chiếc thạp to nhất, được chọn làm Bảo vật quốc gia, đó là thạp đồng Đào Thịnh và mới đây thạp Hợp Minh có hoa văn được coi là đẹp nhất của thạp đồng Đông Sơn cũng đã được đề cử là Bảo vật quốc gia. Vì các yếu tố trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ học, mỹ thuật đã ví Yên Bái như là vùng đất, là trung tâm, là miền quê, là cái nôi của thạp đồng Đông Sơn.

Thạp đồng có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của người Việt cổ? Đó là một vấn đề từ trước đến nay vẫn còn nhiều kiến giải khác nhau nhưng phổ biến ở 3 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng nó là quan tài chôn cất người chết hoặc vật chứa đựng hài cốt sau cải táng. Ý kiến này dựa trên này dựa trên phát hiện thạp đồng có chứa xương cốt như thạp Hợp Minh với bộ hài cốt của một đứa trẻ chừng 6-7 tuổi hoặc là có những chiếc thạp phát hiện nghi có dấu vết tro cốt hỏa táng.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, thạp được dùng để đựng rượu trong nghi thức tế lễ của người Việt trong các nghi lễ quan trọng. Và luồng ý kiến thứ ba cho rằng, đó là đồ gia bảo chỉ có nhà giàu mới được sở hữu nhằm thể hiện uy quyền, sự giàu sang của tầng lớp quý tộc nên khi chết thạp đồng được chôn theo làm đồ tùy táng.

Tuy nhiên, có một điểm chung nhất đối với các thạp đồng được phát hiện ở Yên Bái là nó cơ bản được phát hiện tại những nơi có dấu vết của những nghĩa địa cổ dọc theo sông Hồng thuộc hai huyện Trấn Yên, Văn Yên. Kích cỡ của các thạp đồng ở Yên Bái tuy lớn nhỏ khác nhau nhưng phổ biến là dạng thạp có nắp, kiểu dáng chế tác khá giống nhau (phần trên hơi thóp, phần giữa phình và đáy thóp hơn).

Nghiên cứu về kỹ thuật chế tác, các chuyên gia về kim khí đều có nhận định cùng với trống đồng, thạp đồng Đông sơn đã thể hiện được đỉnh cao của kỹ nghệ đúc đồng ở Việt Nam từ hàng ngàn năm về trước. Bởi lẽ, kỹ thuật đúc đồng lúc bấy giờ đã thể hiện được khả năng pha chế đồng nguyên liệu cao để tạo độ bền, nhiệt độ nung chảy làm cho đồng bảo đảm chảy đều khi đổ vào khuôn đúc, cách tạo hoa văn tinh xảo trên khuôn đúc tạo ra đồ vật hình dáng rất phức tạp mà đến nay vẫn được coi là những bí ẩn về kỹ thuật. 

Quan sát những nét hoa văn trên thạp đồng Đào Thịnh, thạp Hợp Minh, thạp Tân Hợp và một số thạp đồng khác cho ta thấy tư tưởng nghệ thuật khá thống nhất thông qua các hoa văn chủ đạo như hoa văn hình thú, hình thuyền, hoa văn chuỗi quả trám dạng vặn thừng, hoa văn hình tròn chấm giữa, hình kỷ hà.

Đồng thời, họa tiết hoa văn thể hiện rất rõ những vấn đề của cuộc sống mang tính biểu tượng, tính đặc trưng như sự giao hòa của con người với thế giới tự nhiên bằng hình ảnh của mặt trời, các loài muông thú như hươu nai, cá sấu, bò, hải điểu, sông nước hoà quyện với con người. Hình ảnh phác họa cuộc sống thanh bình của con người qua cảnh những người đang giã gạo và xung quanh có bầy gà nhảy nhót, cảnh diễn xướng văn nghệ trên thạp đồng Hợp Minh. Đối nghịch với những hình ảnh thanh bình ấy là hình ảnh đấu tranh sinh tồn được thể hiện qua những đoàn thuyền trên thạp Đào Thịnh, thạp Hợp Minh chở chiến binh tay cầm binh khí, đánh trống khải hoàn trên sông nước.

Trên những chiến thuyền ấy còn mô tả cả những tù binh bị bắt, những thủ cấp của kẻ thù được treo trên thuyền hay cầm trên tay những chiến binh thắng trận. Nghệ thuật trang trí các họa tiết, hoa văn còn rất phóng khoáng trong cách thể hiện khát vọng phồn thực của con người qua 4 cặp tượng nam nữ đang giao hoan trên nắp của thạp đồng Đào Thịnh…

Tất cả những hình ảnh họa tiết, hoa văn ấy cùng với nghệ thuật đúc đồng của cư dân văn hóa Đông Sơn trên địa bàn tỉnh Yên Bái chính là những tài sản vô giá tổ tiên để lại. Thông qua những hiện vật ấy sẽ giúp chúng ta tiếp tục khám phá hình thái đời sống kinh tế, xã hội của người Việt cổ.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác

Nhằm tăng cường đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam và TPHCM để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và kiều bào, tạo thương hiệu và dần dần xây dựng hình ảnh một TP cửa ngõ của nền văn hóa khu vực, lần đầu tiên TPHCM tổ chức lễ hội TPHCM - Ngôi nhà của chúng ta.

Bộ phim tài liệu Đền thờ Bác Hồ do hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện vừa khởi quay tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh K9, Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.

Nhân Ngày Lương thực Thế giới 2013 (16/10), Văn phòng Tổ chức Lương Nông (FAO) tại Việt Nam tổ chức cuộc thi ảnh “Các Hệ thống Thực phẩm bền vững vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam”.

Sungha Jung sẽ diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào 18/1 và Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) vào 19/1/2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục