Một ngày của 3 cô giáo cắm bản cô Hoàng Thị Hương (30 tuổi), cô Lường Thị Thảo (31 tuổi) và cô Hà Thị Thanh Xuân (24 tuổi) bắt đầu khi mặt trời chưa ló lên khỏi ngọn núi phía trước điểm trường Đá Đen của Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Mỗi người một phần việc, cô thì đi đun nồi nước nóng, cô đi quét sân, cô mở cổng… Cứ thế, trường lớp sạch sẽ gọn gàng, đủ nước ấm để sẵn sàng đón trẻ vào lớp. Mới 6 giờ sáng, mặt trời còn chưa kịp lên thì những em bé đầu tiên đã được mẹ đưa tới trường. Trong nụ cười ngượng ngùng, chị phụ huynh bảo với cô giáo: "Nay nhà có việc, gửi cô sớm nhá!”.
Các cô gật đầu rồi tay mở nhanh chiếc cặp lồng cơm để kiểm tra xem hôm nay bố mẹ có chuẩn bị đủ thức ăn cho con không. Cô Hương chia sẻ: "Phải kiểm tra và nhắc nhở kịp thời phụ huynh, nhiều hôm chúng tôi yêu cầu bố mẹ quay về nấu thức ăn cho con đấy ạ! Cũng vài lần nhắc nhở là để phụ huynh không lơ là chuyện bữa ăn của trẻ nữa!”.
Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có 4 điểm lẻ và 1 điểm chính. Bản Đá Đen được biết đến là một trong những bản xa và khó khăn nhất ở Mù Cang Chải. Điểm trường Đá Đen có 60 trẻ thuộc 2 lớp ghép 3 - 4 tuổi và 4 - 5 tuổi.
Với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng việc học của các bé dường như không ảnh hưởng. Thiếu thốn thì không kể hết nhưng cô Hương, cô Thảo, cô Xuân đã tình nguyện gắn bó nơi này. Họ là những người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu trẻ thơ, tình nguyện cắm bản, sống xa gia đình để đem lại tri thức cho những đứa trẻ nơi đây.
Mặt trời lên cao xuyên qua các ô cửa sổ vào lớp học với cô và trò ở Đá Đen. Những đứa trẻ người Mông ngây ngô trước những bài học mới, rồi thích thú với những đồ dùng trực quan được các cô chuẩn bị sẵn cho mỗi bài học. Bài học về tô màu cho các bé 3 tuổi của cô Xuân được cô vẽ những bông hoa nhiều màu sắc khiến những em bé mê mẩn. Trong giọng đọc tiếng Việt vẫn còn ngọng, các em bé đã đọc đúng những màu sắc, rồi cô thưởng cờ…
Những bàn tay bé nhỏ cầm chiếc cờ cẩn thận cắm vào vị trí có hình ảnh của mình trên tấm bảng được cô chuẩn bị công phu, mới thấy chúng yêu thích lớp học đến nhường nào. Bên cạnh, lớp ghép 4 - 5 tuổi được nghe cô Thảo kể câu chuyện Rùa và Thỏ có các hình ảnh sinh động được chiếu lên chiếc ti vi ở giữa phòng mới cuốn hút làm sao, chúng còn ngơ ngác với các thiết bị hiện đại này lắm vì nơi đây chưa có điện lưới quốc gia, may mắn điểm trường được tài trợ giàn phát điện năng lượng mặt trời nên có thể hỗ trợ các cô trong việc giảng dạy.
Cũng nhờ đó, các cô tích cực sáng tạo trong những bài giảng, các cô đi hứng sóng 3G, 4G trên núi cao hơn, hay khe suối để tải các video, hình ảnh sinh động phục vụ bài học… Nhờ đó, các bé người Mông trên bản Đá Đen rất thích tới trường. Cô Mai Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng chia sẻ: "Các điểm lẻ của nhà trường đều trên địa bàn các thôn bản xa khó khăn, thiếu thốn. Nhưng các cô không vì thế mà lơ là chuyên môn, ngược lại các cô rất sáng tạo, tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương để có thể làm đồ dùng học tập, đồ chơi. Như cô Hương, cô Thảo, cô Xuân ở đây cũng vậy! Cũng may các điểm lẻ không có điện đều được tài trợ điện năng lượng đáp ứng được một phần việc dạy học với công nghệ và sinh hoạt”.
Một giờ học của cô và trò ở điểm trường Đá Đen.
Ở nơi muôn vàn khó khăn như Đá Đen, người ta thường không dám nói đến câu chuyện công nghệ với giáo dục, chỉ cần trẻ đến lớp, biết tiếng Việt thế là tốt rồi. Nhưng các cô ở đây lại không có suy nghĩ đó. "Các con ở đây thiệt thòi lắm! Chúng tôi cố gắng để các con có thể tiếp cận được với các công nghệ hiện đại trong bài học; cố gắng đưa hết những hiểu biết bản thân về công nghệ vào bài giảng. Những lúc về nhà thăm gia đình, có Internet, chúng tôi lại tìm kiếm, học hỏi trên các diễn đàn giáo viên về các cách thiết kế bài giảng điện tử, rồi làm, rồi cho các con học” - cô Thảo chia sẻ.
Những bài học là vậy, còn việc nuôi dưỡng chăm sóc các con cũng không dễ dàng gì. Các con mang cơm cặp lồng, mùa đông tới, xin được chút rau của phụ huynh, các cô lại nấu những bát canh nóng cho các con. Hay xin được thùng mì tôm của các đoàn thiện nguyện lại nấu thành canh chia cho học trò.
Vừa xoay tròn nhắc nhở rồi bón cơm cho những đứa trẻ, cô Xuân vừa chia sẻ: "Với mỗi hộp cơm này, chúng tôi đều biết được sự quan tâm của bố mẹ đối với con. Chúng tôi đều nhắc nhở bố mẹ, thậm chí sau giờ trả trẻ mình tới tận nhà để hướng dẫn mẹ chuẩn bị đồ ăn cho con, sao cho có dinh dưỡng, rồi hướng dẫn đồng hành với con trong việc học tiếng Việt”.
Cả ngày các cô dành hết sự bận tâm vào các em bé từ dạy đến chăm sóc nuôi dưỡng. Đến cuối ngày, sau giờ trả trẻ có lẽ là những nốt trầm trong ngày của các cô giáo cắm bản. Mặt trời lặn dần, sương cũng theo xuống dày đặc. Cuộc sống của các cô giáo cắm bản chưa bao giờ là dễ dàng nơi vùng cao khắc nghiệt. Không có điện lưới quốc gia, không có Internet, sóng điện thoại cũng chập chờn... khiến cho việc liên lạc với gia đình trở nên khó khăn.
Chiều nay, cô Thảo nhận được tin nhắn của gia đình rằng con gái nhỏ của cô ở nhà bị ốm, cô muốn gọi video để nhìn thấy con nên sau bữa ăn tối cô chạy nhanh qua khe suối bên ngoài cổng trường để hứng sóng gọi về nhà. Cô Xuân cũng ra bể nước để hứng sóng nhắn tin với bạn trai, cô Hương gọi cuộc điện thoại thường về nhà. Và lần nào cũng thế, đều có cả những giọt nước mắt sau các cuộc điện thoại cuối ngày về nhà, nhưng gạt sang một bên các cô lại soạn bài cho ngày mai.
|
Cô Hương chia sẻ: "Mỗi lần đứng lớp, nhìn thấy ánh mắt sáng ngời của các em, tôi cảm thấy mọi khó khăn đều xứng đáng. Tuy không có điều kiện tốt nhưng tình yêu thương và sự chăm sóc của mình có thể giúp các em lớn lên, phát triển hơn”.
Với tình yêu nghề và trách nhiệm với học sinh đã khiến các cô giáo cắm bản kiên trì bám trụ. Họ không chỉ là người dạy học mà còn là những người bạn, người mẹ thứ hai của các em. Những giờ học tại lớp không chỉ là những bài giảng đơn thuần mà còn là những câu chuyện cuộc sống, là những bài học về tình yêu thương và sự sẻ chia.
Cô Thảo tâm sự: "Mình luôn dạy các em về giá trị của sự đoàn kết, tình bạn và lòng biết ơn. Những điều này không chỉ giúp các em học tốt mà còn giúp các em trở thành những người tốt trong tương lai”. Hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên, vui tươi khi đến lớp là động lực lớn lao cho các cô giáo. Mỗi nụ cười, mỗi bước tiến của các em là minh chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của họ.
Câu chuyện về những cô giáo cắm bản không chỉ là câu chuyện của riêng ba cô giáo ở Đá Đen mà còn là câu chuyện của hàng trăm cô giáo cắm bản ở vùng cao Yên Bái, của hàng ngàn giáo viên trẻ khác trên khắp đất nước, những người đang lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại những vùng đất khó khăn. Họ là những người tiên phong, mang tri thức đến với những đứa trẻ nghèo, giúp các em có cơ hội thay đổi cuộc sống. Họ đang thầm lặng từng ngày, từng giờ góp phần thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ nơi núi rừng. Những nỗ lực dám xông pha, dám cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở những nơi khó khăn nhất của họ xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh. Chỉ cần có tình yêu và trách nhiệm, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Thanh Ba