"Phôn tốc" - Dân ca Khơ Mú được nhiều người ưa thích
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/9/2013 | 2:38:34 PM
YBĐT - Thiên nhiên trong tiếng hát Khơ Mú (còn gọi là người Xá) thật hay, thật đẹp và cũng thật ảo. Ở đó con người và thiên nhiên luôn hòa quyện, không tách rời nhau. Người Khơ Mú luôn tự hào bởi họ có hàng trăm bài dân ca nói về điều ấy.
Những điệu hát kể về cuộc sống thường nhật, kể về mình, kể về cộng đồng, về xã hội. Họ thường mượn hình ảnh, hiện tượng thiên nhiên làm cầu nối. Bà con hát kể mặt trời lên, thấy sương giăng mịt mù, hát nửa đêm sao mờ hay trăng sáng. Họ hát khi đứng trước thác nước đổ, hát kể tiếng chim ca, bướm lượn, hát bắt cá bên dòng, hát lá, hát hoa, hát hương thơm lúa nếp, hát tháng, hát năm… Những tiếng hát như thế đều có giai điệu nhẹ nhàng, êm ái với lời ca giản dị, mượt mà, chân thật.
Trong kho tàng dân ca phong phú, độc đáo này phải kể đến "Phôn tốc" (mưa rơi) - một trong những điệu hát Khơ Mú được nhiều người biết đến và yêu thích.
"…Mưa rơi cho cây tốt tươi! búp chen lá trên cành!
Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió/bướm tung
cánh bay vờn…"
Mở đầu "Phôn tốc" là náo nức những hạt mưa đầu xuân. Đất trời, muôn vật bừng tỉnh sau giấc ngủ đông giá lạnh để tất thảy cùng đua nhau nẩy nở, vươn lên. Người Khơ Mú thấy gì hát, kể gì trước cảnh tượng đó?
"…Bên nương ríu rít tiếng cười/Bao trai gái đang nô đùa/
Đầu sàn có đôi chim cu đua nhau gáy/thách đôi én
cùng múa vui…"
Chưa hết:
"…Mưa rơi cho chim ướt cánh bay/nó sa bẫy trong rừng/
Dập dìu ai đi đơm cá bên suối/nước xô nước ven bờ…".
Lại nữa, khi mọi người phát hiện:
"…Trên nương hương thơm nếp vàng/măng cười hé
Vươn lên cùng/ngọt ngào hương thơm bay bay
theo gió/những chim nướng cùng nếp thơm…"
để rồi:
"Nhìn mà no!...".
Đúng là bài hát với bố cục chặt chẽ, ngắn gọn, súc tích trước khung cảnh thiên nhiên, đất trời vào xuân. Hình thức, cấu trúc "kỹ thuật" đến điêu luyện của một tác phẩm hoàn hảo còn là toát lên tinh thần lạc quan, phấn chấn và hy vọng của con người với một ý nghĩa, một mốc thời gian, mọi thứ cùng cộng hưởng, cùng cộng sinh gửi gắm một mùa làm ăn khấm khá, đủ đầy.
"Phôn tốc" được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc như Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ xem đây là "hiện tượng" kỳ thú. Rất ít các dân tộc thiểu số ở nước ta có những làn điệu hoàn hảo về lời ca, chỉn chu về kỹ thuật, khúc thức, đến mức so sánh với những tác phẩm sáng tác chuyên nghiệp không hề thua kém gì. Theo ký âm pháp phương Tây, "Phôn tốc" liệt vào dòng rê trưởng (pha thăng, đô thăng); nhịp 2/4.
Toàn bài hát có 4 câu. Mỗi câu ngoài nhịp lấy đà bằng một nốt móc đơn còn là 4 câu phát triển thành 16 ô nhịp. Tác phẩm dân gian này trở nên vuông vức, chúng liên kết rất tự nhiên, hoàn chỉnh.
Ở đây, giai điệu không những êm ái, quyến rũ mà còn khéo sử dụng quãng 8 ở mỗi đầu câu (câu 1, câu 2, câu 3 rồi câu 4). Đặc biệt, kết thúc bài, các tác giả dân gian đã tài tình kéo dài thêm 3 ô nhịp với 2 nốt đen và 2 nốt trắng nối nhau (sì là rê) và lời ca "nhìn mà no…". Ngoài ra, chỉ bằng các nốt 1, 3, 5, 6, "Phôn tốc" thành một ca khúc dân gian kỹ thuật đến tuyệt vời, đẹp và hay như đã thấy.
Không rõ điệu "Phôn tốc" này có từ bao giờ, nhưng hiện nay nó vẫn là bài ca không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nơi cộng đồng bà con Khơ Mú, được mọi người trong cả nước biết đến và yêu thích, được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng.
"Phôn tốc" còn được đông đảo cá nhân, đơn vị nghệ thuật chuyên, không chuyên ca hát, cũng như đặt lời mới. Riêng ngành giáo dục - đào tạo đã đưa "Phôn tốc" vào giáo trình âm nhạc tại các trường trung học cơ sở - việc phổ biến này góp phần bảo tồn, truyền bá những bài dân ca đặc sắc của các dân tộc thiểu số đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bùi Huy Mai
Các tin khác
CAMA Festival, nhạc hội lớn nhất khu vực Đông Dương lần thứ 7 sẽ trở lại Hà Nội vào ngày 12/10.
Chính phủ Malaysia đã không cấp phép cho nhóm nhạc heavy metal của Mỹ, Lamb of God, được biểu diễn ở Malaysia vì ban nhạc này “xúc phạm tôn giáo”.
Tối 5-9, tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM đã khai mạc vòng chung kết xếp hạng cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” lần VIII – 2013 (do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp cùng Công ty Kiết Tường tổ chức) bằng đêm thi chung kết 1. Có 12 thí sinh xuất sắc nhất của vòng chung kết khu vực được lọt vào vòng chung kết xếp hạng cùng thi tài ca trích 2 câu vọng cổ.
YBĐT - Quan sát những nét hoa văn trên thạp đồng Đào Thịnh, thạp Hợp Minh, thạp Tân Hợp và một số thạp đồng khác cho ta thấy tư tưởng nghệ thuật khá thống nhất thông qua các hoa văn chủ đạo...