Ngàn năm lau trắng

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2013 | 8:56:02 AM

YBĐT - Lật giở một tờ lịch mới, thấy ngỡ ngàng đã lập thu. Chợt thấy hồn mình phiêu diêu tận nẻo nào với hoa lau bay phấp phới.

Lau rừng Tây Bắc.
(Ảnh: Thanh Miền)
Lau rừng Tây Bắc. (Ảnh: Thanh Miền)

Đã đến mùa của hoa lau! Chút phiêu diêu của cây cỏ hay cuộc chiến sinh tử đầy khốc liệt nhằm tồn tại khiến mình như mắc nợ, cứ ngùi ngẫm nghĩ mãi về những bông hoa lau nhỏ xíu, mơ hồ như một nắm tóc bạc của bà, như một hơi khói thuốc buồn của cha, như thoáng bàng bạc sầu trong đôi mắt người chị lỡ thì lúc nhìn ra cửa…

Hoa lau tự ngày xửa ngày xưa đã lay động trong thơ Đường một màu cổ điển:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu

Người xuống ngựa, khách dừng chèo

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti

                                    (Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị)

Lau lách đã làm nền cho cuộc chia li trong cái lạnh buốt của trăng khuya bến vắng, cũng là nơi neo đậu cho tiếng đàn bạc mệnh của người tài nữ đánh đàn trên bến Tầm Dương, là chứng nhân cho một cuộc trùng phùng đầy bẽ bàng của những cố nhân một thời tao loạn. Từ thơ Đường đã thấy hoa lau bay ngơ ngẩn trong mối sầu riêng của những hồn tao nhân mặc khách. Chế Lan Viên lại thấy hoa lau bạc trắng từ thời Nguyễn Du:

Man mác hoa lau trắng

Đường về thăm Nguyễn Du

Ngàn lau từ Nguyễn thấy

Bạc xóa đến bây giờ.

                                    (Hoa lau trắng)

Lại nhớ đến những câu thơ đầy lãng mạn của nhà thơ hào hoa, đa tài của xứ Đoài mây trắng khi viết về miền đất Tây Bắc hùng vĩ mà thơ mộng:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

                                    (Tây Tiến - Quang Dũng)

Ai đã đi qua Tây Bắc mà chẳng choáng ngợp trước những ngọn đồi, triền núi bát ngát hoa lau. Và khi một trận gió đi qua chẳng nao lòng trước một rừng hoa lau đang rùng rùng chuyển động, ngàn cánh hoa bay khắp ngả, chợt ước mình nhẹ bỗng nương theo hoa đi về nơi xứ lạ phương xa ở tận cuối trời. Mình cũng từng ước ao, ao ước như nhế trong những giấc mơ thuở thiếu thời, giờ thỉnh thoảng vẫn len lén quay về trong những phút giây nhàn rỗi, những thoáng rời xa bận rộn, lo âu.

Và hoa lau ngày xưa cũng luôn đi cùng tuổi thơ đầu trần nắng cháy. Là những “đòng lau” ngọt ngào bẻ chia nhau. Lại còn những lau nếp, lau tẻ, lau ngô, chè vè… Là những khi không đi xa kiếm củi được, lại chặt cây lau về, đem chẻ nhỏ phơi khô đun tạm. Củi lau đun khói mù mù như thứ hoa phiêu lãng của nó, thỉnh thoảng vẫn còn thấy mắt cay xè khi vọng về tuổi thơ. Lại thấy mình và chúng bạn mơ như Đinh Bộ Lĩnh trong sử sách, cờ lau tập trận thuở thiếu thời, ai ngờ chí khí, bản lĩnh và tài năng đã tiềm ẩn từ khi đó, để sau này anh hoa phát tiết ra ngoài dẹp loạn Thập nhị sứ quân, trở thành bậc đế vương Đinh Tiên Hoàng danh lừng bốn cõi. Biết bao đứa trẻ chăn trâu từng cầm cờ lau đánh trận giả chẳng đã khát khao có ngày cá chép hóa rồng, làm nên nghiệp lớn cho rạng mặt ông cha?

Cây lau bé nhỏ hình như cũng gắn với lịch sử nước mình. Từ Đinh Bộ Lĩnh đến Dạ Trạch Vương - Triệu Quang Phục và khởi nghĩa Bãi Sậy của phong trào Cần Vương thời kì đầu chống thực dân Pháp sau này. Cái vùng đất đầm lầy um tùm lau sậy của đầm Dạ Trạch, của Bãi Sậy lại trở thành nơi tử địa của quân thù, là nơi lí tưởng cho các nghĩa quân thực hành một trong những chiến thuật quân sự độc đáo bậc nhất của người dân Việt Nam - đánh du kích. Thiên nhiên cùng hợp sức với con người trong sự nghiệp chính nghĩa, như sau này nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Việt Bắc: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Vậy là cờ lau nhỏ bé mộc mạc của tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ đã phất cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc ta, ghi bóng khiêm nhường vào những trang sử vàng của đất nước.

Cây lau còn gắn với tình yêu. Đó là câu chuyện tình yêu ly kỳ bậc nhất trong truyền thuyết giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và nàng công chúa lá ngọc cành vàng Tiên Dung. Đầm Dạ Trạch, bãi Tự Nhiên với cát vàng sóng êm, với lau sậy hoang sơ là nơi ẩn thân dấu mình của chàng trai nghèo không mảnh khố che thân Chử Đồng Tử. Một buổi, thấy cảnh hữu tình, Tiên Dung giăng màn đến tắm. Cuộc gặp gỡ kì duyên đã kết đôi cho một mối tình độc nhất vô nhị trong sử sách. Hẳn hoa lau kia cũng dự phần vun đắp.

Người con gái Thái Tây Bắc cũng thật khéo, thật đảm khi biết lựa những bông hoa lau tưởng chừng như vô dụng kia để làm nên những chiếc đệm ấm êm như món của hồi môn trong ngày cưới. Từng đường kim mũi chỉ, từng kĩ thuật nhồi khâu đã chứa đựng vào đó tất cả tình yêu, tâm hồn của những người con gái chăm chỉ, nết na. Bông hoa lau khiêm nhường, giản dị trở thành một nét văn hóa trong đời sống người dân tộc Thái. Nên không hề ngạc nhiên khi nó đi cả vào truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) - thiên tình ca nổi tiếng của người Thái - trong lời tiễn dặn của chàng trai khi người yêu bị ép gả lấy chồng:

Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,

Đợi mùa nước đỏ cá về

Đợi chim tăng ló hót gọi hè

Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông.

Không lấy được nhau thời trẻ ta sẽ lấy nhau lúc góa bụa về già.

Tôi đã từng nghĩ mãi rằng hoa lau có nở vào tháng Năm đâu, mà sao chàng trai lại bảo người mình yêu như thế? Hoa lau nở vào cuối thu, đầu đông cơ mà? Băn khoăn mãi mới ngộ ra một điều thật giản dị. Phải chăng chàng trai muốn dặn người yêu rằng anh sẽ đợi em mãi mãi, cho đến tận khi nào những điều phi lí nhất, không thể xảy ra rồi sẽ phải xảy ra như hoa lau nở vào tháng Năm, như mùa nước lũ cá về, như chim tăng ló hót vào mùa hè? Đến chừng ấy anh vẫn đợi em. Tình yêu đó không hề thay đổi:

Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng

Bền chắc như vàng, như đá

Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng

Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già

Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,

Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe.

Và cây lau, hoa lau với nhiều nhà văn, nhà thơ còn là một biểu tượng nghệ thuật đa nghĩa, đầy hàm ẩn. Với Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn “Cỏ lau” thì khi chiến tranh đã đi qua “với biết bao nỗi lo toan tính đầy hối hả trong thời bình, mỗi con người chúng ta có lẽ đôi khi cũng là một cánh rừng cỏ lau đầy sức sống, rất chóng lãng quên những người lính đã ngã xuống”. Truyện là một lời nhắc nhở chúng ta không được phép lãng quên, không được để cho cỏ dại phủ kín lên tâm hồn mình, lấn át những điều tốt đẹp. Như có một hôm lên mạng, thấy có một nhà thơ mãi đâu tận miền Trung rao bán hoa lau, bởi nhà thơ thấy hoa lau mọc trong các khu đất quy hoạch treo nhiều quá. Hoa lau nở trắng như nỗi xót xa của bao người dân đã từng sống ở đó…

Hay Chế Lan Viên cũng đã từng băn khoăn tự hỏi:

Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa

Xa tiếng gió xạc xào

Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ...

Chỉ nghe danh vọng ầm ào

Vinh quang xí xố

Hoa Lư ở đâu?

Hoa lau ở đâu?

Hồn lau ở đâu?

Hồn ta ở đâu?

                        (Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh)

 Cái hối hả bon chen của cuộc sống đương đại khiến những tâm hồn nghệ sỹ mẫn cảm chợt lo âu, chán nản, muốn tìm về với những điều giản dị mà cao thượng của tâm hồn dân tộc như những đứa trẻ chăn trâu khi xưa hồn nhiên phất cờ lau mơ làm vương làm tướng. Đó là lúc ta cũng nên sống chậm mà nhìn lại mình…

Nào em, hãy cùng ta lên Tây Bắc! Ăn món hoa lau hấp chấm với thố nau, hạt dổi nóng hổi thơm nồng, nằm đệm lau ấm trong ngôi nhà sàn miên man gió mà mơ được làm hoa lau phiêu lãng bay đi khắp mường. Lúc ấy, hẳn hồn lau đã neo đậu mãi nơi này trong bàn tay ấm như lửa của một người con gái Thái vừa gặp gỡ đã thấy mến thương…

Nguyễn Thị Thu Hiền

Các tin khác
Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các tỉnh Tây Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lai Châu năm 2009.

Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII tại tỉnh Hoà Bình sẽ diễn ra chính thức trong 3 ngày, dự kiến vào đầu tháng 11/2013.

Bà Veronique Dolffus (giữa) - đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp - trong lần thăm Việt Nam và bàn kế hoạch tổ chức Triển lãm Quan hệ Việt Nam - Pháp qua 4 thế kỷ.

Sáng 10/9, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp khai mạc triển lãm ảnh "Quan hệ Việt Nam - Pháp qua 4 thế kỷ".

Triển lãm thư pháp Nhật ký trong tù  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bảo vật Quốc gia đợt một cho 30 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có tác phẩm Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tạp chí Tuyên giáo, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân (ANTV), Báo Nhà báo và Công luận vừa công bố chương trình giao lưu nghệ thuật "Khúc tráng ca thành cổ" lần thứ nhất do các đơn vị này phối hợp tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục