Mong ước xuất bản cuốn sách ảnh về Đại tướng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/10/2013 | 10:23:31 PM

Đó là nguyện vọng thiết tha của nghệ sĩ nhiếp ảnh - đại tá Trần Hồng, người có gần 20 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình, gặp những người hàng xóm tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình (Ảnh: Nghệ sĩ Trần Hồng).
Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình, gặp những người hàng xóm tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình (Ảnh: Nghệ sĩ Trần Hồng).

Đại tá Trần Hồng, nguyên phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân, cho biết, cuốn sách ảnh của ông mang tiêu đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những khoảnh khắc bình dị” đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ sớm được nhà xuất bản Thế giới phát hành trong thời gian tới.

Cuốn sách của nghệ sĩ Trần Hồng dự định ra mắt với 130 tấm ảnh chọn lọc từ kho tư liệu gồm hơn 2.000 nghìn tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chụp trong suốt thời gian ở bên Đại tướng. Tác phẩm sẽ được in bằng sáu ngôn ngữ.

Năm Đại tướng tròn 90 tuổi, Trần Hồng đã có ý tưởng ra mắt tập sách ảnh về ông. Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến, Đại tướng không đồng ý. Vì thế, món quà mà người nghệ sĩ - cựu chiến binh muốn dành tặng Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không có cơ hội ra mắt.

Với ông, cuốn sách không đơn thuần chỉ là tập hợp những tấm ảnh. Đó có thể là bao khoảnh khắc rất đời thường trong cuộc đời vị tướng nổi danh của Việt Nam được thể hiện công phu. Nghệ sĩ Trần Hồng rất trân trọng những thông tin đằng sau bức ảnh. Với ông, chú thích của tấm ảnh có thể là câu chuyện dài cả trang. Tấm ảnh Đại tướng thăm lại cầu Mường Thanh, thành phố Điện Biên, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004 là một thí dụ. Thời điểm lúc đó khoảng 11 giờ trưa, nhiệt độ ngoài trời ở Mường Thanh lên tới 39 độ C. Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký riêng, sợ Đại tướng mệt nên đề nghị ông về nghỉ ngơi. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói, với người đã ngoài 90 tuổi như ông, cuộc sống có lẽ chỉ tính bằng ngày, mà công việc còn lại giống như ngọn núi. Câu nói đó khiến mọi người rưng rưng, và quyết định đưa Đại tướng tới cầu Mường Thanh như nguyện vọng.

Hơn 40 năm là phóng viên ảnh của báo Quân đội nhân dân, từ giai đoạn chiến tranh tới thời bình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã có cơ hội đi và trải nghiệm nhiều. Năm 1973, Trần Hồng có cơ duyên chụp ảnh vị tướng huyền thoại của Việt Nam lần đầu tiên khi ông tới thăm một đơn vị bộ đội. Sau đó, ông cũng có dịp chụp ảnh vị Tổng tư lệnh của Quân đội ta suốt nhiều năm. Nhưng chỉ từ năm 1994, khi có được sự tin tưởng của Đại tướng, Trần Hồng chính thức có cơ hội gần gũi và chụp ảnh ông nhiều hơn trong cuộc sống đời thường.

Người nghệ sĩ này cũng từng chứng kiến nhiều giây phút xúc động trong cuộc đời Đại tướng. Đó là giọt nước mắt khi ông trở về thăm quê hương Quảng Bình, thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những giọt lệ đau xót khi người con gái đầu Võ Hồng Anh qua đời.

Nghệ sĩ Trần Hồng tâm sự: “Khi sức khỏe của Đại tướng yếu đi và ông phải vào nằm viện, tôi vẫn thường xuyên vào thăm ông hằng tuần. Nhưng những tấm ảnh ghi trong bệnh viện TƯ Quân đội 108 làm tôi thật xót xa”.

Gần nửa thế kỷ cầm máy ảnh, nghệ sĩ Trần Hồng đã ghi lại được hơn 2.000 bức ảnh, tổ chức bốn cuộc triển lãm ảnh tại nhiều địa phương. Triển lãm gần nhất là “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc tôi gặp” diễn ra trong dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 - 2009.

Năm 1992, khi nghệ sĩ Trần Hồng tổ chức triển lãm, Đại tướng đã đến xem và ghi lại cảm tưởng: “Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ như nhạc. Qua những hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui. Qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ - chiến sĩ có những tác phẩm lớn”. Những lời của Đại tướng là nguồn động viên quý giá để nghệ sĩ Trần Hồng nỗ lực hơn với công việc của mình.

Ngày 12-10, ngay sau khi viếng Đại tướng tại Hà Nội, đại tá Trần Hồng sẽ lên xe ô-tô để đi vào Quảng Bình, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, hy vọng chụp được tấm ảnh cuối cùng của Đại tướng. Tuy thế, điều buồn nhất với người phóng viên ảnh 64 tuổi này là từ nay, hình ảnh vị Đại tướng mà ông luôn biết hơn, kính phục, không còn xuất hiện trước ống kính nữa.

 


Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đồng bào các dân tộc Cao Bằng, tháng 12-1994 (Ảnh: Nghệ sĩ Trần Hồng).


Nghệ sĩ Trần Hồng

 


Bút tích của Đại tướng tặng nghệ sĩ Trần Hồng

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân Việt Nam.

Suốt những ngày qua, trái tim hàng triệu người dân đất Việt đã nghẹn ngào xúc động khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, và hôm nay, những trái tim ấy lại nhói đau thêm một lần nữa khi thời khắc tiễn đưa Đại tướng rời Thủ đô Hà Nội - Trái tim của cả nước để về với quê cha đất tổ Quảng Bình ngày một gần.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số hình tượng quan trọng nhất trong chặng đường lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến nay.

Anh hùng dân tộc, vị tướng kiệt xuất của nhân loại

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự lỗi lạc của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng duy nhất trong đợt phong tướng đầu tiên cho các nhà lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam hơn 65 năm trước, đã vĩnh biệt chúng ta! Thương tiếc Ông, những cảm xúc kính phục nhà cách mạng lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những lần được tiếp xúc với Ông lại hiện về.

Một phần bìa cuốn sách.

100 sự kiện tiêu biểu trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tập hợp trong “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy” (Vũ Trọng Đại chủ biên). Đây là tập sách mới nhất về chân dung người “Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được chính thức ra mắt vào ngày 10/10.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục