Đi tìm xuất xứ câu ca dao
- Cập nhật: Thứ hai, 14/10/2013 | 2:54:46 PM
YBĐT - Từ trước, khi đọc câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay” tôi thường nghĩ đến một mối tình dang dở giữa cặp đôi nam nữ trong buổi đạo đức phong kiến khắt khe với hôn nhân tự do. Và những tưởng rằng câu ca đó có xuất xứ ở đâu đó nơi đồng bằng Bắc bộ. Nhưng trong chuyến ra thăm Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thì thấy ở đây có hai địa danh là miếu Bà và miếu Cậu.
Người dân địa phương cho biết miếu Bà là nơi thờ bà Phi Yến, tục gọi Lê Thị Răm, còn miếu Cậu là nơi thờ hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến với chúa Nguyễn Ánh) - hai nhân vật có tên được đề cập trong câu ca dao.
Chuyện kể rằng: Bà Phi Yến là thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn Ánh) có tên thật là Lê Thị Răm. Vào khoảng cuối mùa thu năm 1783, nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã cùng đoàn tuỳ tùng của mình, trong đó có bà Phi Yến, chạy ra Côn Đảo. Vì những thất bại liên tục cho nên ông có ý định đưa hoàng tử Hội An (có tên tục là hoàng tử Cải) cùng linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yến có lời khuyên “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau”.
Không ngờ những lời khuyên ấy lại bị nghi ngờ là có ẩn ý thông đồng với Tây Sơn. Và Nguyễn Ánh liền nổi trận lôi đình định xử tội chết. Nhờ có quan đô đốc Ngọc Lân can gián và cũng vì lúc đó hoàng tử Hội An (con của bà) còn quá nhỏ nên nhà chúa hạ lệnh tống giam bà trong một hang đá trên hòn Côn Lôn nhỏ (nay gọi là hòn Bà). Lấp kín cửa hang bằng những tảng đá lớn, chỉ để một ít bánh nếp và một chum nước lã đủ sống chừng nửa tháng.
Cũng khi đó Nguyễn Ánh được tin cấp báo quân Tây Sơn sắp tràn tới nơi, ông liền cùng gia quyến và đám người tùy tùng xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo thì hoàng tử Cải, lúc bấy giờ mới 5 tuổi không thấy mẹ đâu nên khóc lóc thảm thiết.
Biết tin mẹ bị giam cầm, cậu kêu gào phải để cho mẹ cùng đi hoặc được ở lại cùng.Trong cơn nóng giận, lại lo bị lộ trên đường trốn chạy nên Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Hoàng tử Cải chết, xác được sóng biển đẩy giạt vào bãi cát gần làng Cỏ Ống. Những người dân chài đã đem thi thể cậu chôn giữa một khu rừng gần bãi Đầm Trầu rồi lập miếu thờ ngay trước mộ.
Phần bà Phi Yến, theo truyền thuyết dân gian kể lại bà được hai con vật rất khôn ngoan, trung thành là vượn bạch và hắc hổ cứu sống. Chúng đưa bà đến làng Cỏ Ống nơi có nấm mộ hoàng tử Hội An. Người mẹ đứng trước mộ con mà khóc hoài, tình cảnh thật thương tâm. Sau khi xây mồ cho hoàng tử Cải bà vẫn ở vậy, thời gian này có sáng tác một bài thơ và được truyền miệng đến bây giờ: “Đốt nén hương thề/tạ chúa công/Can vua nên nỗi tội thông đồng/Ngai vàng một thuở/ngồi chưa vững/Bia đá ngàn năm vết vẫn còn/Máu chảy ruột mềm/đau phận thiếp/Nồi da xáo thịt thoả tình ông/Sông sầu, núi thảm hoa mờ lệ/Đã khóc cho con/lại khóc chồng”.
Tháng 10 (Âm lịch) năm 1785, làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu hay miếu Bà) tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Ban hội tề làng đã cử một bô lão cùng bốn dân phu đến tận làng Cỏ Ống để thỉnh bà về. Bà được bố trí nghỉ trong một gian phòng.
Trước nhan sắc tuyệt trần và tươi thắm của bà, có tên đồ tể trong làng tên là Biện Thi đã không ngăn nổi lòng tà dục. Chờ lúc mọi người đang ngon giấc, gã giả say rượu rồi lén chui vào phòng bà. Khi hắn đụng đến cánh tay thì bà Phi Yến giật mình thức dậy và tri hô cho dân làng tóm cổ. Dù tên đồ tể Biện Thi chỉ mới động đến cánh tay, song bà cho rằng cánh tay ấy đã bị ô uế liền chặt bỏ. Dù vậy nhưng vẫn còn thấy tủi nhục nên đêm đó thừa lúc mọi người không để ý bà đã thắt cổ tự tử để vẹn toàn danh tiết với chúa Nguyễn. Hay tin, dân làng Cỏ Ống nổi giận với đủ thứ gậy gộc, giáo mác kéo sang làng An Hải buộc dân làng An Hải phải làm cho bà sống lại, bằng không họ sẽ tiêu diệt cả làng.
Nhờ sự dàn xếp khôn ngoan của quan Hải trấn, dân làng Cỏ Ống mới bớt cơn thịnh nộ và họ đồng ý với cách xử lý là: Làng An Hải phải làm heo tạ tội và nộp tên Biện Thi cho làng Cỏ Ống toàn quyền định đoạt. Còn bà Phi Yến vì đã nằm xuống ở làng An Hải nên cũng thuận theo ý trời để thi hài Đức Bà lại cho dân làng An Hải lo an táng và lập miếu thờ.
Hàng năm cứ vào ngày 18 tháng 10 (Âm lịch), dân làng đều tổ chức lễ giỗ rất trang trọng và thường là làm cỗ chay để tưởng nhớ. Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự chí hiếu của hoàng tử Cải đã được dân các làng ở Côn Đảo vô cùng quý trọng. Họ xây dựng và chăm chút cho miếu Bà (tức bà Phi Yến) cùng miếu Cậu (tức hoàng tử Cải) và nhang khói thường xuyên. Cũng từ đó, cám cảnh và thương xót hai mẹ con bà mà dân làng đặt ra câu ca trên.
Ngày nay, du khách ra thăm Côn Đảo, sau khi ghé nghĩa trang Hàng Dương, các khu trại tù, bảo tàng thì miếu Bà và miếu Cậu cũng là nơi mọi người hay lui tới.
Nam Hà
Các tin khác
UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xem xét, cho chủ trương để tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt hai quần thể di tích: không gian tháp cổ Champa Bình Định và quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn.
Sự thành kính và nghẹn ngào là những xúc cảm mà bộ tứ huấn luyện viên The Voice cùng dàn thí sinh mùa giải năm nay tiếc thương cho sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng liên khúc “Hò kéo pháo – Chiến thắng Điện Biên”.
"Tôi là người con Miền Nam, rất ngưỡng mộ tài, đức của Đại tướng. Hôm nay tôi vẽ bức chân dung xin dâng tặng hương hồn Người", họa sĩ Trí Đức xúc động nói.
Sau khi tổ chức thành công ABU GA 49 tại Seoul, Hàn Quốc – quốc gia nổi tiếng châu Á với những ban nhạc đình đám sẽ chỉ cử một nhóm nhạc nữ duy nhất đại diện xứ kim chi tới Hà Nội vào 26/10 tới.