Chim Pò ơi!
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/10/2013 | 7:43:20 AM
YBĐT - Mỗi chiều, chị em tôi thường ngóng lên trái núi Sắc Phất mờ xa quanh năm mây phủ, chờ một bóng áo nâu hao gầy đi ra từ màn mây trắng mịt mù. Chị em tôi sẽ ùa ra, niềm vui vỡ oà, cùng reo lên sung sướng: “A! Mẹ về! Mẹ về rồi!... Mẹ về rồi!...”.
Làng quê. Ảnh minh họa.
|
Mẹ xoa đầu tôi, đứa em nhỏ hơn được mẹ ôm vào lòng. Bao giờ mẹ cũng có quà, lúc thì vài quả đào tiên, quả ngoã mẹ hái ở dọc đường, lúc thì vài viên kẹo mút mua ở quán bà Điểm đầu bản. “A! Mẹ về! Mẹ về rồi!... Mẹ về rồi!...”. Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi chiều suốt những tháng năm dài tuổi thơ, là giây phút hạnh phúc nhất trong ký ức của chị em tôi.
Lớn hơn một chút, tôi nằng nặc đòi theo mẹ, phần muốn phụ giúp để mẹ đỡ vất vả, phần tò mò muốn xem cái thế giới bí mật trên trái núi Sắc Phất mờ sương mẹ vẫn đi về. Mẹ không cho theo, tôi khóc ăn vạ, mấy lần, thương tôi mẹ cho theo. Dốc lại nối dốc, những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp hiện ra mờ ảo. Nhìn lên đỉnh núi, mây mù phủ kín tưởng như đất trời liền nhau một dải. Con đường chỉ là một vệt nhỏ mờ mờ, trơn tuột. Tôi đi sau mẹ, tai ù đi, mồ hôi vã ra ướt đầm nhưng vẫn cố bước.
Cái thế giới mà tôi hằng mong đợi hiện dần ra trước mắt, lô nhô, nham nhở những đá là đá. Bao nhiêu tưởng tượng tốt đẹp về nơi làm việc của mẹ vỡ tan tành. Bỗng “Đ…ù…ng!...”, một tiếng nổ vang trời vọng ra từ lòng núi. Mẹ kéo tôi nấp vào một gốc cây lớn. Sau tiếng nổ, đất đá lở ầm ầm thành một vệt trắng xoá kéo dài từ đỉnh núi xuống khe sâu. Một lúc sau, vài chục người đi ra, người vần đá, người lấy búa đập đá rồi đục. Mẹ bảo đây là bãi khai thác đá quý và đá gốc, đá cảnh, người ta đục để cho những viên đá quý lộ ra. Đầu óc non nớt của tôi hiểu lờ mờ rằng, những viên đá quý lung linh, những hòn đá cảnh, đá phong thuỷ đủ sắc màu, hình thù được bày trong tủ kính ngoài phố huyện có lần cùng mẹ đi chợ huyện tôi nhìn thấy được lấy từ đây. Công việc của mẹ tôi là dùng gùi cõng những hòn đá đó xuống núi, đến nơi xe công nông có thể vào chở đá đi được. Cái gùi che kín tấm lưng gầy gò. Hòn đá nặng trịch trong gùi dường như quá sức đối với mẹ nhưng mẹ vẫn cố để đổi lấy 20 nghìn đồng một chuyến.
Theo sau mẹ, tôi trượt ngã trầy xước hai bàn chân. Xuống đến chân núi, giao đá cho chủ cai bãi đá, mẹ lại lên núi cõng chuyến thứ hai. Tôi không còn đủ sức theo nên ngồi ở gốc cây ven đường đợi. Bất chợt đâu đó, trong lũng núi, phía sau lưng, xung quanh tôi có những tiếng chim Pò ơi cất lên khắc khoải: “Pò ơi!... pò ơi!...” buồn đến nao lòng. Tự nhiên tôi òa khóc. Mẹ bảo chị em tôi giống con chim Pò ơi.
Mẹ kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một đứa trẻ mồ côi mẹ, một hôm vì quá thèm vải nên đòi cha. Thương con, người cha đi mãi vào rừng sâu, khi thấy cây vải to người cha trèo lên, chẳng may bám vào cành mục rơi xuống và chết. Người con ở nhà chờ mãi, chờ mãi không thấy cha về, nó khóc lạc cả giọng và hóa thành con chim Pò ơi (bố ơi) suốt ngày gọi “Pò ơi!... pò ơi!...” tìm bố. Chị em tôi chối nguây nguẩy: “Con không làm con chim Pò ơi đâu, buồn lắm! Con chim Pò ơi không có cha, không có mẹ, chúng con vẫn còn có mẹ đấy thôi!...”. Lúc đó, mẹ ôm chúng tôi vào lòng thật chặt.
Nhà nghèo, ruộng ít không đủ ăn, bố tôi khăn gói vào rừng sâu tìm vận may. Thời ấy, bãi Kim Kang, Cổng Trời, Vắt Xanh, Sắc Phất, Sắc Cút, Tát Đình, Chùm Chăn… được coi là “thủ phủ” của đá quý. Nhưng cha đào mãi, đào mãi chẳng được viên đá quý nào, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Rồi một ngày cha trượt chân rơi xuống vách đá, bỏ lại chị em tôi như con chim Pò ơi trong câu chuyện xưa mẹ kể. Cái ăn cái mặc lại bắt mẹ tôi tìm về nơi cha đã mất, gùi từng hòn đá để mưu sinh.
Sau lần theo mẹ ấy, chiều chiều, chị em tôi vẫn ngóng lên dãy núi Sắc Phất mờ xa, mong mẹ mau mau về kèm theo cảm giác nôn nao, lo lắng. Mẹ về, chị em tôi không còn reo lên sung sướng “A! Mẹ về! Mẹ về rồi!... Mẹ về rồi!...” như trước nữa mà đứa đỡ chiếc gùi trên lưng mẹ, đứa rót nước cho mẹ uống. Chúng tôi thi nhau khoe: “Mẹ ơi, con nấu cơm xong rồi…”, “Mẹ ơi, chúng con khiêng củi để dưới gầm sàn rồi…”, “Mẹ ơi, con cho gà ăn rồi nhé…”… Nhìn mẹ cười hạnh phúc mà tôi nghe lòng mình rưng rưng. Chị em tôi tự nhủ sẽ làm hết việc nhà để mẹ được nghỉ ngơi mỗi lúc đi làm về. Có lẽ chị em tôi chỉ giúp mẹ được những điều nhỏ bé ấy.
Chị em tôi lớn lên, đi học. Gùi đá trên lưng mẹ ngày một nặng hơn. Mỗi chiều đi học về, chị em tôi lại ngóng lên trái núi Sắc Phất mờ xa. Mỗi lần thấy dáng hao gầy của mẹ đi ra từ màn mây trắng là chị em tôi thấy lòng mình được bình yên…
Chợt tiếng chim Pò ơi đâu đó lại vọng về khắc khoải “Pò ơi!... pò ơi!...”. Giật mình khi thấy chiếc lá vàng rơi, tôi nhận ra mình hạnh phúc khi còn có mẹ để đợi mỗi chiều.
Nông Quang Khiêm
Các tin khác
Nhà văn Thái Bá Lợi vừa nhận giải văn học Hoàng gia Thái Lan mang tên Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2013 dành cho tiểu thuyết mới nhất: “Minh sư - chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” với nhiều hoạt động quy mô và phong phú sẽ diễn ra từ ngày 18-24/11 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây-Hà Nội).
Với kinh phí 8 tỷ won, “Pororo: The Racing Adventure” là bộ phim hoạt hình đánh dấu sự trở lại của Pororo ra mắt khán giả năm 2003.
Kỷ niệm 125 năm thành lập, tạp chí du lịch - khám phá nổi tiếng của Mỹ - National Geographic mời độc giả từ khắp nơi trên thế giới gửi ảnh về cho báo. Một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Việt Nam đã lọt top những bức ảnh đẹp nhất.