Rừng thiêng ở Mường Lò
- Cập nhật: Thứ hai, 4/11/2013 | 8:44:17 AM
YBĐT - Mường Lò là nơi định cư lâu đời của nhiều tộc người như Thái, Mường, Tày, Mông, Dao, Khơ Mú …; trong đó tộc người Thái chiếm số đông. Đây là cánh đồng lớn thứ nhì của Tây Bắc Việt Nam. Mỗi tộc người có một phong tục, tập quán và có nhiều diện mạo văn hóa phong phú, độc đáo.
Bên rừng hồn trâu ở xã Thạch Lương, Văn Chấn.
|
Những lễ hội Xên bản, Xên mường và Xên đông là lễ tục có tính xã hội luật tục cao. Mỗi khi tổ chức cúng tế, các tộc người cùng chung sống ở nơi đây đều đóng góp lễ vật, không phân biệt đẳng cấp, không phân biệt họ tộc, họ đóng góp cho lễ hội một cách tự giác, một cách nghiêm túc. Họ tin ở việc họ làm, họ tin ở lời ông mo cúng, họ tin rằng rừng thiêng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Khi ông Mo cúng họ lắng nghe, lời cúng đã khiến cho mọi người cảm thấy vinh hạnh vì họ góp phần lễ vật thành tâm vào lễ cúng, như:
Chiềng On rộng, dũng mãnh
Chiềng On có từ thuở xa xưa
Ba mươi ngôi nhà lợp cỏ
Năm mươi ngôi nhà lợp gianh, lợp lau
Tay trái kiếm ra
Tay phải làm nên
Mới có trâu đực trắng sừng cong
Trâu đen sừng quắp
Về giết mổ bày mâm cúng tế
Rồi họ mời chúa rừng xanh, mời chủ núi, chủ đồi, chủ sông, chủ suối nơi thuộc địa phận của họ. Như Chiêng On, xã Phù Nham, xã Sơn Thịnh, xã Đồng Khê… Họ mời chủ đá Sam Sảu Huổi Co Cại, Co Đứa, chúa Đông Ngoạng, chủ Đông Toòng về xơi mâm cỗ.
Khi mời các chúa ăn cỗ xong, ông mo cầu khẩn họ phù hộ, dân bản, dân mường khỏe mạnh, cho rừng xanh xanh bạt ngàn, dòng suối êm dịu chảy tít tắp, đồi núi rừng có chim muông, có hoẵng nai, cỏ cây như:
Được ăn rồi hãy cho
Rừng xanh bạt ngàn trông mỏi mắt
Cho rừng thẳng tắp mỏi cánh cò bay
Hươu nai luôn sum vầy
Sớm sớm công khoe sắc
Họ ước vọng có rừng đến như vậy, họ tin ở lời mo cầu đến như thế. Theo sự phân chia từ xưa, Mường Lò Luông gồm các xã: Nghĩa Phúc, Nghĩa An, Nghĩa Lợi, phường Tân An, phường Pú Trạng, phường Cầu Thia và phường Trung Tâm thuộc thị xã Nghĩa Lộ ngày nay. Rừng thiêng ở giáp ranh hai bản ả Mọi và Phán hạ. Mường Lò Da gồm các xã: Sơn A, Sơn Lương, Sài Lương, thuộc huyện Văn Chấn. Rừng thiêng ở giáp giữa hai bản Cò Cọi và Bản Hẻo.
Mường Lò Cha gồm các xã : Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương thuộc Văn Chấn và hai bản Hát Lừu thuộc huyện Trạm Tấu ngày nay.
Rừng thiêng ở giáp bản Viềng Công xã Hạnh Sơn là nơi thủ lĩnh người Thái Cầm Chiêu, Cầm Tám xây lũy, đắp thành, chống giặc Cờ vàng năm 1873 ở Mường Lò. Mường Pục Chiềng On gồm các xã Phù Nham, Sơn Thịnh Đồng Khê chung một rừng thiêng ở Che Mín giáp bản Ta Tiu xã Phù Nham thuộc huyện Văn Chấn ngày nay.
Hàng năm vào các tháng 7, tháng 8 Âm lịch các lễ tục Xên đông đều diễn ra ở 4 địa điểm trên. Họ giống nhau ở lời cầu mong, lời ước nguyện và niềm tin và cả lễ vật cúng, song mỗi nơi khác nhau ở đối tượng mời ăn cỗ vì họ khác rừng, khác núi, khác khe, khác suối, khác ngòi, khác địa giới. Xên đông là những qui ước của cộng đồng nhằm nâng cao ý thức tốt hơn nữa với rừng cây, với sông suối với đồi núi, mà nơi họ đang sinh cơ lập nghiệp.
Đây là mỹ tục đã có từ ngàn xưa: “Bươn lắp bươn đi, pi lắp ók pi maứ, bản mướng bấu bang lẩy hịt khong pựn”, có nghĩa là: Ngày lành tháng tốt, năm hết tết đến, bản mường không bỏ được phong tục, tập quán (cúng rừng) của dân tộc, vì đó là cội nguồn. Điều đặc biệt trong lễ cúng rừng là bao giờ cũng do hai thầy mo người Thái và người Thổ cùng cúng tế. Bên cạnh yếu tố tâm linh thì đây còn là biểu tượng của tình đoàn kết và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và xây dựng bản mường.
Lễ cúng rừng thường tổ chức ở địa điểm có cây cổ thụ mang tính thiêng liêng nơi cửa rừng. Lễ vật bao giờ cũng mổ trâu… Thầy mo đại diện cho dân chúng cầu xin đấng tối cao, thần rừng những điều tốt đẹp đến với bản làng và cả rừng cây, núi đồi… Sau lễ cúng trang trọng, dân bản vui liên hoan và chơi các trò chơi truyền thống như: Tung còn – “tọt cón”, kéo co – “lạ vai”, xòe… Các chàng trai, cô gái nhảy múa trong tiếng cồng chiêng và hát những bài hát có ý nghĩa: cầu cho mưa thuận gió hoà, rừng mãi xanh tốt, trồng lúa được lúa tốt, trồng ngô thì được bắp ngô to, săn thú thì gặp những con thú lớn...
Trải qua hàng ngàn năm sống với tự nhiên, sống với núi rừng, người Thái Mường Lò nói riêng và người miền núi Yên Bái nói chung đã hiểu được các quy luật của tự nhiên. Từ đó, họ đã đặt ra những luật tục bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, thần thánh hoá và tạo ra sự huyền bí cho luật tục, nhằm răn đe những ai muốn xâm phạm hệ sinh thái bền vững của tự nhiên.
Người Thái Mường Lò quan niệm khu rừng thiêng là nơi ngự trị của thần linh, đó là nơi che chở cho muông thú mà con người không được động đến, nếu ai xúc phạm sẽ bị thần linh trừng phạt. Nhiều nơi còn cho là: những con thú rừng bị người đi săn bắn bị thương chạy trốn vào rừng thiêng cũng được thần linh bảo vệ, người đi săn nếu đuổi con thú mà nó đã chạy vào rừng thiêng thì cũng phải dừng lại, không truy đuổi nữa... nếu ai vào, các già làng biết sẽ bị phạt.
Chính những điều cấm kị như vậy đã ngẫu nhiên biến rừng thiêng trở thành nơi trú ngụ an toàn của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Bao đời rồi, người Thái Mường Lò vẫn sống bình yên như vậy và truyền nhau lưu giữ những điều cấm kỵ, để họ còn có được một cánh rừng già hiếm hoi, quý giá như chính sự sùng kính tổ tông và những điều thiêng liêng nhất. Cánh rừng vẫn còn đó như một dấu hỏi về những điều huyền bí. Rừng thiêng là một tín ngưỡng biểu trưng cho thái độ sống biết trân trọng tự nhiên và di dưỡng những tài nguyên quý báu.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Chuyên trang sắc đẹp uy tín Missosology vừa bình chọn 5 trang phục dân tộc đẹp nhất tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013.
Từ ngày 24/10-10/11, triển lãm thường niên “Điêu khắc bên bờ biển” lần thứ 17 diễn ra tại bãi biển Bondi nổi tiếng của Australia với chủ đề chính là bảo vệ thiên nhiên và môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đây được coi là triển lãm điêu khắc ngoài trời lớn nhất thế giới.
Bộ VH,TT&DL đã ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với 14 di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ.
Tại lễ khai mạc triển lãm ảnh của họa sĩ Vi Quốc Hiệp sáng nay, bức tranh chân dung "cha đẻ" của Đà Lạt kết bằng 10.000 hạt đậu đã được công nhận kỷ lục Việt Nam.