Gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao công bố hai ca khúc di cảo của nhạc sĩ
- Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2013 | 7:52:03 AM
Sáng 12-11, gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao cho biết sẽ công bố hai khúc nằm trong di cảo của cố nhạc sĩ trong đêm nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông.
Đêm nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Văn Cao diễn ra vào ngày 22-11
|
Đêm nhạc diễn ra vào 20h ngày 22-11 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Đêm nhạc sẽ tái hiện một cách cơ bản quá trình sáng tác của cố nhạc sĩ với những tác phẩm bất hủ. Ở mảng tình ca, khán giả sẽ được thưởng thức lại những ca khúc như “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Trương Chi”… Ở mảng hùng ca, đêm nhạc sẽ giới thiệu lại những tác phẩm kinh điển như “Bắc Sơn”, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”… Đêm nhạc có sự tham gia của các ca sĩ: NSND Quang Thọ, Ánh Tuyết, Đăng Dương, Lan Anh…
Họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết, toàn bộ kết cấu của đêm nhạc được diễn ra theo trình tự thời gian sáng tác của nhạc sĩ. Trong đêm nhạc này, anh sẽ thay mặt gia đình giao lưu với khán giả và tiết lộ một số câu chuyện liên quan đến hoàn cảnh sáng tác của từng ca khúc. “Mỗi bài hát của nhạc sĩ Văn Cao đều có những câu chuyện riêng mà ông sau này có ghi chép lại để con cháu được biết. Tôi kể những câu chuyện này với khán giả để người nghe hiểu hơn về sáng tác cũng như con người của cha tôi. Còn những câu chuyện đời tư của ông và gia đình, tôi sẽ hẹn vào một dịp khác khi chúng tôi xuất bản cuốn sách riêng về việc này”, trưởng nam của nhạc sĩ Văn Cao cho biết.
Điều đặc biệt trong đêm nhạc, lần đầu tiên gia đình của cố nhạc sĩ Văn Cao tuyên bố 2 ca khúc nằm trong di cảo của nhạc sĩ. Đó là hai ca khúc chưa từng được giới thiệu, một là “Dưới ngọn cờ giải phóng” viết vào năm 1962 và ca khúc “Ta đi làm con suối” được ông viết cho công nhân mỏ Quảng Ninh những năm 70. Theo họa sĩ Văn Thao, “hai ca khúc này sẽ vẽ thêm một nét mới vào chân dung âm nhạc của Văn Cao”.
Cũng trong đêm nhạc, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức bài “Tiến quân ca” theo phong cách hợp xướng, với lời bài hát gốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm Quốc ca trước khi Quốc hội sửa lời vào năm 1955. “Khi cha tôi viết Tiến quân ca, ông chỉ nghĩ viết một hành khúc như một hồi kèn thúc giục đoàn quân lên đường làm nhiệm vụ. Không ngờ, sau này bài hát đã được chọn làm Quốc ca của Việt Nam”, ông Văn Thao tâm sự.
Trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Văn Cao được xem là một “tượng đài” nhờ sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy trải trên 2 mảng: Tình ca và hùng ca. Không chỉ là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm giá trị.
Đêm nhạc này sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố nhà văn Nam Cao. Trước đó, vào đầu tháng 11 Nhà xuất bản Hội nhà Văn ra mắt tập thơ Văn Cao và tổ chức hội thảo về tập thơ này. Các Đài truyền hình cũng đã phát sóng bộ phim tài liệu về nhạc sĩ Văn Cao. Dự kiến, sẽ còn nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức nhằm kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Văn Cao trong thời gian tới.
(Theo HNMO)
Các tin khác
UNESCO đánh giá Việt Nam đã có một nhiệm kỳ thành viên Hội đồng chấp hành rất hiệu quả và thiết thực.
Đại hội Quảng cáo châu Á (AdAsia) lần thứ 28 với chủ đề “Tái cấu trúc truyền thông quảng cáo” đã chính thức khai mạc tối 11/11, tại Hà Nội.
Triển lãm các tác phẩm, bản sao các bức tranh của danh họa Nicholai Roerich, mở cửa từ 11 - 17/11 tại Hà Nội.
Ngày 11-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng quốc gia Kyushu (Nhật Bản) đã ký kết trưng bày chuyên đề "Văn hóa Nhật Bản".