Châu Âu kiên định với “giá trị vàng” của nhạc cổ điển
- Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2013 | 8:25:34 AM
Nhân dịp Dàn nhạc giao hưởng Paris - một trong những dàn nhạc danh tiếng nhất Châu Âu - sang lưu diễn tại Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Bruno Hamard (Giám đốc dàn nhạc) và chị Ngô Phương Mai, người Pháp gốc Việt - một nghệ sĩ violin của dàn nhạc.
Dàn nhạc giao hưởng Paris tại Nhà hát Salle Pleyel.
|
Cuộc trò chuyện nhằm tìm hiểu về sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại nước Pháp nói chung và Châu Âu nói riêng, đồng thời khám phá sự gắn kết sâu sắc giữa nhạc cổ điển và sự lành mạnh của đời sống dân sinh/ xã hội.
Dưới đây là chia sẻ chị Ngô Phương Mai - với tư cách là một nghệ sĩ violin chơi trong dàn nhạc giao hưởng Paris. Tham gia dàn nhạc từ năm 1991, Phương Mai từng giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế Tibor Varga tại Thụy Sĩ năm 1982.
Violinist Ngô Phương Mai
Các nhạc công của dàn nhạc giao hưởng Paris có chơi tự do ở ngoài dàn nhạc để kiếm sống hay không? Hay họ có thể tập trung tập luyện và biểu diễn cùng với dàn nhạc?
- Các nhạc công tại Pháp có thể chia làm 2 thành phần: một nhóm có "biên chế" - được kí hợp đồng dài hạn với các dàn nhạc. Họ có lương tháng và sống với nguồn đó. Ngoài ra có một số nghệ sĩ dù cũng chơi trong dàn nhạc nhưng họ là người được mời cho một số buổi biểu diễn thôi, họ làm tự do và kí hợp đồng theo sự kiện.
Trung bình thời gian tập luyện của nhạc công Pháp là bao nhiêu giờ mỗi ngày?
- Thông thường, khoảng 1 tuần chúng tôi lại có một chương trình mới và biểu diễn trong 2 hoặc 3 đêm. Thế nên, thứ 2 và thứ 3 thường được dành để luyện tập chung với đoàn, và những ngày tiếp theo thì biểu diễn (thứ 4, thứ 5, thứ 6). Qua tuần kế tiếp lại là một chương trình mới.
Về hoạt động cá nhân của nhạc công, dĩ nhiên họ phải tập luyện sau những giờ tập chung với đoàn. Có thể tập theo từng nhóm nhỏ (tam tấu, tứ tấu ..vv) hoặc tập solo. Chương trình tập luyện cho mỗi tuần khá nặng.
Tôi rất bất ngờ khi biết mỗi tuần các bạn đều có một chương trình mới. So với các thủ đô âm nhạc khác như Áo hay Đức thì lịch diễn này có dày hơn không? Việt Nam, khoảng 2 tuần dàn nhạc mới có một chương trình mới.
- Tôi không rõ lắm về các dàn nhạc ở Đức và Áo, nhưng lịch diễn này có thể khiến bạn và một số nhạc công trẻ bất ngờ. Khi chương trình ra nhanh quá, các nhạc công trẻ sẽ gặp khó khăn hơn.
Trong dàn nhạc giao hưởng Paris có những nhạc công đứng tuổi. Mỗi dàn nhạc thường có một "kho" danh mục tác phẩm để trình diễn, nếu diễn hết có thể đến 20-30 năm. Như vậy khoảng 3 năm sẽ lại lặp lại 1 tác phẩm từng diễn. Nếu nhạc công có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong dàn nhạc, gặp chương trình sử dụng lại một tác phẩm đã từng trình diễn thì sự chuẩn bị của họ sẽ nhanh hơn.
Nên trong một dàn nhạc luôn có những người đứng tuổi và những người trẻ, họ tiếp nối và bổ sung cho nhau về kinh nghiệm và nhiệt huyết. Điều đó là cần thiết.
Tôi đồng ý rằng người trẻ cần được thử thách để họ có nỗ lực nhiều hơn, bắt kịp những nhạc công lớn tuổi. Xin hỏi chị, với tần suất biểu diễn dày như vậy thì khán giả có đông không?
- Nhìn chung, tôi thấy khán phòng tương đối kín. Thường dàn nhạc có 2 đối tượng khán giả: khán giả vãng lai và khán giả đăng kí theo năm.
Tôi từng đọc những bài báo nước ngoài cảnh báo về việc nhạc cổ điển đang chết trong kỉ nguyên thông tin số và truyền thông mạng.
- Với tư cách là một nhạc công trong dàn nhạc, tôi cho rằng không có hiện tượng đó - nhìn vào số lượng khán giả vẫn đến xem các buổi biểu diễn của chúng tôi. Nhưng đúng là giới trẻ ít nghe giao hưởng hơn các thể loại khác. Vì vậy, dàn nhạc giao hưởng Paris luôn có hoạt động hướng tới giới trẻ, để mang âm nhạc cổ điển tới cho các em.
Đưa âm nhạc cổ điển tới trẻ em là một trong những hoạt động chúng tôi rất lưu tâm, không chỉ riêng dàn nhạc giao hưởng Paris mà các dàn nhạc khác tại Châu Âu cũng vậy. Điều này để tránh hiện tượng - như bạn nói - là nhạc giao hưởng đang mất đi ở một số nơi. Đó chưa phải là tình trạng xảy ra trên diện rộng bây giờ, nhưng là điều chúng ta phải tránh bằng một hành động cụ thể.
Ở vị trí một công dân Pháp, chị thấy trên truyền hình/báo chí, tin tức về âm nhạc cổ điển có bị "lép vế" so với các loại hình âm nhạc khác?
- Ngang nhau thôi. Nhạc cổ điển vẫn được đề cập trên các phương tiện truyền thông, báo chí; nhưng tại một thời điểm, tin tức nhiều hay ít lại phụ thuộc vào chương trình truyền thông mà dàn nhạc tổ chức thực hiện. Họ làm truyền thông tốt thì nhiều tin tức, không làm thì ít tin tức hơn.
Nhưng có một ví dụ thế này, một lần dàn nhạc giao hưởng Paris trình diễn vở opera Elektra của nhà soạn nhạc Đức Richard Strass tại Festival Aix-En-Provence (một festival âm nhạc quốc tế được tổ chức thường niên vào mùa hè của Pháp). Sau khi diễn xong, chúng tôi đọc được rất nhiều bài phê bình, không chỉ từ báo Pháp mà còn báo chí Châu Âu. Các nhà báo viết những bài rất dài để phê bình chất lượng của buổi hòa nhạc đó. Điều đó cho thấy, bản thân âm nhạc cổ điển có vị trí riêng trên báo và các phương tiện truyền thông Pháp - Châu Âu.
Là một người Pháp gốc Việt, dấu ấn Việt Nam ở trong chị như thế nào?
- Cha tôi là người Việt, mẹ tôi là người Pháp. Cha rất khác với những người đàn ông Pháp. Dù tôi trưởng thành và được giáo dục theo kiểu Pháp, trong môi trươờng Pháp; nhưng việc tiếp xúc với cha tôi hàng ngày chắc chắn sẽ để lại dấu ấn nhất định về văn hóa. Dù vậy, tôi không thể định nghĩa được, hay gọi tên ra. Một số đặc điểm tôi nghĩ mình được thừa hưởng từ văn hóa Việt Nam và cha, là sự kín đáo, lòng kiêu hãnh và tinh thần gần gũi với gia đình. Tôi không biết những đặc tính đó là của riêng gia đình tôi hay là điều tôi thừa thưởng từ văn hóa Việt Nam.
Xin cảm ơn chị Ngô Phương Mai!
Nhạc cổ điển giúp đỡ trẻ em đường phố "Theo chúng tôi, văn hóa cũng quan trọng như thức ăn" - ông Bruno Hamard, Giám đốc dàn nhạc giao hưởng Paris chia sẻ. Ông cho biết, từ 5 năm nay, dàn nhạc tham gia vào dự án DBMOS - giáo dục âm nhạc cổ điển cho trẻ em đường phố, trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn. Các nhạc công sẽ dạy trẻ em chơi nhạc cụ miễn phí, truyền đạt cảm hứng âm nhạc chúng. Từ đây, một số em có năng khiếu hoặc muốn theo đuổi âm nhạc thể được nhận vào các trường nhạc sau này.
Giám đốc dàn nhạc Bruno Hamard Dự án này bắt nguồn từ El Sistema - một ý tưởng nổi tiếng thế giới phát đi từ đất nước Venezuela, nhằm mục đích cải thiện xã hội thông qua nhạc cổ điển. Người Mỹ từng nói El Sistema chính là thứ họ cần gấp, còn Anh cũng sao chép mô hình này. Giờ đây, đến lượt nước Pháp tham gia. Được thành lập vào năm 1975 bỏi nhạc sĩ/giáo sư kinh tế Jose Antonio Abreu (từng là Bộ trưởng bộ Văn hóa Venezuela), chương trình giáo dục âm nhạc El Sistema đã giúp hàng trăm nghìn trẻ em nghèo, trẻ em đường phố tại Venezuela tiếp cận âm nhạc cổ điển, từ đó tránh xa cái xấu, bạo lực và sự cám dỗ của ma túy. Ngân hàng phát triển Mỹ IDB tính toán, El Sistema giúp trẻ em học tập tốt hơn ở trường và giảm tội phạm vị thành niên. Họ cho rằng, mỗi USD đầu tư vào El Sistema sẽ đem lại 1,68 USD lợi nhuận cho xã hội. Tại Việt Nam, một dự án mang tên "Dàn hợp xướng Kì diệu" vừa được thông báo bắt đầu đi vào hoạt động (tháng 9/2013), lấy cảm hứng từ El Sistema. Nghệ sĩ piano trẻ tuổi Trang Trịnh và nghệ sĩ opera Hàn Quốc Park Sung Min (chồng cô) đã sáng lập dự án này với mục tiêu xây dựng một dàn hợp xướng gồm các thành viên là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội. "Chúng tôi mơ về một gia đình thực sự, nơi sự nghiêm túc và cầu tiến đi đôi với lòng vị tha và sự kiên trì. Âm nhạc và tình yêu thương phải đi đôi, và thành công sẽ được đánh giá bằng những nụ cười và từng bài hát" - Trang Trịnh và Park Sung Min nói.
|
Các tin khác
Sáng 12-11, gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao cho biết sẽ công bố hai khúc nằm trong di cảo của cố nhạc sĩ trong đêm nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông.
UNESCO đánh giá Việt Nam đã có một nhiệm kỳ thành viên Hội đồng chấp hành rất hiệu quả và thiết thực.
Đại hội Quảng cáo châu Á (AdAsia) lần thứ 28 với chủ đề “Tái cấu trúc truyền thông quảng cáo” đã chính thức khai mạc tối 11/11, tại Hà Nội.
Triển lãm các tác phẩm, bản sao các bức tranh của danh họa Nicholai Roerich, mở cửa từ 11 - 17/11 tại Hà Nội.