Rối nước đi Pháp và cơ hội hồi sinh
- Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2013 | 8:12:11 AM
Cuối tháng 12 này, vở rối nước Truyện cổ Andersen (đạo diễn Ngô Quỳnh Giao - Vương Duy Biên) của Nhà hát Múa rối VN sẽ sang Pháp biểu diễn tại Bảo tàng Quai Branly (Paris), trở thành sự kiện văn hóa đầu tiên trong Năm Việt Nam tại Pháp 2014.
Truyện cổ Andersen được kể bằng nghệ thuật rối nước Việt Nam.
|
Ngoài sự độc đáo về loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị của rối nước, một lý do quan trọng khác để Tổ chức Interarts Riviera SA Pháp - đơn vị đưa Truyện cổ Andersen sang Pháp - chọn vở rối này là cách kể chuyện mới mẻ của rối nước về những câu chuyện cổ nổi tiếng của Andersen.
Truyện cổ Andersen hiện được các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối VN tích cực tập luyện. Kịch bản được rút gọn lại trong thời gian 60 phút với ba câu chuyện Chú lính chì dũng cảm, Vịt con xấu xí và Nàng tiên cá. Gần 100 con rối được làm mới hoàn toàn để phù hợp cho việc biểu diễn tại nhà thủy đình đặt trong hồ nước có mực nước chỉ sâu nửa mét (thông thường là 1m). Kỹ thuật biểu diễn điều chỉnh đôi chút khi mọi động tác được “quay chậm” để lấy sự thong thả hơn, yên tĩnh hơn và thơ mộng hơn. Phần âm nhạc cũng được nhạc sĩ Henry Torgue (Pháp) viết mới bằng những giai điệu thảnh thơi, êm ái mà sâu lắng. Riêng phần sân khấu, Tổ chức Interarts sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, dàn dựng ngay tại Pháp với sự thay thế tấm mành tre treo trước buồng trò bằng dây rido đen.
Theo ông Jean - Luc Larguier, giám đốc Tổ chức Interarts Riviera SA Pháp, dự kiến vở rối nước này sẽ được biểu diễn từ ngày 26-12 và kéo dài khoảng 10 buổi. Nếu hiệu ứng khán giả tốt, đơn vị sẽ tính đến việc tiếp tục tổ chức các đợt lưu diễn dài ngày trong thời gian tiếp theo như vào dịp liên hoan mùa hè tháng 6 và 7-2014.
Tám năm trước, vở rối nước Truyện cổ Andersen đã kể bốn câu chuyện cổ là Chim họa mi, Chú lính chì dũng cảm, Vịt con xấu xí và Nàng tiên cá. Trong không gian sân khấu thủy đình bỗng đâu xuất hiện những lâu đài tráng lệ, cung điện nguy nga... Các nhân vật không phải là chú Tễu, rồng, lân, phượng, nông dân... nữa mà là vua, công chúa, chú lính chì, bầy thiên nga, nàng tiên cá... Và các con rối đã trở thành nhân vật kịch, qua đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ đã biết biểu lộ, giao lưu về tình cảm... Sự kết hợp độc đáo này đã đem đến cho Truyện cổ Andersen huy chương vàng tại Liên hoan múa rối quốc tế lần 2 tại VN năm 2010.
Họa sĩ Ngô Quỳnh Giao - người viết kịch bản, tạo hình con rối và đồng đạo diễn vở Truyện cổ Andersen - đã ví von: “Vở này tính ra “giỗ” được bảy, tám năm rồi. Vì sau khi công diễn, phần lớn vở chỉ nằm im trong kho nên những con rối giờ đã hư hỏng. Tôi hi vọng nhân dịp này vở rối sẽ được hồi sinh”.
Rối nước có thể kể được nhiều câu chuyện * Thưa ông Jean - Luc Larguier, vì sao ông lại chọn Truyện cổ Andersen chứ không phải là những trò rối nước cổ truyền rất nổi tiếng của VN để đưa sang Pháp? - Tôi đã có 30 năm làm việc về rối nước VN. Việc đưa các trò diễn cổ truyền sang Pháp tôi đã thực hiện rất nhiều. Vậy nên, cách đây tám năm, trong một dịp làm việc với Nhà hát Múa rối VN, đại diện là ông Ngô Quỳnh Giao, tôi đã nêu ý kiến: Sao các ông không nghĩ đến việc làm điều gì đó khác đi so với những trò diễn cổ? Tôi cũng rất bất ngờ sau ý kiến ấy, nhà hát đã có một vở rối nước kể câu chuyện rất mới là Truyện cổ Andersen. Nhân dịp Năm VN tại Pháp 2014, tôi đã nghĩ ngay đến rối nước và muốn người Pháp xem, nghe truyện Andersen bằng nghệ thuật múa rối nước VN. * Như thế có nghĩa là rối nước VN còn có thể làm được nhiều chuyện thú vị và bất ngờ, thưa ông? - Đúng thế. Tôi xin được lấy thêm một ví dụ nữa là vở rối nước Người thầy của những con rối của đạo diễn Dominique Pitoiset, hợp tác với Nhà hát Múa rối VN từ mấy năm trước. Vở rối nước này lại là một câu chuyện rất nên thơ kể về nguồn gốc của các con rối nước và đã được biểu diễn gần 100 lần ở Pháp, tiếc rằng chưa thể biểu diễn ở VN vì những điều kiện về sân khấu và kỹ thuật. Vậy đấy, rối nước của các bạn còn có thể kể được rất nhiều câu chuyện mang nhiều sắc thái khác nhau. Nhưng có điều các bạn cần có những người đam mê với múa rối để rối nước của các bạn không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn thật sự phát triển trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. |
(Theo TTO)
Các tin khác
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2014 cho biết, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế lần thứ 8 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 20-4-2014 là nơi tụ hội các cố đô tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
YBĐT - Những ai quan tâm đến văn hóa dân gian các tộc người đều có chung một nhận định rằng việc duy trì các sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đang mai một nghiêm trọng. Sự mai một này có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân căn bản đó là không phát huy được lực lượng kế thừa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Ban Chỉ đạo Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I năm 2014 tại tỉnh Bạc Liêu.
50 tác phẩm của những nghệ sỹ đến từ Hội Kogei Kyoto thể hiện những nét đẹp tinh tế trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản.