Làn điệu Páo dung của dân tộc Dao được công nhận di sản

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/11/2013 | 2:24:30 PM

Những ngày này, đồng bào Dao ở tỉnh Tuyên Quang rất phấn khởi vì Páo dung - làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc Dao vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân tộc Dao.
Người dân tộc Dao.

Nghệ nhân Phàn Văn Phú, dân tộc Dao, ở thôn 5, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên cho biết theo tiếng của dân tộc Dao, "Páo dung" có nghĩa là "ca hát."

Hát Páo dung là hát dân ca của dân tộc Dao, là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày.

Cũng theo nghệ nhân Phàn Văn Phú, hát Páo dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Páo dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Dao ở Tuyên Quang.

Nghệ nhân Triệu Văn Long, dân tộc Dao ở xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn cho biết: Với người Dao, nghệ thuật hát Páo dung luôn được giữ gìn như báu vật. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, nam thanh nữ tú người Dao lại rủ nhau đi hát từ bản này sang bản khác.

Cuộc hát say sưa khiến họ như quên ngày, quên tháng. Dẫu có tàn cuộc, chia tay, nhưng dường như những cuộc Páo dung chưa bao giờ kết thúc để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi vụ mùa đã xong, trai gái trong bản lại tiếp tục lời hẹn Páo dung ngày nào.

Hát Páo dung được chia thành các loại hình: Hát Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…; hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao như lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng…

Hát Páo dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau. Nét độc đáo trong hát Páo dung là đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.

Hát Páo dung mang chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, thể hiện nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Giá trị văn hóa lớn nhất được thể hiện trong những làn điệu Páo dung chính là định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương.
Nhiều nội dung sâu sắc được chuyển tải trong những làn điệu dân ca, đề cập sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa,lao động sản xuất...

Hiện nay, dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 9 ngành (nhóm) Dao, mỗi ngành sống cộng cư với các dân tộc khác ở một vùng nhất định. Trong đó, ngành Dao Quần chẹt, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Quần trắng, Dao Ô gang sống tập trung ở huyện Yên Sơn, Sơn Dương. Ngành Dao Đỏ, Dao Thanh y, Dao Tiền, Dao Áo dài sống tập trung ở huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên.

Với mỗi ngành Dao, lối hát Páo dung có sự khác biệt trong âm hưởng của làn điệu. Điển hình như, hát giao duyên của người Dao Áo dài có những nét riêng, thể hiện sự tế nhị trong quan hệ tình cảm giữa nam và nữ.

Khi người con trai gặp người con gái, muốn làm quen, sẽ hát:" Hôm nay số may được gặp cô nàng, sợ cô nàng không đồng ý tâm sự với nhau, thì mai sau chỉ biết thương nhớ ở đằng sau thôi…". Người con gái nếu đồng ý sẽ đáp lại "Hôm nay cũng nhiệt tình gặp anh chàng thương quý nhau, đi bộ không còn biết đến giờ giấc nữa…"

Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang băn khoăn: Phần lớn các làn điệu Páo dung cổ được ghi bằng chữ Nôm - Dao (theo chữ viết riêng của dân tộc Dao).

Trong khi, những người biết tiếng Nôm - Dao chủ yếu tập trung ở những người làm nghề thầy cúng nhưng họ chỉ quan tâm đến các làn điệu phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, do đó, nguy cơ thất truyền, mai một của các làn điệu Páo dung cổ là rất lớn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với các huyện xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn hát Páo dung tại các địa phương đúng với truyền thống và theo nguyện vọng của người dân.
Ngành và các địa phương cũng tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Páo dung đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền.

Hàng năm, cuộc thi hát Páo dung cũng được tổ chức ở cấp thôn, xã, liên xã; các buổi hội thảo chuyên đề về hát Páo dung cũng diễn ra.
Các hoạt động này giúp thế hệ trẻ học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa do cha ông để lại; khơi gợi, khích lệ lòng tự hào về bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Dao, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên để họ thêm yêu quý làn điệu Páo dung đằm thắm, ngọt ngào.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ban nhạc cổ điển AUN J.

Nhân kỷ niệm 40 năm Hữu nghị và Hợp tác ASEAN – Nhật Bản cũng như Năm Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam 2013, ban nhạc cổ điển AUN J của Nhật Bản sẽ có một biểu diễn đặc biệt vào ngày 12/12/2013 tại Hà Nội.

Tòa nhà Bảo tàng Đông Nam Á

Được khai trương ngày 30/11 tòa nhà Bảo tàng Đông Nam Á sẽ kết nối giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá các nước trong khu vực.

Tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, hiện vật chuông chùa Vân Bản, chân đèn gốm men rạn ngà của Đỗ Phủ và bia Võ Cạnh đang lưu giữ tại Bảo tàng đã được Hội đồng thẩm định cổ vật (Bộ VH,TT&DL) thẩm định để đề cử công nhận Bảo vật quốc gia đợt II.

Chương trình do Nhạc viện TP.HCM tổ chức nhằm tạo dựng những hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam cũng như giao lưu, trao đổi kiến thức, học tập kinh nghiệm và phát triển kỹ năng chuyên môn cho các nghệ sĩ, sinh viên Việt Nam và thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục