Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đau đáu với "Ma làng 2"
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/11/2013 | 1:44:16 PM
Bộ phim “Ma làng 2” với tên gọi “Làng ma – 10 năm sau”, 33 tập sẽ lên sóng truyền hình VTV1 kể từ ngày 6/12 tới đây.
Nghệ sỹ Trung Hiếu và Kim Oanh trong một cảnh quay của "Làng ma - 10 năm sau"
|
“Làng ma – 10 năm sau” là câu chuyện về làng Bâm Dương đang sôi sục với cơn khát làm giàu của lớp người trẻ tuổi do hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, lực lượng lao động dư thừa, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ còn manh mún…
Tiếp nối câu chuyện về những bóng ma vật vờ vào đầu đông, Làng Bâm Dương giờ đây vẫn còn mang tên là Làng ma như để nhắc về một quá khứ không thể lãng quên. Những bóng ma mới lại về và cuộc đấu tranh bảo vệ những điều tốt đẹp, làm giàu bằng chính đất đai của mình, xây dựng nông thôn phát triển bền vững, chống lại sự suy thoái đạo đức lại diễn ra với nhiều cam go, khốc liệt.
Nếu “Ma làng” phản ánh những nhức nhối trong quá trình đổi mới ở nông thôn giai đoạn 1, được khép lại bằng cái chết của ông Tòng (Chủ tịch) thì “Làng ma - 10 năm sau” (Ma làng 2) lại bắt đầu bằng sự xuất hiện của cái "bóng ma ông Tòng" - chính là cu Ất (con trai ông Tòng).
“Làng ma – 10 năm sau” là bức tranh sinh động về những người nông dân đang được đón nhận những thành quả tốt đẹp của sự nghiệp đổi mới, phát triển và công cuộc chống lại những rối ren, vô lý, phức tạp nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường, đồng thời cũng vạch trần bộ mặt thật của những nhóm người mưu lợi cá nhân, chà đạp lên giá trị nhân bản, gây rối loạn làng quê, làm băng hoại đạo đức và truyền thống làng xã.
Nói về lý do làm phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bày tỏ: “Tất cả những vấn đề lớn nhất của chúng ta hiện nay đang nằm ở nông thôn, người dân bám lấy ruộng đất nhưng ruộng đất đang bị thu hẹp lại, rồi việc chúng ta đã nghèo rất lâu, bây giờ chúng ta mở mang phát triển thì sẽ như thế nào? Chính vì vậy, đề tài nông thôn luôn là đề tài đang sôi sục nhất, nóng bỏng nhất”.
Một cảnh quay trong "Làng ma - 10 năm sau" |
Bên cạnh sự góp mặt của những diễn viên quen thuộc đã từng được biết đến với các vai diễn trong “Ma Làng” như Kim Oanh, Kiên Cường, Bạch Diện, bộ phim “Làng ma – 10 năm sau” còn có sự tham gia của anh Dỏ. Vai anh Dỏ do nghệ sĩ quá cố Hồng Sơn thủ vai từng để lại nhiều yêu mến cho khán giả giờ được trao cho diễn viên Trung Hiếu. Nghệ sỹ Trần Hạnh cũng sẽ đảm nhận một vai diễn phụ trong phim.
Chia sẻ về vai diễn của mình, Kim Oanh nói: “Nhân vật Ló không còn nghèo khổ nữa, không còn phải đi ăn cắp, ăn trộm vặt như ngày xưa mà Ló đã có sự phát triển tính cách, bản chất vẫn là cá tính của cô Ló nhưng nó sẽ phát triển hơn khi cô ấy có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhân vật phát triển theo hoàn cảnh, cuộc sống và xã hội”.
“Làng ma – 10 năm sau” – bộ phim chính luận về đề tài nông thôn đương đại chứa đựng những hình ảnh đẹp, thơ mộng, gần gũi của làng quê lưu giữ trong tâm hồn người Việt.
(Theo VOV)
Các tin khác
Sau 2 ngày làm việc, Hội thảo Khoa học toàn quốc “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” đã kết thúc ngày 28-11 tại Hội trường T.78 (TPHCM).
Ngày 28-11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 14, năm 2013. Giải nhất trị giá 15.000.000 đồng thuộc về TS Đỗ Thị Thùy Lan (Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) với luận án "Hệ thống cảng thị trên sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII".
Những ngày này, đồng bào Dao ở tỉnh Tuyên Quang rất phấn khởi vì Páo dung - làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc Dao vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhân kỷ niệm 40 năm Hữu nghị và Hợp tác ASEAN – Nhật Bản cũng như Năm Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam 2013, ban nhạc cổ điển AUN J của Nhật Bản sẽ có một biểu diễn đặc biệt vào ngày 12/12/2013 tại Hà Nội.