Nhà sàn giữa không gian đô thị
- Cập nhật: Thứ tư, 11/12/2013 | 2:44:59 PM
YBĐT - Nói đến nhà sàn, chúng ta thường hình dung tới những bản làng quần tụ đầm ấm với những nếp nhà sàn thường được làm tựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra phía ruộng đồng hoặc cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi; vừa thể hiện yếu tố phong thủy, vừa mang vẻ đẹp bình yên, nên thơ, hữu tình.
Ngày càng có nhiều người thành phố lựa chọn nhà sàn trong xây dựng nhà ở.
(Ảnh: Thanh Ba)
|
Dù chỉ là những ngôi nhà ở dung dị nhưng nhà sàn lại chở che, gắn kết con người với thiên nhiên hùng vĩ. Nét đẹp ấy cũng chính là ấn tượng khó phai cho những ai dù chỉ một lần đến với vùng cao, trong đó có Yên Bái... Trong sự phát triển của hiện đại hóa, đô thị hóa như ngày nay, không khó bắt gặp những kiến trúc nhà sàn giữa không gian đô thị. Đó chính là một điểm nhấn làm nên nét mềm mại, độc đáo cho kiến trúc phố phường và dấu ấn đô thị vùng cao.
Là kiểu kiến trúc đặc trưng gắn với không gian thoáng đãng của núi rừng, phù hợp với đặc điểm địa hình đồi núi nên khi về với đô thị, kiến trúc nhà sàn đã được các chủ nhân chăm chút và thay đổi cho phù hợp với nếp sinh hoạt hiện đại, phù hợp điều kiện kinh tế từng gia đình, thể hiện được sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân.
Xen giữa những ngôi nhà xây cao tầng hiện đại, nếp nhà sàn của ông Nguyễn Đăng Luận ở tổ 35, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đã làm cho không gian trở nên thoáng đãng, trong lành nhờ hồn gỗ và kết cấu đặc biệt. Để có ngôi nhà sàn này, ông Luận đã kì công tìm mua được bộ khung nhà bằng gỗ mít rừng - loại gỗ dẻo, dai, độ bền chắc đến hàng trăm năm.
Với ông Luận, chỉ tạo dựng một ngôi nhà kiểu kiến trúc nhà sàn thì chưa đủ mà quan trọng là tạo một không gian xanh thân thiện với môi trường, từ thú nuôi, cây cảnh đến những vật dụng bày trí đều toát lên nét đẹp của văn hóa vùng cao. Bởi thế, bước chân vào không gian ngôi nhà sẽ bắt gặp ngay những nét cổ xưa trong đời sống lao động, sản xuất, phục vụ sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đó là những vật dụng như cối xay, nơm, ớp, cày, bừa… chủ nhân ngôi nhà đã mày mò sưu tầm để gìn giữ làm kỉ niệm cho riêng mình. Hơn nữa là mong muốn tạo dựng nên một “bảo tàng nhỏ” về cuộc sống vùng cao; để bạn bè và thế hệ trẻ có thể đến khám phá, tìm hiểu.
Về cơ bản, ngôi nhà sàn của ông Luận vẫn giữ được những nét nguyên bản của kiến trúc nhà sàn người Tày nhưng chủ nhân đã có sự thay đổi cho phù hợp với nếp sinh hoạt hiện đại. Phần thay đổi nhiều nhất là khu bếp nấu và không gian sinh hoạt tầng dưới. Với đồng bào, không gian tầng dưới thường bỏ trống thì ở đô thị, không gian này lại trở thành nơi tiếp khách, bày trí các vật dụng… Bếp nấu được sắp xếp gọn gàng, thuận tiện với nếp sinh hoạt của gia chủ, mang nhiều nét hiện đại nhưng không tách rời khỏi không gian chung của ngôi nhà. Theo ông Luận, kiến trúc nhà sàn rất phù hợp với đặc điểm địa lý nóng ẩm, mưa nhiều của đô thị Yên Bái nên tốt cho sức khỏe.
Đặc điểm chung của kiến trúc nhà sàn khi về với không gian đô thị bằng phẳng là chúng được dựng theo kiểu cột kê. Nhà sàn của đồng bào thường dựng theo kiểu cột chôn thì mới đảm bảo độ vững chãi nơi địa hình đồi núi dốc. Khi làm kiểu cột kê, chủ nhân ngôi nhà cũng thoải mái sáng tạo theo ý thích.
Có người sử dụng chân cột đá được đẽo gọt tròn trịa; có người lại thích chân cột đá nguyên khối xù xì, tự nhiên; có khi đơn giản hơn là dùng các chân cột bê tông… Nhưng ai cũng ý thức tạo dựng một không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên cho cảnh quan chung của nhà sàn. Cây lớn, cây nhỏ được trồng trước nhà, ngoài ngõ, quanh nhà… để khi đứng trên hiên hoặc nhìn qua khung cửa sổ đều cảm nhận được vẻ đẹp chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Vì thế nếp nhà sàn giữa đô thị thực sự là điểm nhấn, nét chấm phá mềm mại trong những mảng kiến trúc bê tông cao tầng. So với không gian chật hẹp, nhỏ bé, thiếu ánh sáng và không khí của kiểu kiến trúc nhà ống thì nhà sàn thực là không gian xanh trong lành, ấm áp.
Là kiểu kiến trúc nhà ở đặc trưng gắn với không gian núi rừng và đồng bào vùng cao nhưng khi về với đô thị, nhà sàn không chỉ trở thành không gian sống mà còn được nhiều nhà hàng ẩm thực lựa chọn để mang đến cho thực khách nhiều cảm nhận mới lạ.
Trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện nay, có thể kể tên khá nhiều nhà hàng có kiểu kiến trúc này như nhà hàng Tây Bắc, Tùng Dương, Việt Hoa, Lẩu Việt... Không chỉ giúp thực khách cảm thấy thoải mái, thích thú với những món ăn mang đậm phong vị núi rừng mà những cảm nhận ấy đến ngay từ không gian thoáng đãng, thân thiện với môi trường của kiểu kiến trúc dân dã, truyền thống. Để tạo những cảm nhận ấy, chủ nhân các nhà hàng rất chú trọng đến việc thiết kế không gian xanh xung quanh, từ vườn cây, giàn hoa, đến bàn ghế đều mang dáng dấp, đặc trưng miền núi.
Ngày càng có nhiều người ở đô thị chọn kiến trúc nhà sàn cho không gian sống của mình để tìm về nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc vùng cao, tìm về không gian bình yên, tĩnh lặng... Có những ngôi nhà sàn bằng gỗ, cũng có những nhà sàn bằng xi măng cốt thép, mái nhà cũng có rất nhiều kiểu dáng đã góp phần làm nên nét độc đáo, một dấu ấn mới cho không gian đô thị. Tuy nhiên, cũng cần phải có những am hiểu nhất định về văn hóa nhà sàn để không gian nhà sàn giữa đô thị vừa giữ được nét đẹp truyền thống mà vẫn hài hòa, tiện ích trong cuộc sống hiện đại.
Giữa cuộc sống đô thị hiện đại và nhịp sống hối hả, chợt bắt gặp nếp nhà sàn dân dã, lòng ta bỗng dịu lại, vơi bớt những lo toan, bon chen của cuộc sống thường nhật. Những nếp nhà sàn với lối kiến trúc phóng khoáng với cộng đồng, thân thiện với môi trường; thiết nghĩ rất cần được phát huy trong đời sống hiện đại ngày nay. Đó là một dạng kiến trúc “xanh” mang đậm bản sắc dân tộc cần giữ gìn, phát huy trong nền kiến trúc Việt Nam.
Anh Thư
Các tin khác
Theo tin từ Trung tâm khoa học và Văn hóa Nga (Hà Nội), Quỹ Hỗ trợ quảng bá Văn học Việt Nam - Văn học Nga, Nhà xuất bản thế giới, Nhà xuất bản văn học, Nhà xuất bản Lokid Premium vừa cho ra mắt 5 đầu sách với các tác phẩm nổi tiếng được biên dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Nga.
Chương trình nghệ thuật “Chào 2014”- VTV Newyear Concert , chủ đề "Tình Ca" sẽ được lên sóng chính thức vào tối ngày 1/1/2014 trên kênh VTV1 và phát lại vào lúc 13 giờ ngày mùng 2 Tết Âm lịch (1/2/2014) trên kênh VTV3.
Trong triển lãm "10 năm Điêu khắc toàn quốc lần thứ 5”, các tác phẩm đã mang hơi thở cuộc sống và ngôn ngữ điêu khắc rõ ràng hơn.
Một tin vui với khán giả mê ẩm thực là từ ngày 10-12, kênh truyền hình chuyên về văn hóa ẩm thực và phong cách sống Asian Food Channel (AFC) có mặt tại VN thông qua hệ thống truyền hình cáp HTVC.