Những thước phim về cơ sở

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/12/2013 | 8:46:39 AM

YBĐT - Hoạt động chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Yên Bái không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị làm tăng thêm niềm tin của nhân dân.

Kiểm tra máy móc trước một buổi chiếu phim nhựa.
Kiểm tra máy móc trước một buổi chiếu phim nhựa.

Đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giáo dục thế hệ trẻ có sự nhìn nhận và hiểu biết về tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn thế hệ cha ông. Vai trò, vị trí quan trọng của chiếu bóng lưu động là rất cần thiết, thiết thực đối với đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở. Nhưng thực sự mọi người không thể hiểu hết được công việc chiếu bóng lưu động ở vùng cao, càng chưa thể  hiểu hết những khó khăn thầm lặng mà những viên chức chiếu bóng chúng tôi luôn phải tự mình khắc phục.

Lặng thầm phục vụ…

Mỗi khi mặt trời gác sau ngọn núi cũng là lúc đội chiếu phim lưu động lại tất bật chuẩn bị những công việc của mình để tiến hành buổi chiếu phim phục vụ. Khi đến đến nơi, mọi người vận chuyển những thùng sắt đựng đồ nghề, những dây rợ, bạt mưa, máy nổ để khẩn trương cho kịp giờ chiếu. Người lắp máy, người dựng phông, người mở loa liên tục thông báo chương trình phim, mời bà con đến xem.

Để có được những giây phút thư giãn cho bà con nơi thôn bản còn nhiều những thiếu thốn, mỗi cán bộ chúng tôi đều ý thức được rằng sự vất vả của mình sẽ luôn được bù đắp bởi những tiếng cười, hay những phút lắng đọng sau khi xem hết bộ phim của những người già, người trẻ, các em nhỏ vùng cao.

Mở đầu các chương trình là phim tài liệu, phóng sự ngắn thường có nội dung về lịch sử, phòng chống buôn bán ma túy, các tiểu phẩm tuyên truyền về giáo dục pháp luật... Tiếp đến là chương trình phim truyện được bà con rất thích với các phim về đề tài chiến tranh cách mạng như: “Biệt động Sài Gòn”, “Đừng đốt”, “Đường thư”…

Đặc biệt như các phim như “ Thiên mệnh anh hùng”, “Cánh đồng hoang”, “Vợ chồng A Phủ”… được bà con yêu cầu xem đi xem lại nhiều lần mà theo như bác Giàng A Pủa ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu  nói: “Những bộ phim hôm nay mày chiếu đã có từ lâu nhưng chúng tao xem mãi mà chưa biết chán” hay những đợt phim chúng tôi phục vụ dịp 30/4, 1/5, ông cũng hứng khởi nhận xét: “Xem phim, tao như được sống lại không khí hào hùng của dân tộc, cảm động khó tả lắm, mày à!”. Những lúc như vậy, chúng tôi lại nhìn nhau và thấy mình đã làm được công việc nho nhỏ có ích và tự hứa với nhau sẽ luôn cố gắng đi thật nhiều hơn nữa để có thể mang đến những buổi chiếu ý nghĩa như vậy.

Công tác chiếu phim phục vụ lưu động không chỉ dừng lại ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh mà chúng tôi luôn chú trọng phục vụ bà con trong thành phố tại hai địa điểm ngoài trời đó là Quảng trường 19/8 và Công viên Yên Hòa dịp những ngày lễ lớn. Ngoài ra, chúng tôi luôn chủ động việc tự liên hệ để phục vụ miễn phí cho các em học sinh các trường: Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, Dân tộc nội trú THPT tỉnh, các trường trung học phổ thông, thậm chí là cả khu dân cư trong thành phố.

Những bộ phim như “Mùi cỏ cháy”, “Dòng máu anh hùng”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Nhìn ra biển cả”... luôn giúp ích cho các em trong quá trình học tập, nhất là đối với môn Lịch sử. Những bộ phim tài liệu, phim truyện về lịch sử quý giá đã thu hút hầu hết sự quan tâm của các em học sinh.

Những thước phim cứ thế trôi đi, có những em học sinh không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động, chia sẻ: “Chứng kiến cảnh những chiến sỹ độ tuổi đôi mươi ngã xuống trước nòng súng địch, chúng em càng thấy niềm tự hào dân tộc. Chúng em được như hôm nay cũng chính là nhờ vào công lao của các anh bộ đội nên em tự hứa với lòng mình rằng sẽ phải cố gắng thật nhiều”.

...Và phục vụ nhiệm vụ chính trị

Ngay từ đầu năm 2013, Trung tâm đã bám sát những nhiệm vụ, sự kiện chính trị của tỉnh, đất nước, chủ động xây dựng kế hoạch chiếu phim. Đặc biệt cũng trong năm 2013 này, Trung tâm đã tổ chức buổi gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013) để cùng nhau ngồi ôn lại những quá khứ hào hùng của sự nghiệp điện ảnh trước đây và cùng nhau suy ngẫm về sự phát triển của ngành trong những năm gần đây.

Ngoài ra, các tuần phim: “Mừng Đảng, mừng xuân”, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9… luôn diễn ra sôi nổi, hiệu quả, góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân và bà con các dân tộc trong tỉnh. Hoạt động chiếu phim lưu động ở vùng sâu, vùng xa được duy trì thường xuyên ở các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên…. Từ đầu năm đến nay, đã có 955 buổi chiếu, trong đó ở vùng cao hơn 500 buổi; trung bình mỗi buổi chiếu có 200 lượt người xem.

Hoạt động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; tiếp tục tuyên truyền vận động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; lồng ghép các nội dung về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền về biển, đảo; an toàn giao thông, phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, “Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS”.

Gần đây nhất, chúng tôi đang tích cực đi đến các thôn, bản có đồng bào Mông sinh sống trong toàn tỉnh, đặc biệt là các thôn, bản thuộc hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải để tuyên truyền vận động đồng bào ăn chung một tết.

Anh Lê Xuân Tặng – Đội trưởng Đội Chiếu bóng lưu động số 7 cho biết: “Việc chiếu phim phục vụ đồng bào dân tộc vùng cao đến nay vẫn luôn thu hút được bà con đến xem. Tuy nhiên, số lượng các phim nhiều nhưng vẫn có những nội dung chưa mới, chưa sát thực với đời sống của bà con  nên chưa thu hút được đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Hy vọng trong những năm tới, được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ban, ngành cấp trên, Trung tâm được đầu tư những trang thiết bị chiếu phim tại rạp, thiết bị chiếu phim kỹ thuật số thì việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị sẽ hiệu quả hơn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân trong tỉnh nhiều hơn nữa”.

Mai Ngọc

Các tin khác

Ngày 17-12, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của các di sản văn hóa thời Trần trên vùng đất Hưng Hà, Thái Bình sẽ xây dựng hồ sơ khoa học trình cơ quan có thẩm quyền đề nghị xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.

Cảnh trong phim The Hobbit.

Reuters ngày 16-12 đưa tin phim The Hobbit: The Desolation of Smaug (tạm dịch: Người Hobbit: Sự tàn phá của Smaug) đã đạt doanh thu cao ngất ngưởng 205 triệu USD từ các phòng vé trên khắp thế giới.

Lò Ngân Sủn, nhà thơ người dân tộc Giáy ở Lào Cai, tác giả bài Chiều biên giới nổi tiếng được phổ nhạc, qua đời vào 22h ngày 15/12 tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội vì căn bệnh ung thư gan và di chứng đột quỵ.

Top 3 Miss International 2013, từ trái qua: Á hậu 1 - Hoa hậu Hà Lan Nathalie den Dekker, Tân Hoa hậu Quốc tế, Á hậu 2 - người đẹp New Zealand Lorena Hermida.

Bea Rose Santiago, 22 tuổi, giành vương miện Hoa hậu Quốc tế 2013 trong đêm chung kết diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản hôm 17/12. Đại diện Việt Nam - Lô Thị Hương Trâm - trắng tay tại cuộc thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục