Đến thành phố ngàn hoa
- Cập nhật: Thứ hai, 23/12/2013 | 8:45:07 AM
YBĐT - Cuối tháng 12, Lễ công bố năm du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển và Fectivan hoa Đà Lạt lần thứ V sẽ diễn ra. May mắn cho chúng tôi - những người làm báo được đến chứng kiến công tác chuẩn bị cũng như những đổi thay của thành phố nổi tiếng hơn một thế kỷ này.
|
Gần chính đông nhưng thời tiết ở Đà Lạt chỉ mát dịu. Trời vừa sáng, ánh nắng vàng đã trải mượt trên những đồi thông, những biệt thự cổ kiến trúc kiểu Pháp, trên những nụ hoa tươi các loại làm thành phố càng thêm nổi bật. Quê tận Nghệ An nhưng phóng viên Đức Danh - Báo Lâm Đồng đã định cư ở nơi này gần chục năm nay, yêu và hiểu mảnh đất này như chính quê hương mình, anh cho biết: “Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Da hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa là nước của người Lạt, hay suối của người Lạt”.
Ngược theo dòng lịch sử cách đây đúng 120 năm, thành phố Đà Lạt được ghi nhận hình thành năm 1893, khi bác sỹ Alexandre Yersin lần đầu đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên - vùng đất vốn là nơi cư trú của những cư dân người Lạch. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương.
Nhận được thư riêng của Paul Doumer, Alexandre Yersin đã đề nghị chọn cao nguyên Lâm Viên vì có khí hậu tương tự như vùng ôn đới châu Âu. Cuối tháng 3 năm 1899, đích thân Toàn quyền Paul Doumer cùng bác sỹ Yersin đã đến cao nguyên Lâm Viên để khảo sát và quyết định triển khai thực hiện dự định ban đầu. T
uy nhiên, dự án xây dựng thành phố bị gián đoạn vào năm 1902 khi Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp, mang theo cả ý tưởng về một thành phố trên cao nguyên. Phải hơn 10 năm sau, khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, nhiều người Pháp không thể trở về châu Âu trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt mới lại được nhớ đến.
Từ giữa thập niên 1910, công cuộc kiến thiết thành phố thực sự bắt đầu và ranh giới của Đà Lạt cũng được xác định về mặt pháp lý khi Hội đồng nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt ngày 20 tháng 4 năm 1916. Trong vòng 30 năm, nhờ những bản quy hoạch của các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet, một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, trường học, khách sạn... đã hình thành. Vào năm 1945, Đà Lạt đã là một đô thị hơn 25 ngàn dân, giữ vai trò một trung tâm giáo dục quan trọng và một thành phố du lịch hấp dẫn.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, Đà Lạt được chính quyền Đệ nhất Cộng hòa quy hoạch phát triển tương đối quy mô, nhiều trường học, trung tâm văn hóa vàcác công trình kiến trúc tiếp tục xuất hiện. Nhưng kể từ năm 1964, khi tình hình chính trị miền Nam Việt Nam không ổn định và cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, Đà Lạt cũng chịu nhiều biến động và không còn phát triển như giai đoạn trước đó.
Sau năm 1975, giống như nhiều đô thị khác thời kỳ đầu sau chiến tranh, Đà Lạt bước vào mộtgiai đoạn khó khăn. Nhưng từ cuối thập niên 1980, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thành phố du lịch Đà Lạt cũng dần hồi sinh, cơ sở hạ tầng đô thị tiếp tục được xây dựng, nâng cấp và phát triển như ngày hôm nay.
Ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, do ảnh hưởng của độ cao và rừng thông bao bọc, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới. Nhiệt độ trung bình khoảng 18 - 210C và cao chưa bao giờ vượt quá 300C. Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những di sản kiến trúc Pháp phong phú, Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Vì vậy thành phố này còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như: “thành phố mù sương”, “thành phố ngàn thông”, “thành phố ngàn hoa”, “xứ hoa Anh Đào” hay “tiểu Paris” với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Dinh thự của Bảo Đại, Nhà thờ con gà trống, Trúc Lâm thiền viện cùng với nhiều điểm tham quan thiên nhiên hùng vĩ…
Tuy nhiên, điểm hấp dẫn du khách hơn cả, đó là hoa. Có thể nói không có nơi nào trên đất nước ta lại có nhiều hoa như ở Đà Lạt, từ hoa rừng nhiệt đới cho đến các loài hoa phương Đông, phương Tây. Vì vậy, tại các vườn hoa trong thành phố hay trong các vườn nhà của tư nhân, du khách có thể nhìn thấy màu hồng của hoa đào, hoa tường vi; màu tím của hoa cúc Nhật Bản, Ngọc Hân; màu vàng của cúc đại đóa, thiên lý, màu đỏ của dâm bụt; màu trắng của hoa sứ, hoa huệ, trà mi...
Đặc biệt là hoa hồng thì được trồng ở khắp nơi. Hơn thế về đêm, du khách có thể thưởng thức hương thơm ngào ngạt và dịu dàng tỏa ra từ hoa dạ lan, hoa lài, hoa hồng.... Đó là những hoa có nguồn gốc xuất xứ, còn hoa rừng thì nhiều vô kể, nó vừa lạ vừa đẹp như: me đất, trinh nữ, mắt nai, huệ đất, cúc quỳ, hoa mua, bướm bạc... Bên cạnh đó, các hoa phương Tây thì từ khi du nhập vào Đà Lạt như: mi - mo - sa, ly, lay - ơn... làm cho thế giới hoa thêm đa dạng. Cùng hoa, Đà Lạt còn nổi tiếng về phong lan.
Muôn sắc hoa Đà Lạt.
Theo thống kê, lan ở Đà Lạt có trên 200 loài, như: Hạc đính, Bạch hạc, Nhất điểm Hoàng, Thủy tiên, Tiên hài, Hàm lân, Kim điệp… trong đó có 5 loài được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới được mang tên Đà Lạt hay Langbian. Ngoài ra, có còn có nhiều giống nhập từ nước ngoài về như: Chateau, Sayonara, Balkis, Oriental Legend...
Chuẩn bị cho Lễ công bố năm du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển và Festival hoa Đà Lạt lần thứ V diễn ra vào vào cuối tháng 12 này, tại Đà Lạt sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: triểnlãm hoa Đà Lạt và sinh vật cảnh, khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch 2013; đám rước vật thiêng biểu tượng Tây Nguyên; đêm nghệ thuật Tây Nguyên; Đà Lạt - Những không gian hoa… Do đó, nhiều công trình đã được triển khai thi công.
Trong đó, khán đài 15.000 chỗ ngồi, đối diện sân khấu nổi trung tâm tọa lạc trên mặt hồ Xuân Hương được xây dựng giúp khách tham quan quan sát toàn cảnh đường Yersin, bao quanh hồ Xuân Hương. Con đường này sẽ là một điểm nhấn của Festival với đa dạng sắc hoa tươi. Còn tại hồ Xuân Hương được xây dựng 3 sân khấu nổi, tác thành một cành hoa nhân tạo ấn tượng.
Năm nay, Ban tổ chức Festival chính thức mời các tỉnh, thành bạn và một số nước trồng nhiều hoa như: Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan... mang hoa đến tham dự. Theo Ban tổ chức, Festival năm nay sẽ huy động ít nhất 1,3 tỷ đơn vị hoa, nhiều gấp 2-3 lần Lễ hội hoa 2004 có khoảng 3,5 triệu đơn vị hoa các loại.
Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Đến thành phố hôm nay cùng các địa điểm du lịch gắn với truyền thuyết lãng mạn và chiêm ngưỡng ngàn hoa khoe sắc màu, du khách sẽ không bao giờ quên một thành phố nơi cao nguyên để từ đó thêm tự hào về quê hương đất nước mình.
Đ.T
Các tin khác
Các làng hoa truyền thống ở Đà Lạt đang tích cực hoàn thiện những tác phẩm hoa đẹp để đón chào Festival Hoa Đà lạt lần thứ 5.
Tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản sẽ được Bảo tàng giới thiệu tới công chúng tại trưng bày chuyên đề "Văn hóa Nhật Bản" diễn ra từ ngày 16-1 đến 9-3-2014.
Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 24 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, sáng 22/12, tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, anh hùng liệt sỹ trong An viên vĩnh hằng thuộc xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.
Ngày 22/12, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Trần Huy Đường cho biết, thời gian qua, do thời tiết nóng nên địa lan Đà Lạt đã nở lác đác.